Kho bạc Nhà nước phải nỗ lực làm tốt 5 nhiệm vụ lớn

Thăm và làm việc với Kho bạc Nhà nước (KBNN), sáng nay, 3/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà hệ thống KBNN nói riêng và toàn ngành tài chính nói chung đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đồng thời mong muốn ngành làm tốt 5 nội dung lớn.
Kho bạc Nhà nước phải nỗ lực làm tốt 5 nhiệm vụ lớn

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn toàn hệ thống KBNN nói riêng và ngành Tài chính nói chung tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong quản lý, điều hành tài chính ngân sách và chính sách tài khóa; huy động tối đa các nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển đất nước. Cùng với đó đề xuất giải pháp quản lý sử dụng sao cho hiệu quả nhất các nguồn lực đó để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định, bền vững.

Nội dung thứ hai, ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách và hiện đại hóa, tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để xây dựng và triển khai thành công các đề án cơ chế chính sách lớn, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Việc hiện đại hóa công tác quản lý và các hoạt động của ngành Tài chính, của hệ thống KBNN phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính để phục vụ các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội và nhân dân ngày càng tốt hơn.

Ba là, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho hệ thống KBNN quản lý một khối lượng rất lớn tiền và tài sản, KBNN phải có trách nhiệm quản lý thật tốt, an toàn và sử dụng hiệu quả nhất. Mỗi đồng tiền KBNN đang quản lý là sự đóng góp từ mồ hôi, công sức nhân dân. Từng đồng tiền được chi đúng, chi có hiệu quả sẽ góp phần làm cho kinh tế - xã hội thêm phát triển; quốc phòng, an ninh thêm vững chắc. Do vậy, cán bộ, công chức KBNN dù ở bất kỳ vị trí nào đều có những vai trò nhất định, đóng góp nhất định vào nhiệm vụ xây dựng một nền tài chính quốc gia phát triển ổn định, tự chủ, vững mạnh để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Bốn là, từ các bài học thực tiễn cho thấy công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của mọi nhiệm vụ, do vậy, KBNN phải luôn trân trọng giữ gìn và phát huy tốt truyền thống đoàn kết nội bộ mà hệ thống KBNN đã xây dựng và vun đắp trong gần 27 năm qua. Đoàn kết phải được xây dựng trên nguyên tắc tập trung - dân chủ, thường xuyên làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai và minh bạch. Có đoàn kết mới thống nhất được ý chí và hành động tạo ra sức mạnh tổng hợp để hoàn thành một cách tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Năm là, ngành Tài chính, hệ thống KBNN cần phải tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước. Phải thường xuyên phát động các phòng trào thi đua gắn với thực tiễn hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; lựa chọn và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong toàn hệ thống nhằm khích lệ cán bộ, công chức thi đua học tập, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn 2010 – 2016, KBNN đã thực hiện tốt vai trò quản lý quỹ NSNN, tập trung nhanh nguồn thu NSNN (năm 2011 đạt hơn 800 nghìn tỷ đồng, đến năm 2016 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng); quản lý kiểm soát chi NSNN trên 5,5 triệu tỷ đồng, đã phát hiện khoảng trên 280 nghìn khoản chi của đơn vị sử dụng NSNN chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, số thực từ chối thanh toán là gần 930 tỷ đồng.

KBNN cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Trong những năm gần đây, mức độ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) bình quân gần 190.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo bù đắp thâm hụt ngân sách và cho đầu tư phát triển.

KBNN cũng đã thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nợ trong nước; phát hành theo lô, đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu, cơ cấu lại các khoản vay Bảo hiểm xã hội… để kéo dài kỳ hạn vay và giảm số lượng mã giao dịch trên thị trường. Cụ thể như: -Quy mô huy động vốn năm 2016 gấp hơn 3,5 lần so với năm 2011, giai đoạn 2011-2016 tốc độ huy động vốn tăng trưởng bình quân khoảng 40%/năm; Kỳ hạn còn lại trung bình của danh mục TPCP được nâng dần từ dưới 2 năm vào cuối năm 2011 lên đến 5,98 năm vào năm 2016.

Đọc thêm