ĐBQH đề nghị tiếp tục xử bắn khi thi hành án tử hình

(PLO) -Hôm nay (7.11), các ĐB QH đã thảo luận về Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối  cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Nhiều bức xúc của cử tri cả nước trong lĩnh vực này đã được người đại diện phản ánh trên nghị trường.
ĐBQH đề nghị tiếp tục xử bắn khi thi hành án tử hình
Án tử đang tồn đọng quá nhiều
Với hơn 600 tử tù đang chờ thi hành án, trong khi các điều kiện về thi hành án tử hình bằng biện pháp tiêm thuốc độc chưa đủ đáp ứng, các ĐB QH cho rằng đây là một vấn đề mà cử tri đang rất bức xúc, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục cho thi hành hai biện pháp song song đối với án tử.
Các ý kiến phát biểu tại hội trường trong phiên họp sáng nay đều thống nhất đề nghị cho thi hành hai hình thức tử hình song song. Trong khi chờ các điều kiện để có thể tiến hành thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, cần tiến hành ngay biện pháp tử hình xử bắn như trước đây.
“Quyết định này không chỉ giải quyết việc tồn đọng trong công tác thi hành án với hơn 600 tử tù đang chờ đợi, mà còn là một hình thức nhân đạo đối với các tử tù” – một đại biểu lên tiếng.
Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu: “Vì sao để trình trạng này kéo dài như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai? Nghị quyết 37 yêu cầu khẩn trương thi hành án tử hình. Khi thuốc chưa đủ, tôi và nhiều đại biểu khác đề nghị Chính phủ cho tiếp tục thi hành án bằng biện pháp xử bắn.” Đồng quan điểm này còn có ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn).
Còn ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), ĐB Trần Đương (Hà Nội) cả quyết: Ngay trong kỳ họp này, đề nghị QH ban hành nghị quyết để CP tiếp tục tiến hành tử hình bằng hình thức xử bắn song song với việc tiêm thuốc.
Cần nhìn thẳng vào nguyên nhân gia tăng tội phạm
Trong phiên họp sáng nay, các ý kiến phát biểu đều đồng tình với phần lớn nội dung báo cáo của Chính phủ, thừa nhận những cố gắng của các cơ quan trong lĩnh vực Tư pháp, phòng chống tội phạm. Nhưng cũng phần đa đại biểu đều thể hiện sự thất vọng khi tội phạm có diễn biến phức tạp, chưa có chiều hướng được chấn áp, giảm nhẹ; công tác xử lý vi phạm vẫn còn chưa nghiêm.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị cần phải có chế tài mạnh hơn, tranh tra, xử lý dứt khoát hơn đối với các vụ án xâm hại đến môi trường. “Có biết bao nhiêu vụ án gây ô nhiễm môi trường. Hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng. Môi trường sống bị hủy hoại… vậy mà chưa vụ nào bị xử phạt đến 500 triệu” – bà bức xúc. Theo bà, đây là một mức án quá nhẹ, chưa đủ mức răn đe, và những mức án như thế cũng sẽ là nguyên nhân để tội phạm “nhờn thuốc”.
Liên quan đến việc các công ty làm ô nhiễm môi trường, đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng đặt ra câu hỏi khi phần lớn những vụ việc này do người dân phát hiện, người dân thu thập chứng cứ, người dân bảo vệ hiện trường.
Nhận định về tình hình tội phạm vẫn tiếp tục gia tăng, dù cho rằng cơ quan Tư pháp, phòng chống tội phạm đã rất tích cực, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng đó là mặt trái của sự suy giảm kinh tế. Nông dân mất việc, sinh viên không có việc làm nên "nhàn cư vi bất thiện".
ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) nói: “ Người dân đang lo lắng có thể bị ảnh hưởng, bị tấn công bất cứ lúc nào.” Theo bà nguyên nhân là “hình hiệu lực pháp luật đang giảm sút.” Một trong những lý do nữa ĐB tỉnh Cao Bằng cho rằng người dân đang hoang mang bởi chịu áp lực về thông tin. Có rất nhiều tin nghiêm trọng báo chí đưa, nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm, có thẩm quyền phát ngôn lại im lặng.”
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre phát biểu: “Báo cáo của tòa án cho thấy các loại án đều tăng, đó là tấm gương phản chiếu xã hội, phản ánh sự thiếu hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.”

Dân “tự xử” là do uất ức dồn nén

Một trong những vấn đề các ĐB QH tỏ ra lo ngại đó là tình trạng tụ tập đông người, hay nói cách khác là người dân “tự xử” với các hành vi vi phạm. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng bày tỏ lo lắng vì cho rằng tình trạng đó không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thậm chí còn nảy sinh những tội phạm khác.
Nguyên nhân theo ông, một phần do các phần tử xấu kích động, nhưng về xâu sa, đó là sự thiếu niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền. “Đó là sự dồn nén, tích tụ của người dân đối với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nhiệm vụ chính đáng của người dân” ông nói.
Theo ông, để giải quyết vấn đề này. cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, chứ không phải chỉ là của ngành công an.  Quan trọng nhất là những người có trách nhiệm phải quyết nguyện vọng của người dân phải biết lắng nghe, thấu hiểu, không được thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của người dân, không được xách nhiễu với dân.
ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cũng khẳng định: Việc “tự xử” của người dân thể hiện sự thiếu tin tưởng của người dân vào pháp luật.

Đọc thêm