Vật tư nông nghiệp kém chất lượng do quản lý yếu kém?
Liên quan đến những lo ngại của cử tri và Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tình trạng thị trường đang lưu hành số lượng lớn vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi, phân bón…) có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu ngoài danh mục, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định sẽ tập trung vào hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn về các loại vật tư nông nghiệp; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra trong lĩnh vực NN&PTNT, thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp để phân loại, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân phối hợp đấu tranh với những người làm ăn bất chính.
Trả lời về vấn đề phá rừng trồng cao su mà Đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã cho phép trồng 60.000ha cao su, trong đó hơn 50% là trồng thay thế diện tích đất rừng nghèo kiệt nhưng quá trình thực hiện có lạm dụng, sơ hở nên Bộ đã kiến nghị Thủ tướng ra quyết định đình chỉ việc khảo sát, khai phá đất rừng nghèo kiệt… và chỉ cho phép tiếp tục các dự án đã triển khai đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
Chưa hài lòng, ĐB Vở tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát xác định rõ thời gian tới có chấm dứt tình trạng phá rừng trồng cao su?. Giải pháp xử lý trên 100.000ha vượt qui hoạch và “đây là trách nhiệm của địa phương, Bộ NN&PTNT hay Bộ, ngành khác?”. Thừa nhận có 100.000ha cao su ngoài qui hoạch và là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng nhấn mạnh, “địa phương cũng phải liên đới” trong vấn đề quản lý đất rừng trên địa bàn…
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn |
Dù đã đề cập đến tại nhiều kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tiếp tục chất vấn về hiệu quả thực sự của chính sách “mua tạm trữ lúa gạo”, nhất là ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã đề nghị đưa ra những chính sách căn cơ, bền vững thay cho chính sách được Bộ trưởng cho biết “là giải pháp tình thế để ngăn chặn suy giảm giá do mất cung cầu tạm thời” này.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT cho biết: “Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp chậm, ảnh hưởng đến thu nhập và việc làm của người nông dân nên tạo điều kiện cho ngành Nông nghiệp phục hồi và phát triển là quan trọng nhưng cần nguồn lực”. Những năm gần đây, các nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp giảm mạnh nên cần có chính sách thu hút các nguồn lực và đầu tư khoa học kỹ thuật cho ngành Nông nghiệp, nhất là tổ chức lại sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã thu nhiều kết quả ở An Giang.
Đối với mối quan tâm của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) về hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ cho ngư dân, Bộ trưởng nhấn mạnh, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện đời sống ngư dân là vấn đề rất lớn, nhưng không thể hỗ trợ đánh bắt ở các vùng biển ven bờ vì đã đánh bắt quá mức mà cần hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ bằng các biện pháp đồng bộ, bao gồm cả chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các tổ đội đánh bắt xa bờ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động…
Báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các nội dung đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, có nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện; chống buôn lậu và gian lận thương mại; thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiêu thụ nông sản; nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quá tải bệnh viện, y đức, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng, xử lý khiếu kiện đông người, trật tự an toàn giao thông...