Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950: Bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

(PLO) - Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân trên mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn cùng với cả nước đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 và giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược. 
Bác Hồ chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950
Bác Hồ chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950
Chiến dịch Biên giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. 
Lần đầu tiên đánh lớn
Đây là chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta (từ ngày 16/9 - 14/10/1950), Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành được thắng lợi to lớn.
Sau thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, thực dân Pháp đẩy mạnh việc củng cố hành lang Đông - Tây, đồng thời thực hiện kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc bộ, củng cố tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của địch, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. 
Trong chiến dịch này, ta đã thực hiện thắng lợi trọn vẹn mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra là giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ thị xã Cao Bằng đến thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn), một địa bàn chiến lược xung yếu, tạo nên một thế trận mới vững chắc. 
Với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, cuộc kháng chiến của ta chuyển mạnh từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.
Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đối với Pháp là một thất bại cay đắng. Giới cầm quyền và tướng lĩnh Pháp cũng phải thừa nhận rằng thất bại của quân đội Pháp ở biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn trong Thu - Đông 1950 có ảnh hưởng quyết định đối với nửa cuối cuộc chiến tranh, tình thế cuộc chiến đã thay đổi theo hướng bất lợi cho quân Pháp. 
Thất bại đó đã làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới Việt-Trung” hòng cô lập cách mạng Việt Nam với các nước anh em; tuyến phòng thủ Liên khu biên giới Đông Bắc bị xóa bỏ, “Hành lang Đông-Tây” bị chọc thủng, chủ trương phòng thủ Đông Dương theo “Kế hoạch Rơve” của Pháp tiêu tan.
Sau thất bại ở biên giới, quân Pháp lâm vào tình thế khó khăn, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc bộ. Lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, trót “đâm lao phải theo lao”, thực dân Pháp phải tăng thêm quân cho chiến trường Đông Dương, triệu hồi Cao ủy Pignon và Tổng Chỉ huy, tướng Carpentier về nước và cử tướng De Latre de Tassigny sang Đông Dương kiêm luôn cả chức Cao ủy lẫn Tổng Chỉ huy. 
Không những thế, Pháp phải cầu viện Mỹ về vũ khí,  phương tiện chiến tranh và chính vì vậy, Pháp phải thỏa hiệp, nhượng bộ quyền lợi cho Mỹ để Mỹ can thiệp sâu vào Đông Dương, điều mà Pháp không muốn nhưng buộc phải làm.
Có thể nói, Chiến dịch Biên giới mở ra và giành được thắng lợi đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp thiết về chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ ta giành, giữ và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc bộ, liên tục tiến công địch, đánh tiêu diệt với quy mô ngày càng lớn và giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, tạo được thế trận mới. 
Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta
Sau 6 năm kể từ ngày thành lập (22/12/1944) đến Thu - Đông năm 1950, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng trên mọi phương diện và đã giành được nhiều chiến công xuất sắc. Chiến thắng Biên giới đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nhiều mặt, đặc biệt là về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật. 
Từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ đến Chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn, tập trung tới 4,5 vạn người, kể cả bộ đội và dân, trong thời gian gần một tháng. Đây là chiến dịch lớn, hiệp đồng một số binh chủng, tiến công vào hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài gần 100km. 
Trong chỉ đạo, ta đã đề ra phương châm tác chiến chiến dịch đúng, lựa chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, kiên quyết và khéo léo tập trung ưu thế binh, hỏa lực, tạo thế trận đánh hiểm, có cách đánh sáng tạo và có hiệu quả. Chiến dịch Biên giới là một điển hình về đánh vận động, truy kích, nghệ thuật đánh điểm, diệt viện và đánh tiêu diệt trong nghệ thuật tác chiến của quân đội ta. 
Thành công đó đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội, chứng tỏ trình độ chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ta có sự tiến bộ vượt bậc. Bộ đội ta đã tác chiến tập trung với quy mô lớn hơn so với trước, tiêu diệt được tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc và binh đoàn địch trong đánh vận động. Ta đã giữ quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch, chuyển hóa thế trận tốt, xử lý tình huống tập trung, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận dẫn tới tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch trên toàn chiến trường. 
Bên cạnh đó, trong điều kiện phải chiến đấu dài ngày, tình huống diễn biến mau lẹ, chiến dịch diễn ra trên địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp nhưng công tác bảo đảm hậu cần, bảo đảm vũ khí đạn dược, thông tin liên lạc, cứu chữa và chăm sóc thương, bệnh binh... vẫn được đảm bảo. 
Không chỉ bó hẹp trên chiến trường biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 cho thấy sự chỉ đạo tác chiến đã phát triển lên tầm cao mới. Khi bộ đội ta tiến công địch ở mặt trận chính Cao Bằng, Lạng Sơn thì lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương từ Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, cả Liên khu 3, Bình Trị Thiên, Nam Trung bộ đến Nam bộ đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tiến công địch, “chia lửa” với hướng tiến công chính, buộc chúng phải căng kéo, dàn mỏng lực lượng đối phó ở khắp nơi.
