Lòng yêu nước đã làm nên sức mạnh

(PLO) - Mỗi người dân có cách riêng thể hiện lòng yêu nước. Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) Nông Văn Nghi ở thị trấn Đồng Đăng - huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã yêu nước bằng tinh thần dũng cảm, kiên cường. Chính lòng yêu nước đã tạo động lực khiến ông không ngại gian khó, xông vào chốn hiểm nguy, rà phá bom mìn, thông suốt tuyến đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông Nông Văn Nghi giữ gìn cẩn thận kỷ vật chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng
 Ông Nông Văn Nghi giữ gìn cẩn thận
kỷ vật chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng
Từ cậu bé lạc gia đình đến người tháo bom dũng cảm
Gặp Anh hùng LLVTND Nông Văn Nghi, năm nay 77 tuổi ở Khu dây thép - thị trấn Đồng Đăng lúc ông đang đi bộ. Ngôi nhà nhỏ của ông nằm nép cạnh đường tàu. Những chuyến tàu chở hàng bình yên đi-về cũng thường lay trở quá khứ của ông. Một thời kiên trung, rà phá bom mìn để bảo đảm cho những chuyến hàng đi an toàn. 
Ông bảo, là người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có thắng chứ không thua; không được chùn bước trước mọi kẻ thù. Ông không nhận mình là anh hùng, lúc nào cũng nghĩ mình là một người lính, được phục vụ đất nước là một vinh hạnh. Vâng – người lính Cụ Hồ, người dân tộc Tày đã khẳng định nhiều lần như thế. Tất cả toát lên ở ông là một người chất phác, giản dị.
Ông Nghi kể rằng, ngày nhỏ ông bị lạc gia đình. Rồi được một người họ Nông ở huyện Tràng Định mang về nuôi, cuộc sống mới nơi núi rừng khiến ông quên dần những kỷ niệm vốn đã rất mơ hồ và trở thành con của gia đình họ Nông. Lớn lên ông đi làm mướn nhiều nơi kiếm sống. Rồi ông được vận động đi dân quân, được giác ngộ cách mạng. 
Năm 1953, ông tham gia quân đội, làm cấp dưỡng, chiến sĩ cảnh vệ đóng quân tại tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1960, ông giữ chức Trung đội trưởng - Đại đội 217 - Tỉnh đội Lạng Sơn và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Giữa năm đó ông được cử đi học tháo gỡ bom mìn tại Thái Nguyên, kết thúc khóa học ba ngày ông về đơn vị truyền đạt lại những kiến thức ấy cho các đồng đội khác. Sau đó ông làm nhiệm vụ bảo vệ thông cung đường tiếp viện từ Cửa khẩu Tân Thanh đến Bắc Giang.
Cuối tháng 12/1964, Mỹ mở đợt ném bom đầu tiên vào huyện Hữu Lũng, Chi Lăng hòng đánh sập các cây cầu, ngăn đường tiếp tế của ta. Thời điểm đó con đường từ Lạng Sơn đi về xuôi được xem là con đường huyết mạch, cảng nổi để tiếp nhận các chuyến hàng cứu trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa qua ngả Bằng Tường (Trung Quốc) vào Việt Nam. 
Cầu gãy, đường hỏng, cả cánh đồng bị cày xới. Trong trận mưa bom, ông Nghi đếm được 60 quả bom đã nổ, ba quả chưa nổ “án ngữ” trên đường đi. Phải làm sao vô hiệu hóa được chúng đây? “Quả thực là trong đợt tập huấn, tôi còn rất mù mờ về bom mìn. Thậm chí có những loại bom tôi còn chưa được nhìn thấy. Vậy thì phải tháo gỡ làm sao?”, ông Nghi nhớ lại.
Công việc thật sự khó khăn nhưng không thể chần chừ. Ông tự nhủ: Phải mau chóng thông đường để xe lên đường. Nghĩ và làm, ông Nghi đánh giá địa hình, kích thước quả bom, cộng với vốn kiến thức mình học được, ông đã tháo thành công quả bom đầu tiên. 
