Ra đi tay trắng
Nghiên cứu được LANDA và các tổ chức thành viên thực hiện từ tháng 7/2015 tại tỉnh Quảng Ngãi và Long An, 143 phụ nữ sau ly hôn, các đương sự phải thi hành án (THA), được THA, cơ quan THA, Hội Phụ nữ và các bên liên quan từ cấp tỉnh tới cấp xã đã tham gia các phỏng vấn và thảo luận về tình trạng này.
Nghiên cứu cho thấy sau ly hôn, nhiều phụ nữ không có chỗ ở ổn định, phải về sống với cha mẹ đẻ, ở nhờ nhà người thân hoặc đi làm thuê biệt xứ. Những trường hợp phụ nữ được chia tài sản đất đai sau ly hôn đều phải qua xét xử nhiều lần với thời gian kéo dài, dẫn tới phụ nữ sau ly hôn không ổn định về đời sống vật chất và tinh thần.
Người phụ nữ thường thiếu kiến thức và sự hỗ trợ tư pháp đầy đủ về hôn nhân gia đình, về quyền tài sản, trong khi đó các tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở chủ yếu có liên quan đến bố mẹ chồng hoặc gia đình bên chồng nên khi chia tài sản thường gặp phải sự chống đối, chèn ép, cản trở của gia đình nhà chồng, nhất là ở vùng nông thôn.
Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật THA dân sự và các văn bản pháp luật liên quan ở các mức độ khác nhau đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định rõ quyền tiếp cận đất đai và các tài sản khác cho vợ và chồng khi ly hôn, nhưng trên thực tế người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo nông thôn, sau ly hôn thường rơi vào tình trạng bần cùng.
Nguyên nhân do Tòa án nhiều nơi chủ yếu chỉ hướng dẫn các cặp vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết mối quan hệ hôn nhân và con cái, còn các tài sản thì tự thỏa thuận hoặc khởi kiện thành vụ kiện dân sự khác. Điều này trên thực tế thường đẩy phụ nữ vào vị thế yếu hơn khi phải tự thỏa thuận phân chia tài sản.
Minh họa nguồn internet. |
Tự thỏa thuận về tài sản, phụ nữ chịu thiệt nhiều
Ông Phạm Hải Bình - Trưởng nhóm nghiên cứu của LANDA nói: “Trong tình trạng đó, việc để các cặp vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản trong ly hôn làm tăng những bất lợi thuộc về phía phụ nữ, khiến họ mất đi các cơ hội được pháp luật xác minh, kiểm kê và chia cho họ phần tài sản chính đáng của mình, trong đó có nhà ở và đất sản xuất, đẩy họ ra khỏi cộng đồng và phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống tiếp theo”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác hạn chế quyền đất đai của phụ nữ sau ly hôn, như thiếu các quy định đặc thù có liên quan đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong tố tụng nói chung và trong THA dân sự nói riêng, năng lực thực thi hạn chế của Tòa án và cơ quan THA, Hội Phụ nữ và các cơ quan liên quan… cũng như thiếu các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức này trong thi hành các bản án liên quan tới hôn nhân gia đình và phân chia tài sản.
“Để đảm bảo quyền tài sản nhà và đất cho phụ nữ sau ly hôn trên thực tế, LANDA đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù có liên quan đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong tố tụng nói chung và trong THA dân sự nói riêng. Tòa án và cơ quan THA cần áp dụng các nguyên tắc của Công ước CEDAW và Luật Bình đẳng giới trong điều tra, xét xử và THA. Phụ nữ cần được tư vấn và hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn tố tụng về quyền và lợi ích của họ.
LANDA cũng kiến nghị tăng cường vai trò của Hội Phụ nữ trong việc hỗ trợ các phụ nữ ly hôn cũng như cần xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan THA với Hội Phụ nữ trong việc THA để đảm bảo quyền tiếp cận tài sản đất, nhà của phụ nữ sau ly hôn và đảm bảo quy chế phối hợp này được thực hiện trên thực tế” - ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch của LANDA nhấn mạnh.