Bão số 3 đổ bộ với sức gió cấp 8, mưa khắp miền Trung

(PLO) - 20h tối qua, tâm bão số 3 đã đi vào đất liền Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi với sức gió cấp 8 (75km/h), sóng biển cao chừng 3-5m đánh mạnh vào bờ. Hoàn lưu bão gây mưa khắp miền Trung.
Mưa to, gió lớn ở nhiều tuyến phố Đà Nẵng
Mưa to, gió lớn ở nhiều tuyến phố Đà Nẵng
Chiều qua (14/9), do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Đà Nẵng đã có mưa to từ sáng đến chiều gây ngập cục bộ một số tuyến phố, nhiều nơi mất điện. Các tỉnh Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên đã khẩn trương triển khai phòng chống lụt bão.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to liên tiếp trong 2 ngày tới. Ghi nhận tổng lượng mưa tính đến 17 giờ chiều 14/9 phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 258mm, Tiên Sa (Quảng Nam) 257mm; Trà Khúc (Quảng Ngãi) 215mm... 
Các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định đang lên mức báo động 1 đến báo động 2; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên đã lên mức báo động 2 đến báo động 3. 
Cùng ngày, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, đến chiều 14/9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho 40.898 tàu thuyền, phương tiện biết vị trí và hướng đi của bão để tránh trú an toàn. Đặc biệt, hiện vẫn còn 476 tàu với 5.197 lao động đang hoạt động giữa biển Đông trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, Đà Nẵng 18 tàu, Quảng Nam 110 tàu, Bình Định 253 tàu, Khánh Hòa 1 tàu. 
Trong ngày 14/9, chính quyền các địa phương miền Trung đã tổ chức các đoàn xuống kiểm tra tại những vùng xung yếu, vùng trũng thấp, sạt lở, lên phương án sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Theo báo cáo từ các địa phương, đến cuối buổi chiều ngày 14/9, mọi công tác ứng phó với bão số 3 đã hoàn tất. 
Tại Đà Nẵng: Do ảnh hưởng của bão, mưa to từ sáng đến chiều gây ngập cục bộ một số tuyến phố, nhiều nơi mất điện. Đến chiều 14/9, Đà Nẵng vẫn còn 138 phương tiện với 1.270 lao động đang ở trên biển. Trong đó, chủ yếu khu vực Đông Bắc Hoàng Sa, khu vực biển Hải Phòng. Vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam hiện có 47 phương tiện với 400 lao động ở trên biển. 
Ngày 14/9, UBND TP.Đà Nẵng đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó. Theo đó, các lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ phường khu vực Trung tâm Đà Nẵng đã xuống đường hướng dẫn, phân luồng giao thông, lập rào chắn, cấm xe tại các đoạn đường bị ngập. Các Đồn Biên phòng cũng cử lực lượng xuống các địa bàn xung yếu hướng dẫn phương tiện tránh bão. 
Trong suốt ngày 14/9, người dân thuộc các quận ven biển: Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu đã khẩn trương chèn chống nhà cửa với sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng dân quân, thanh niên và Bộ đội Biên phòng. Bên cạnh đó, hơn 400 thuyền thúng công suất nhỏ của ngư dân cũng đã được đưa lên bờ an toàn.
Đại tá Lê Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã cử 60 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy cùng với Đồn Biên phòng 252, Đại đội huấn luyện cơ động giúp ngư dân chằng chống nhà cửa, neo hoặc đưa tàu thuyền lên bờ. Bên cạnh đó, Hải đội 2 triển khai 2 phương tiện thường trực để cứu hộ, cứu nạn, 8 phương tiện để đưa tàu vào Âu thuyền Thọ Quang neo đậu. Riêng tại vùng trũng thấp huyện Hòa Vang, chính quyền địa phương đã cử các lực lượng xuống giúp người dân di chuyển lương thực, đồ đạc, gia súc, gia cầm… đến nơi cao ráo nhằm tránh thiệt hại khi lũ đổ về. 
Do mưa lớn và gió giật mạnh nên từ trưa 14/9, Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học. Sở Y tế đồng thời đã triển khai các phương án cấp cứu người bị nạn do bão, lũ gây ra. Trong khi đó, lương thực, nước uống, thuốc men cũng đã được phân phát về các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở, chia cắt để kịp thời cứu trợ người dân. 
Tại Quảng Nam:
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các địa phương thông báo phát các bản tin dự báo thời tiết đến các tàu cá đang ở trên biển chủ động phòng tránh. Hải Đội 2 thường trực lực lượng sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống xấu xảy ra. Đại tá Nguyễn Văn An, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến chiều 14/9 trên biển hiện còn 229 tàu hoạt động nên vẫn chưa nằm trong độ an toàn. 
Tại Quảng Ngãi: Từ sáng 14/9, tỉnh Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, kể cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã yêu cầu chủ đầu tư khai thác dầu khí, chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; sẵn sàng triển khai thực hiện phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch; tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu khi có sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. 
Tại Thừa Thiên Huế: Tính đến 17 giờ chiều 14/9, 100% di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế tại TP.Huế và các huyện vùng ven đã được lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế gia cố thêm gỗ chắc và giằng néo cẩn thận nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trong khi đó, tại các âu thuyền ở Quảng Trị, đã có 2.282 tàu thuyền của địa phương này cùng 38 tàu thuyền khác của ngư dân Quảng Bình, Nghệ An và Đà Nẵng vào trú tránh an toàn.  

Đọc thêm