Chính kẻ địch cũng thừa nhận Quân đội nhân dân Việt Nam đến cuối năm 1950 đã “có một phương châm tác chiến vững vàng, điều khiển các trận đánh kế tiếp nhau, gắn bó với nhau một cách mạch lạc và làm cho quân Pháp không kịp thở trên một chính diện rộng lớn từ Đông Khê đến Thất Khê”. 
Trong quá trình Chiến dịch Biên giới, bộ đội ta đã “thực sự làm chủ tình thế, thay đổi bố trí ban đầu rất nhanh, hướng sự cố gắng vào sự bao vây tiêu diệt quân Pháp”. Với cuộc chiến đấu trên đường số 4, Cao Bằng - Lạng Sơn trong Thu - Đông 1950, bộ đội ta “tỏ ra là một quân đội hiện đại, căn cứ vào hình thức tác chiến cũng như sức mạnh trong chiến đấu”.
Sau Chiến thắng Biên giới, phát huy thế chủ động chiến lược giành được trên chiến trường chính Bắc bộ, Bộ Tổng Tư lệnh tập trung các trung đoàn chủ lực, thành lập 3 Đại đoàn Bộ binh (312, 316, 320) và Đại đoàn Công pháo 351; liên tiếp tổ chức, chỉ huy các chiến dịch tiến công quy mô lớn ở trung du và đồng bằng, miền núi Bắc bộ. Đáng kể là: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 đến 18/1/1951), tiến công địch ở trung du Bắc bộ, từ Đông Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên đến Tây sông Cầu; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (23/3 đến 7/4/1951), tiến công vào tuyến phòng thủ của Pháp trên đường số 18 từ Phả Lại đến Uông Bí; Chiến dịch Quang Trung (28/5 đến 20/6/1951) tiến công vào phòng tuyến sông Đáy của quân Pháp từ Nam Phủ Lý (Hà Nam) đến Yên Mô (Ninh Bình); Chiến dịch Lý Thường Kiệt (29/9 đến 31/10/1951), tiến công địch ở Nghĩa Lộ (Yên Bái); Chiến dịch Hòa Bình cuối 1951 đầu 1952, tiến công địch ở khu vực thị xã Hòa Bình - Sông Đà - Đường số 6..., đồng thời đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trên khắp chiến trường Bắc, Trung, Nam và toàn Đông Dương.
Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 thực sự là bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta, tạo cơ sở để lực lượng vũ trang ta cùng toàn Đảng, toàn dân giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, mà quan trọng là trong Đông - Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta đã vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Bài học về phát huy nội lực, xây dựng thực lực kháng chiến, xây dựng Quân đội để làm nên Chiến thắng Biên giới vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch tiến công trong kháng chiến chống Pháp: Đó là sự kế thừa, kết quả tích lũy những kinh nghiệm của hơn 20 chiến dịch nhỏ trong suốt hơn hai năm trước đó. Đó là nghệ thuật chọn đúng cách đánh chiến dịch, xác định chính xác hướng tiến công và mục tiêu tiến công, bảo đảm chắc thắng trận mở màn chiến dịch, nổi bật nhất là nghệ thuật triển khai thế trận và bố trí lực lượng đánh địch tăng viện để tiêu diệt. 
Chiến thuật du kích (du kích chiến) được lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân các địa phương vận dụng với nhiều cách đánh cụ thể khác nhau. Chiến thuật du kích của ta vừa kết hợp cơ động đánh địch với bám trụ đánh địch ngay tại địa phương. Xây dựng làng chiến đấu dựa vào dân để đánh địch, bảo vệ dân, đã xuất hiện nhiều làng đánh giặc nổi tiếng. Chiến thuật du kích đánh địch mọi lúc, mọi nơi, đánh bằng mọi thứ vũ khí: giáo mác, gậy tầm vông, đòn gánh, dao kiếm, chông, mìn, cạm bẫy... đã tỏ rõ hiệu lực chiến lược. 
Cùng với phát triển cách đánh du kích, bộ đội chủ lực đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật thích hợp: phục kích, kỳ tập, tập kích... tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch. Trong chiến đấu tiến công, chiến thuật phục kích được vận dụng tương đối phổ biến theo nguyên tắc: nắm chắc địch và thời cơ, bí mật triển khai thế trận hiểm, bất ngờ, tiến công nhanh, mạnh, lui quân mau lẹ, bảo toàn lực lượng. 
Trong các trận đánh đồn, bộ đội ta đã từng bước làm quen với tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh, giữa bộ phận phá vật cản, mở cửa với xung kích và giữa các hướng với nhau. Từ Chiến dịch Biên giới trở đi, phương thức tiến hành chiến tranh chính quy xuất hiện và ngày càng phát triển, cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích. Đây là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch nhằm tranh giành quyền chủ động chiến lược.
(Theo Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

Đọc thêm