Lãnh đạo bị phê bình

(PLO) - Mới hôm qua, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017. Có 2 vấn đề sau khi báo chí đưa tin dư luận thấy bất bình thường là: 120.000 tỷ luôn sẵn trong kho bạc mà không tiêu được và cán bộ ngồi phòng lạnh “vẽ” thủ tục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực ra câu chuyện này không mới. 

Gần như năm nào quốc gia và nhiều tỉnh, thành đều tổ chức hội nghị các nhà tài trợ (với Trung ương), hội nghị xúc tiến đầu tư (với địa phương). Cuộc họp nào cũng hoành tráng, biên bản ghi nhớ dưới ánh đèn Flash không thể hấp dẫn hơn. Gần như đó là thứ “mode thời cuộc”.

Rất buồn, sau các hội nghị, các “cam kết”, “giấy phép đầu tư” trở thành hiện thực, góp phần vào tăng trưởng GDP quốc gia và các tỉnh, thành phố không nhiều.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khả năng hấp thụ và năng lực giải ngân hết sức yếu. Vốn đăng ký nhiều, nhưng giải ngân ít là “căn bệnh” nan y của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế, để tiếp nhận được ODA cần có vốn đối ứng, đấy là chưa nói đến dự án khả thi, giải phóng mặt bằng tốt và năng lực của các ban quản lý dự án.

Thực tế thì không ít dự án, doanh nghiệp FDI đầu tư và đăng ký vốn nhưng lại không thể thực hiện vì... chủ đầu tư không có vốn để giải ngân. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng lỗi thuộc về lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát và đánh giá, thẩm định năng lực của các cơ quan chức năng. Tức là nhà đầu tư “trên trời” nhưng các cơ quan quản lý của Việt Nam không hề hay biết. Câu chuyện nhà đầu tư chỉ có ở tài khoản 1 USD nhưng ký cam kết đầu tư Bách hóa Tổng hợp Hà Nội những năm 2.000 của thế kỷ trước chúng ta học mãi không thuộc.

Câu chuyện thứ hai là ngồi trong phòng máy lạnh vẽ quy hoạch, chính sách, "down, cop và pate" các dự án. Do vậy quy hoạch bị đổ vỡ (tiêu biểu là các chiến lược phát triển xi măng, mía đường, công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ...) và các dự án luôn luôn vượt dự toán, bổ sung giải pháp... Nguyên nhân, các thông số để xây dựng nên các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi được “sáng chế” trên cơ sở "copy" và "pate" thời công nghệ máy tính. Hoàn toàn ít bản quyền, không có giá trị về khoa học, công nghệ.

Tại cuộc họp nói trên ông Thứ trưởng Bộ KH-ĐT giải thích, dự án trụ sở Học viện Chính sách và Phát triển (tất nhiên có cần học viện này không trong “kỷ nguyên loạn học viện” ở Việt Nam), cuối năm 2016 đã gửi sang Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế công trình và phương án thi công. Quy trình thẩm tra đến thủ tục thẩm định nhưng do thay đổi chính sách pháp luật, dự án này thuộc trách nhiệm Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định nên “lỡ”. 

Xin thưa đó là “căn bệnh” rất Việt Nam. Thiếu tiền đầu tư nhưng khó huy động, có tiền nhưng khó tiêu, khó giải ngân là hai trong những “trọng bệnh” của nền kinh tế “định hướng”.

Vì vậy, câu chuyện phê bình Bộ trưởng sẽ còn rất... dài.

Đọc thêm