Cho đến bây giờ, sau bốn thập niên được giải phóng, Côn Đảo vẫn vẹn nguyên là chứng tích lịch sử về những quá khứ bi hùng và đau thương, là đỉnh cao về khí phách đấu tranh kiên cường và lòng dũng cảm của các chiến sĩ cộng sản.
Khách đến Côn Đảo ngoài khám phá miền đất hoang sơ với những thiên đường lãng mạn của thiên nhiên núi, rừng, biển, còn được tham quan “địa ngục trần gian” có một không hai trên thế giới này. Những hiện vật lịch sử có thể bị bào mòn theo dòng chảy của thời gian, những vết tích chiến tranh có thể bị phôi pha, xuống cấp nhưng tinh thần, ý chí quật cường của các chiến sĩ cộng sản thì vẫn còn sống mãi.
Vọng chuông cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ |
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 76km2 nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong suốt 13 năm thống trị (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến hòn đảo xinh đẹp này thành “địa ngục trần gian” khét tiếng, giam cầm đọa đày hàng ngàn người yêu nước và hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng.
Sau 40 năm kể từ ngày Côn Đảo được giải phóng, quá khứ không thể ngủ yên bởi những mất mát quá lớn. Hàng loạt công trình kiến trúc ở Côn Đảo vẫn còn đó như minh chứng một thời kỳ lịch sử đau thương.
Nếu Cầu Tàu lịch sử 914 là nơi vùi 914 thân xác chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước vì tai nạn, khổ sai trong quá trình xây cầu dưới bàn tay tàn độc, hà khắc của chúa Rác Ty - chế độ thực dân Pháp thì cầu Ma Thiên Lãnh mới chỉ nghe thôi cũng thấy ghê rợn, đã “nuốt” hơn 300 mạng người yêu nước. Còn Trại giam Banh I (Trại Phú Hải), Banh II (Trại Phú Sơn), Banh III (Trại Phú Thọ), Trại Phú Phong, Phú Bình là nơi giam cùm, tra tấn dã man hàng vạn chiến sĩ cộng sản.
Địa điểm nổi tiếng ghê rợn nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp” thời Pháp được xây dựng từ năm 1940. Với diện tích các phòng giam tổng cộng hơn 5.000m2, được chia thành 120 phòng biệt giam có chắn song sắt phía trên, là nơi dùng để tra tấn các tù nhân với các hình phạt man rợ nhất lịch sử.
Trong những phòng giam chật chội này, người tù phải nằm chen chúc chồng lên nhau dưới nền xi măng ẩm thấp. Cái lạnh thấu xương cộng với sự hôi hám, dơ bẩn của nhà tù khiến hàng nghìn chiến sĩ cộng sản và người yêu nước bỏ mạng tại đây bởi những vết thương lở loét nhiễm trùng.
Ngoài hệ thống “chuồng cọp” kiểu Pháp và Mỹ, Côn Đảo còn là nơi nổi tiếng để tra tấn tù nhân có tên gọi là “chuồng bò” được thực dân Pháp xây dựng năm 1930. Thực chất đây là hầm có độ sâu khoảng 3 mét, chứa đầy phân và nước rửa chuồng bò. Tại đây, những người tù cộng sản bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dìm, ngâm trong phân bò. Đây là kiểu tra tấn cực kỳ dã man, chưa hề có trong lịch sử.
Chính bởi sự tàn độc, man rợ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 20.000 chiến sĩ cộng sản và người yêu nước đã nằm xuống trong lòng đất mẹ. Khi chiến tranh kết thúc, xương cốt của các anh, các chị được qui tập tại Nghĩa trang Hàng Dương, đây cũng là điểm đến đầu tiên của du khách đến Côn Đảo.
Như một lẽ thiêng liêng tự nhiên, ai đến Côn Đảo lần đầu hay nhiều lần khác nữa, việc đầu tiên là đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương tưởng niệm, viếng các anh hùng liệt sĩ. Có một điều đặc biệt khi viếng Nghĩa trang Hàng Dương là thường viếng khi trời tối hoặc về khuya, vì đó là lúc đất trời giao hòa, là sự hòa quện giao linh giữa người đang sống và người đã khuất. Và đó như một điều linh thiêng được truyền từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân và đoàn công tác viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu |
Trước mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, chúng tôi nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của người con gái Đất Đỏ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng cách mạng. Khi rơi vào tay giặc, chị đã hiên ngang trước họng súng quân thù, không hề khuất phục. Chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược không phải là một tội”. Ngày 23 tháng 1 năm 1952, chị bị thực dân Pháp xử tử hình tại Côn Đảo.
Sự hy sinh của chị đã trở thành huyền thoại bất tử, làm rung động bao con tim, đến cả người lính lê dương già thuở ấy cũng phải thảng thốt: “Cô ấy bình thản đến lạ lùng, yêu đời đến tận phút chết, dũng khí tỏ ra ngay cả khi ngã xuống rồi, đó mới chính là người anh hùng. Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình. Còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết”.
Chẳng ai bảo ai, nhưng bàn chân tất cả đều nhẹ nhõm, vì dưới mỗi tấc đất, dưới mỗi bước chân là xương cốt của những người cộng sản. Giữa Hàng Dương bạt ngàn sương khói, lời thơ “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ” văng vẳng đâu đó như nhắc nhở thế hệ chúng tôi đời đời tri ân và biết ơn những người ngã xuống.
Côn đảo ngày mới
Đến Côn Đảo hôm nay, cảm nhận đầu tiên của mỗi người là cuộc sống thanh bình. Nước biển xanh ngăn ngắt, không khí trong lành, những bãi cát trắng mịn trải dài bất tận, màu xanh ngút ngàn của rừng núi làm cho mỗi người quên hết mọi ưu tư, phiền muộn, nhọc nhằn.
Đài liệt sĩ Nghĩa trang Hàng Dương |
Đến Côn Đảo hôm nay, du khách còn được nếm thử hạt bàng sấy khô - đặc sản nổi tiếng của đảo. Người dân địa phương tách trái bàng khô lấy nhân, đem rang với muối hoặc đường, đóng gói rồi bán cho du khách. Không thể không lặn dưới mặt biển để ngắm rạn san hô lấp lánh đủ sắc màu dưới đáy đại dương, hoặc xem rùa đẻ trứng khi hoàng hôn buông xuống, hoặc leo núi, xuyên rừng xem khỉ ra chặn đường và những cặp chim ưng hót vang dậy cả một vùng rừng núi.
Chị Nguyễn Thị Thu Ba - một nông dân ở đây cho biết: “Để xe máy dọc đường hôm nay, tuần sau vẫn còn nguyên vẹn. Ở đây chẳng bao giờ có tai nạn hay ùn tắc giao thông, đường sá lúc nào cũng vắng lặng. Cuộc sống của người dân Côn Đảo cũng yên bình, không gấp gáp như ở đất liền”.
Khác với nơi mua bán sầm uất, bon chen ở đất liền, chợ Côn Đảo thanh bình đến lạ kỳ. Người mua không trả giá, người bán không nói thách. Đến chợ Côn Đảo, ngoài mua những sản phẩm đặc sản còn để thư thái tâm hồn, được tiếp xúc với người dân bản xứ chân chất, thật thà, giàu lòng nhân ái.