“Bức tranh tiêu thụ nông sản đâu đến mức không sáng sủa!“

(PLO) - Hôm nay, mở đầu phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII, Bộ trường Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn – đã là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn.
“Bức tranh tiêu thụ nông sản đâu đến mức không sáng sủa!“
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé  có hỏi bây giờ trồng lúa thì khó bán, nuôi tôm, cá cũng khó bán, cây ăn trái cũng khó bán, bây giờ làm như thế nào?
Bộ trưởng nói: "Thưa Quốc hội, thực tế tình hình cũng không đến nỗi không sáng sủa đến như vậy." 
Bộ trưởng cho biết, "Trước khi họp Quốc hội tôicó điện thoại cho một số Sở tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và những ngày này tôi liên tục liên hệ với các giám đốc sở tại các địa phương đồng bằng Sông Cửu Long. Ở Cần Thơ đồng chí Giám đốc Sở nói với tôi lúa hè thu năm nay được mùa, trái cây được mùa, được giá. 
Tôi có trao đổi với đồng chí Giám đốc Sở của Hậu Giang, đồng chí Giám đốc Sở nói các loại trái cây như cam, chanh được mùa, được giá. Lúa hè thu năm nay bình quân 6 tấn, cùng kỳ năm ngoái có hơn 5 tấn. Tất nhiên là giá bây giờ đang thấp, vì giá thị trường thế giới rất thấp. 
Tình hình chung của cả nước cũng vậy, không phải tất cả đều như dưa hấu, trong tháng năm đều như hành tím. Cũng có mặt hàng được mùa, được giá như hồ tiêu. 
Trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại lên, đó là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. Trong đó sắn xuất khẩu tăng tới 44%. 
Tình hình rất khác nhau, vì vậy trong mọi tình huống chúng ta sẽ bình tĩnh, xử lý những tình huống đã đặt ra. Ví dụ, với dưa hấu giá xuống vì khả năng thông quan thấp, dưa hấu của Quảng Ngãi chỉ có 100.000 tấn, nhưng cả nước chúng ta một năm sản xuất 1.200.000 tấn. Chúng ta chỉ xử lý thông quan cho dưa hấu cho tháng 5, còn các tháng khác chúng ta sẽ tiếp tục."
Lý giải sự tồn đọng của một số mặt hàng, ông nói: Hành tím của Sóc Trăng, lý do chính là bởi vì 70% hành của Sóc Trăng là xuất khẩu, chủ yếu là sang Indonesia, từ cuối năm 2014 với chủ trương tự túc trong nước nên nước Indonesia dừng nhập khẩu hành từ nước Việt Nam nên đã ảnh hưởng làm cho tồn đọng. Chúng tôi đã sang tận Indonesia làm việc với các đồng nghiệp để tháo gỡ nhưng việc này cần phải có thời gian vì đây là chính sách của một nước. 
"Quay trở lại cái nhìn tổng thể, rõ ràng để nông dân có thu nhập cao hơn từ sản xuất nông nghiệp chúng ta phải lựa chọn những mặt hàng, làm với chất lượng cao hơn, với giá thành hạ hơn và làm căn cơ theo cả chuỗi giá trị để phát triển một cách bền vững và có hiệu quả." Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trương Minh Hoàng tỉnh Cà Mau  về việc ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết: Chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường. Vì vậy, chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hơn thế nữa, nước ta nói chung và nền nông nghiệp nước ta nói riêng cũng đang hội nhập rất sâu sắc vào nền kinh tế thế giới. Vì thế nên phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới. 

Bản chất của thị trường thế giới cũng như thị trường nông sản nói chung, luôn có sự thay đổi. Để đạt được một sự ổn định tương đối, có nghĩa chúng ta phải làm cho sản xuất của nông nghiệp nước ta bám sát và phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để luôn đạt được hiệu quả cao nhất. Chúng ta không thể kỳ vọng có một thị trường luôn luôn có giá ổn định ở mức cao có lợi cho nông dân. Chúng ta phải tìm cách để thích ứng với thị trường.
Để thích ứng với thị trường kinh nghiệm hơn 20 năm vừa qua cho thấy, cách tốt nhất chúng ta phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước chúng ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn với giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường thì nông sản của nước ta có khả năng cạnh tranh cao, vẫn có thể bán được nhiều hơn với giá có lợi cho nông dân.
"Với cách làm như vậy, trong hơn 20 năm qua nông nghiệp của nước ta đã liên tục phát triển, trước những diễn biến mới chúng ta sẽ tiếp tục hội nhập sâu sắc hơn với thị trường quốc tế. Theo tôi, về cơ bản chúng ta vẫn nên tiếp tục cách tiếp cận đó." Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng cũng thừa nhận  phải tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và hỗ trợ nông dân nhất là vào lúc thị trường có những biến động bất lợi, một mặt tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp đỡ cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản một cách thuận lợi và có hiệu quả, mặt khác hỗ trợ bà con nông dân duy trì được giá không bị giảm quá sâu để rồi thua lỗ và thực hiện được những giải pháp mà có thể giảm thiểu những tổn thất. 
“Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện ngoài việc đầu tư để cho các cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân, theo tôi vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản. Quan trọng không phải chỉ là chế biến mà phải chế biến ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và đặc biệt phải có các mối quan hệ thị trường để có thể tiêu thụ được sản phẩm làm ra. Vì thế, không có ai có thể làm tốt hơn đó chính là doanh nghiệp.” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng đối với thực trạng thiếu liên kết ở nông thôn thiếu liên kết, nông dân chạy theo phong trào, được mùa mất giá, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, trong đó tập trung vào ở Bộ cũng như chính quyền các cấp và rà soát, quy hoạch để hướng dẫn cho nông dân hướng sản xuất những cây trồng, vật nuôi mà có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ tốt hơn. Mặt khác, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, về vốn để nông dân có thể sản xuất những sản phẩm với năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn. 
“Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, rõ ràng yêu cầu mới đặt ra là phải phát triển mạnh hơn hai thành phần trong chuỗi giá trị, đó là các tổ hợp tác, các hợp tác xã và các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp, chỉ khi chúng ta phát triển theo chuỗi như vậy, với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể được hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn.” Ông nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hỏi về chủ trương liên kết 4 nhà chưa thành công. Bộ trưởng cung cấp thông tin:Chủ trương liên kết 4 nhà chúng ta đã đưa ra 10 năm nay. Chúng ta cũng đã cố gắng để triển khai thực hiện. Trên thực tế đối với một số loại sản phẩm như bò sữa và mía đường thì việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện khá phổ biến. Nhưng đối với những sản phẩm mà nông dân không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy chế biến hoặc là doanh nghiệp tiêu thụ thì sự liên kết có lỏng lẻo hơn.
“Tại sao trong các mối liên kết vừa qua chưa thành công.”? Bộ trưởng lý giải một phần rất quan trọng là doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít và những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết có năng lực về tài chính, có kho tàng, có cơ sở chế biến có thể liên kết và thực hiện liên kết thì không nhiều.  Thứ hai, trong nông thôn hiện nay, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long thì các tổ hợp tác và đặc biệt các hợp tác xã rất ít, doanh nghiệp rất khó khăn khi liên kết trực tiếp với hàng trục nghìn hộ nông dân và gần như điều đó là không thể, cần phải có các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân. Thứ ba, theo tôi cũng rất quan trọng là sự quan tâm, lãnh đão, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp./.

Đọc thêm