Hai lãnh đạo 'nhận điểm 10" của dư luận

(PLO) - Sau khi Formosa cúi đầu nhận lỗi, chấp nhận bồi thường về vụ xả chất kịch độc tàn phá môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, sự phẫn uất của người dân Việt đã lắng xuống, song, câu chuyện chưa phải dừng tại đây mà sẽ tiếp tục giải quyết những hậu quả rất lớn, không chỉ tổn thất vật chất mà cả những tổn hại tinh thần khó lòng bù đắp.
Hai lãnh đạo 'nhận điểm 10" của dư luận

Trước sự cố này, có cái nhìn tỉnh táo, bình tĩnh và thực sự có hành động cụ thể, kịp thời là hết sức cần thiết. Dư luận vẫn không thể hài lòng khi các văn bản “tự thú” của Formosa có những lời lẽ mang vẻ trịch thượng và đổ lỗi quanh, nên không mấy tin tưởng vào sự thành tâm khắc phục hậu quả và không để một thảm họa tương tự xảy ra của họ. Vì thế, cần đến sự kiên định, sáng suốt, công bình từ các vị lãnh đạo Trung ương cũng như địa phương để tạo nên một sự đồng thuận xã hội.

Người chịu trách nhiệm rất lớn trước Chính phủ và nhân dân trong vụ này chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ông vừa “trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu”. Ông chia sẻ với báo giới: “Tôi đã nhận trách nhiệm ngay khi thị sát tình trạng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, nhưng đó sẽ là nhận trách nhiệm suông nếu không xác định được thủ phạm”.

Ông đã thực hiện điều đó như thế nào thì đến nay mọi người đã rõ, đáng chú ý là những lời tâm huyết ông phát biểu cuối cùng của cuộc phỏng vấn: “Tôi cho rằng đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư của chúng ta phải có lựa chọn. Chúng ta không thể để tình trạng chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm mà phải đánh đổi môi trường. Đó là trách nhiệm của chính quyền, không chỉ vì sinh mạng của người dân bị đe dọa mà còn vì tương lai lâu dài của quốc gia”.

Hoàn toàn đúng đắn và cần làm như thế không chỉ ở thì tương lai mà ngay cả hiện tại, nguy cơ bức tử sông Hậu đã hiện hữu khi xây dựng nhà máy giấy nơi đây. Ông xứng đáng được nhận điểm 10 của dư luận trong vụ việc này!.

Một vị lãnh đạo địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – nơi hứng chịu thảm họa môi trường nặng nề nhất, ông Nguyễn Hữu Hoài, người trong suốt gần 3 tháng “lăn lộn” với ngư dân bày tỏ quan điểm: “Khi biết được nguyên nhân từ đâu thì người dân trông chờ vào Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xử lý thật nghiêm minh đối tượng gây ra sự việc. Nghiêm minh với cơ sở, tổ chức gây ra ô nhiễm vì vấn đề môi trường là vấn đề lâu dài. Không những xử lý tạm thời, trước mắt mà người dân cần môi trường biển sạch vĩnh viễn. Vì vậy, hiện người dân đang chờ đợi và kỳ vọng vào sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan”.

“Cần một môi trường biển sạch vĩnh viễn”, đó là nguyện vọng và ý chí của người dân, đã được các vị lãnh đạo tâm huyết nói ra và bước tiếp theo là hành động để biến tâm nguyện thành hiện thực!

Đọc thêm