“Thú thật lúc đó tôi làm bằng cả cảm giác nữa. Tôi nhớ lại lời huấn luyện viên, nhẹ nhàng khoét đất tìm kíp.  Bom Mỹ to hơn bom Pháp, trơn nhẵn chẳng biết đâu mà lần. Khi tìm được kíp thì không có đồ tháo. Loay hoay mãi tôi thấy mấy cái đinh bu loong cầu tung ra, thế là dùng nó để làm cái đục. Đục một hồi kíp xoay đi một phân, tôi nhẹ cả người. Tháo xong mới biết quả bom này được sản xuất từ năm 1945. Vì thế mà nó mới chịu cho tôi vần đi vần lại. Tháo xong tôi nằm ra đất thở phào. Mồ hôi toát ra đầm đìa”, ông Nghi kể lại.
Tôi hỏi, vậy lúc đó ông có sợ quả bom nổ? Ông Nghi chia sẻ: “Tôi đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất. Nếu nó nổ thì chấp nhận hy sinh. Tôi đã đi làm lính phá bom thì ngại gì cái chết!”. Ý nghĩ của ông thật kiên cường khiến những  thế hệ sau nể phục.
Sau thành công của quả bom đầu, ông xắn tay vào tháo những quả sau, vừa tháo vừa đúc rút kinh nghiệm. Thời gian sau ông đồng thời nghiên cứu các loại bom, tìm ra quy luật của bom khó phá như bom bi, bom từ trường... 
Ông Nghi chia sẻ: “Mỗi loại bom đều có điểm mạnh yếu riêng, nắm được coi như ổn. Có loại rơi xuống đất là nổ ngay. Có loại cắm sâu cuống mới nổ. Nếu là bom từ trường, bề ngoài nó to dài là thế và chỉ cần một cái kim đến gần là phát nổ, nhưng cứ cởi trần xông vào vần thì nó lành như đất. Vì thế, sau mỗi lần vào trận địa bom, tôi đều cố gắng trinh sát kỹ độ rơi của bom mà “bắt mạch” xem nó là bom gì. Và lúc tiến hành tháo thì cần cẩn thận tuyệt đối”.
Yêu nước bằng việc làm cụ thể
Tổng cộng, ông Nghi đã tham gia tháo gỡ bom trong tổng 54 trận, có ngày ông tháo thành công 13 quả bom, thu được nhiều tấn thuốc nổ. Với nhiều thành tích phá bom, ông Nghi được lãnh đạo Tỉnh đội và Quân khu báo cáo lên Bác Hồ và được Bác gửi tặng cho một chiếc đồng hồ mạ vàng. Ông rất vui và luôn giữ kỷ niệm của Bác bên mình như một báu vật để nhắc nhở bản thân phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong mọi nhiệm vụ được giao. 
Năm 1966 ông vinh dự được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tháng 2/1967, ông Nghi được đi học bổ túc văn hóa. Trong quá trình học tập, ông luôn được biểu dương về thành tích học tập, lao động, là đảng viên bốn tốt.  
Thực hiện lệnh của thủ trưởng, ông Nghi cùng tổ công tác đã tiến hành mở 12 lớp hướng dẫn cho gần 6.200 người là thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, cán bộ, đơn vị bộ đội về cách tháo, phá bom điện, bom nổ chậm. Ngày 25/8/1970, Nông Văn Nghi được phong tặng Anh hùng LLVTND. 
Để có nền độc lập hôm nay có sự đóng góp vĩ đại của những đồng bào, chiến sĩ, các cựu thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến, các chiến sĩ trong các đơn vị... Nhiều người đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, đối mặt hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Họ đã trở thành những tấm gương yêu nước tiêu biểu, để cho nhiều thế hệ lớp trẻ mai sau học tập. 
Nói về điều ấy, ông Nghi tâm sự: “Yêu nước là thể hiện bằng những việc làm cụ thể, nói phải đi tôi với làm. Người lính như tôi ghi nhận sự đóng góp không tiếc xương máu của nhiều chiến sĩ khác. Nói thật là tôi còn may mắn hơn nhiều người. Nhiều người đã hy sinh, không bao giờ được trở về quê hương. Còn tôi, tôi vẫn sống đến hôm nay. Cách đây gần chục năm, tôi đã tìm được người thân trong gia đình, trong một lần giao lưu ở Hội Cựu chiến binh thị trấn Đồng Đăng. Đó là niềm vinh dự lớn với tôi”.
Tháng 8/1986, ông Nghi nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Ngoài tham gia Hội Cựu chiến binh ông còn thường xuyên đi làm từ thiện. Trong cuộc sống đời thường, ông vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp của người lính, người dân yêu nước.

Đọc thêm