“Đại biểu Quốc hội bấm nút cũng áy náy”

(PLO) - Tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/11, ngoài những đánh giá tích cực, nhiều Đại biểu Quốc hội trăn trở với các câu hỏi về phòng chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực do lợi dụng sơ hở của chính sách…
Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội  trong 1,5 ngày qua, nhiều Đại biểu (ĐB) đã mổ xẻ việc thất thu ngân sách, tuy nhiên, theo ĐB­­­ Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) thì cần bổ sung thêm một nguyên nhân nữa đó là do yếu kém trong quản lý và thiếu minh bạch trong việc quản lý thu, chi lĩnh vực thuế; đặc biệt là việc hoàn thuế giá trị gia tăng trong hoạt động xuất nhập khẩu. 
“Có nhiều DN lợi dụng sơ hở của chính sách, lợi dụng quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng đã lập chứng từ khống để trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Đây mới chỉ là phát hiện ban đầu, nếu ngành chức năng phát hiện nhiều hơn, thống kê đầy đủ hơn, chắc chắn con số thất thoát này sẽ không nhỏ. Tôi đề nghị Chính phủ cần quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ hơn để tránh lãng phí, thất thoát; đồng thời cần xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trên” - ĐB Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thảo luận tại Hội trường
 Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thảo luận tại Hội trường
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cũng đồng tình với nhiều ĐB về cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục ổn định lạm phát ở mức thấp, tuy nhiên, ông đề nghị chính sách tài khóa cần chặt chẽ và nâng cao tính kỷ luật ngân sách một cách nghiêm khắc hơn. Theo ĐB Ngân: “Đã đến lúc chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và chi tiêu dùng nhiều hơn nữa để có tiền chi cho đầu tư phát triển” .
“Chính phủ cho biết vì sao trong nhiều năm qua, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương và giải pháp về chống tham nhũng và lãng phí mà tôi thấy  vẫn không giảm” là đề nghị của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội). Chỉ từ ví dụ trong thời gian vừa qua như Bộ Giao thông đã rà soát lại một số dự án, đã tiết kiệm được 19 nghìn tỷ mà trong khi đó 11 tập đoàn kinh tế và 88 TCy nhà nước mới chỉ phấn đấu giảm chi tiêu được 11.816 tỷ, ĐB An đặt câu hỏi: “Nếu như không có sự giám sát và rà soát thì 31.816 tỷ đồng sẽ vào túi ai, vào túi các quan tham hay là lợi ích nhóm? Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế và cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội”. 
Nhìn lại công việc của Chính phủ trong một năm vừa qua và cả 3 năm đầu quy hoạch 5 năm 2011 – 2015, chặng đường đầy thử thách này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, đã tạo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đạt được nhiều chỉ tiêu… Ghi nhận những nỗ lực đó, nhưng ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn: Quốc hội có chức năng quản lý ngân sách, là người giữ “tay hòm chìa khóa” của nhân dân, Chính phủ chỉ là người được giao và chi tiêu theo luật và sự giám sát của Quốc hội. Do đó, theo ĐB: “Hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Qua 1,5 ngày thảo luận ở Hội trường, với 64 ĐB phát biểu ý kiến, 5 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, phần thảo luận được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là “sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: 
Chúng ta đang có bước phục hồi
Cùng tham gia giải trình trong phiên thảo luận hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh sau khi phân tích tính chính xác của số liệu thống kê đã cho rằng: “Có thể nói trên những bình diện thống kê, phân tích chi tiết thì chúng tôi thấy chúng ta đang có bước phục hồi, mặc dù phục hồi còn ít và chưa thật sự bền vững, nhưng đó là những tín hiệu tốt, chúng tôi nghĩ rằng lúc này niềm tin là điều quan trọng, chúng ta không bôi hồng cũng không tô đen”.

Đọc thêm