Luật an ninh mạng phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

(PLO) -  Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã được chỉnh sửa về câu chữ, nhưng về nội hàm có lẽ vẫn chưa có sự khác biệt nhiều, còn khá rộng, nhiều quy định phạm vi còn có sự giao thoa, trùng lắp với các đạo luật khác.
Luật an ninh mạng phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Chiều 4/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã xem xét, thảo luận về Dự án Luật An ninh mạng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành hội nghị.

Tính đến ngày 26/3, có 58 đoàn đại biểu Quốc hội và 11 bộ, ngành gửi ý kiến tham gia đối với dự thảo luật. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Thường trực Ủy ban QPAN đã tổ chức cuộc họp với Thường trực Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện bước đầu đối với dự thảo luật và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý.

Bên cạnh ý kiến đại biểu bày tỏ nhất trí với phạm vi điều chỉnh nêu trong dự thảo sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung sau kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã được chỉnh sửa về câu chữ, nhưng về nội hàm có lẽ vẫn chưa có sự khác biệt nhiều, còn khá rộng, nhiều quy định phạm vi còn có sự giao thoa, trùng lắp với các đạo luật khác.

Chính vì thế nếu được ban hành, trong áp dụng sẽ dẫn đến chồng chéo, khó phân định với những quy định của một số đạo luật khác, nhất là Luật An toàn thông tin mạng; Luật Công nghệ thông tin; đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, tránh sự chồng chéo, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung.

Nhiều đại biểu cho rằng cần thêm thời gian hoàn thiện Dự án Luật.
Nhiều đại biểu cho rằng cần thêm thời gian hoàn thiện Dự án Luật.

Nhiều đại biểu nhất trí phải xác lập hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhưng đề nghị quy định rõ tiêu chí và các loại hệ thống thông tin. Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc xác lập hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong khi đã có hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Vấn đề về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại khoản 4 Điều 34 dự thảo do Chính phủ trình là bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.

Một số ý kiến cũng cho rằng các quy định về thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng trong dự thảo luật là chưa rõ ràng, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây phiền hà cho các cơ quan chủ quản.

Để tạo thuận lợi cho các cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát các nội dung có liên quan đến thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, có ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện các nội dung này.

Đọc thêm