Hơn 1.000 hồ đập "có vấn đề"

(PLO) - Đầu giờ làm việc sáng nay (20/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – Cao Đức Phát – mới trả lời xong phần chất vấn của mình. Theo đánh giá của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng và các ĐB đã thể hiện sự thấu hiểu của mình đối với cuộc sống nông nghiệp, nông thôn.
Hơn 1.000 hồ đập "có vấn đề"
Một trong những vấn đề các ĐH tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn là câu chuyện 1.200 hồ chứa nước. Theo phản ánh của các ĐB, những cái hồ này đang chứa nhiều nguy cơ. Đặc biệt, trong điều kiện khí hậu có nhiều biến đổi nên cần có sự lường trước. 
ĐB ông Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường:  Thanh Hoá có những hồ đã hoạt động hàng chục năm, phát huy tác dụng lớn trong đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, việc chăm lo, bảo trì chưa tương xứng. Vì thế, trong đợt mưa lũ gần đây, các hồ đều hoạt động vượt công suất thiết kế. “Nguy cơ mất an toàn hồ đập là rất lớn. Bộ trưởng có giải pháp nào ngăn ngừa thảm hỏa?”
Theo Bộ trưởng: Cả nước có 6.800 cái hồ, đến giờ này còn khoảng 1200 hồ có vấn đề cần phải được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa. 500 hồ vừa qua đã được Chính phủ đầu tư nâng cấp. Năm nay có 317 hồ hư hỏng, vừa qua Chính phủ đã bỏ ra hơn 500 tỷ hỗ trợ cho các địa phương đã sửa được hơn 90 cái hồ, nhưng vẫn còn hơn 200 cái hồ nữa.
“Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương trong mỗi trận bão bằng việc thông báo rất cụ thể cho từng địa phương là cái hồ nào nguy hiểm, đề nghị cử người đến đấy gác và nguy hiểm thì phải có biện pháp xử lý ngay. 
Đặc biệt phải có cảnh báo cho nhân dân để đề phòng. Nhưng rõ ràng chúng tôi thấy về lâu dài phải tăng cường quản lý. Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã giao và chúng tôi đang cùng với các bộ sửa đổi nghị định về quản lý an toàn hồ, đập để làm chặt chẽ hơn và thực hiện chặt chẽ hơn những quy định có liên quan”, Bộ trưởng nói. 
Liên quan đến vấn đề vượt chỉ tiêu hơn 100.000 ha cao su mà nhiều đại biểu chất vấn, Bộ trưởng cho biết số ha này không hoàn toàn là trồng trên đất rừng hay do kết quả của việc phá rừng mà có rất nhiều diện tích trồng trên đất lâm nghiệp không có rừng và các loại đất nông nghiệp khác..
“Từ năm 2011 trở lại đây để trồng cao su một cách hợp pháp, chỉ có 60.000 ha rừng bị khai thác. Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là sẽ dừng không cho khai thác thêm nữa trừ một số diện tích đã có dự án phê duyệt theo đúng quy hoạch và thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp, con số đó cũng không nhiều. Vì vậy có thể nói là sẽ dừng, không còn việc khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng tự nhận trách nhiệm của con số 100.000 ha này thuộc về toàn ngành, thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
“Tuy nhiên các đồng chí ở các chính quyền địa phương cũng phải liên đới. Thực tế là quản lý ở các địa phương phải là các đồng chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể lặn lội đến từng cánh đồng để biết được khu vực này có trong quy hoạch hay không trong quy hoạch mà chủ yếu là làm trên tổng thể và cơ chế chính sách. Kiểm tra đôn đốc của chúng tôi có thể cũng chưa đủ mức”, ông nói.
Trả lời ĐB về chủ trương mua lúa gạo tạm trữ, Bộ trưởng khẳng định giải pháp đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB, những vấn đề Bộ trưởng nêu ra vẫn chỉ là giải pháp tình thế và việc trợ giá cho người nông dân theo bộ trưởng nói tăng, tuy nhiên vẫn chưa rõ. Theo người chất vấn, những giải pháp này, người hưởng lợi nhiều chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp và chưa chia sẻ được cho người nông dân hưởng.
Trong phần chất vấn bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc ngân hàng Nhà nước cùng “chia lửa” về vấn đề nguồn vốn cho nông dân. 
Thống đốc cho biết, đã trình Chính phủ nhiều cơ chế để giúp người nông dân thoát nghèo, thoát nghèo bền vững. Ngân hàng Nhà nước  cũng phối hợp với Bộ NN và các bộ ngành khác để tạo nên những mối liên kết  bền vững. Đề xuất cơ chế bảo hiểm nông nghiệp, cơ chế cho vay hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch.
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tâm sự: “Chúng ta đều cơ bản từ bờ tre, gốc rạ mà trưởng thành. Hy vọng là cử tri cả nước thấy mừng vì các bộ trưởng, các ĐB hiểu được vấn đề nông dân, nông thôn”. Chủ tịch QH cũng nói: "Kể cả những vấn đề các bộ trưởng đã nói, đã trả lời, thì chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện, hoàn thiện. Phải làm căn cơ hơn".
Theo Chủ tịch QH, từ nay đến 2015, phải phục hồi kinh tế nông nghiệp, sản phẩm của ngành nông nghiệp.  Đi theo đó là huy động mọi nguồn lực, quy hoạch căn cơ để xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Tiếp theo phần làm việc của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã bắt đầu phiên chất vấn của mình với các vấn đề về tổ chức, biên chế, chất lượng công  chức, tuyển công chức.

Đọc thêm