Mỹ "vào cuộc' giảm áp” khủng hoảng di cư

(PLO) - Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama đã yêu cầu giới chức Mỹ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, bao gồm tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn Syria lên 10.000 người trong năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10 tới. 
Chui rào đến với “miền đất hứa”
Chui rào đến với “miền đất hứa”
Ngày 9/9, Liên minh Châu Âu (EU) thông báo kế hoạch tiếp nhận 160.000 người tị nạn trong vòng hai năm tới. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi lục địa này nhìn lại lịch sử, phớt lờ các đảng theo chủ nghĩa dân túy để đưa ra những hành động mang tính quyết định: “Hiện không phải là lúc để EU hoảng sợ. Đây là lúc EU phải có những hành động táo bạo và kiên quyết”.
Với số phiếu ủng hộ áp đảo, ngày 10/9 Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư tại các nước thành viên của EU nhằm giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia “tuyến đầu” đang phải đương đầu với làn sóng người di cư, chủ yếu đến từ Syria. Nghị quyết không bắt buộc này đã được 432 phiếu ủng hộ, 142 phiếu chống và 57 phiếu trắng.
“Cơ chế thường trực”
Các nghị sĩ EP đã ủng hộ kế hoạch của ông Juncker về tái bố trí 160.000 người tị nạn hiện đang ở Hy Lạp, Hungary và Italia. Con số trên bao gồm 40.000 người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ châu Âu và 120.000 người di cư khác đang tạm trú tại 3 quốc gia châu Âu nói trên. 
Trong số 120.000 người mới tới, nước dự định sẽ tiếp nhận nhiều nhất là Đức (31.443 người), tiếp theo là Pháp (24.031 người), Tây Ban Nha (14.931 người), Ba Lan (9.287 người), Hà Lan (7.214 người)… thấp nhất là Malta (133 người). Bên cạnh việc phân bổ theo hạn mức nói trên, Chủ tịch EC cũng đề nghị một biện pháp khẩn cấp trong khi chờ đợi cải cách sâu sắc hệ thống tiếp nhận người tị nạn. Đó là “cơ chế thường trực” cho phép phối hợp một cách tốt nhất chính sách của các nước châu Âu với người tị nạn. 
Theo dự kiến, các Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ xem xét kế hoạch phân bổ người di cư tại cuộc họp khẩn vào ngày 14/9 tới, tuy nhiên do có sự phản đối của một số nước Đông Âu, EU có thể sẽ phải triệu tập hội nghị thượng đỉnh của khối để thông qua kế hoạch này.
Cũng tại phiên họp nói trên của EP, các nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi xem xét lại Hiệp ước Dublin về tiếp nhận người tị nạn để giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia EU mà người tị nạn đặt chân tới đầu tiên. Các nghị sĩ cũng kêu gọi Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini tổ chức một hội nghị quốc tế về người tị nạn nhằm xây dựng chiến lược trợ giúp nhân đạo toàn cầu chung. Hội nghị sẽ bao gồm đại diện EU, các cơ quan của Liên Hợp quốc (LHQ), Mỹ, các tổ chức phi chính phủ và các nước Arab.
Vẫn… chia rẽ
Tuy nhiên, tại châu Âu, vấn đề hạn ngạch người tị nạn mà các nước bắt buộc phải tiếp nhận đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Tổng thống Romania Klaus Iohannis ngày 10/9 đã lên tiếng phản đối kế hoạch của EC về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư cho 28 nước thành viên EU.
Phát biểu với giới báo chí, Tổng thống Iohannis tuyên bố đó không phải là giải pháp và việc phân bổ hạn ngạch này hoàn toàn không thích hợp khi mà cách tính toán để phân bổ được tiến hành một cách quan liêu và không tham khảo ý kiến các nước thành viên. Ông nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng vì nó liên quan đến con người.
Trong khi đó, số lượng người di cư kỷ lục vượt qua khu vực Balkan tới Hungary để từ đó tìm đường sang Áo đã khiến nhà chức trách Áo ngày 10/9 quyết định tạm ngừng các chuyến tàu đến và đi từ Hungary. Người phát ngôn ngành đường sắt Áo cho biết tất cả các chuyến tàu qua lại biên giới với Hungary sẽ tạm dừng trong cả ngày 10/9 do bị quá tải người di cư.
Cảnh sát Hungary cho biết, hơn 3.300 người di cư đã tràn vào nước này trong 24 giờ qua và những người này đang tìm mọi cách để đến biên giới với Áo trước khi Hungary áp dụng luật chống nhập cư mới, theo đó có thể bỏ tù những người nước ngoài vượt biên trái phép vào nước này. Phía Serbia cho biết khoảng 5.000 người di cư cũng đang có mặt ở biên giới Hungary để chờ cơ hội vượt biên. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHRC) dự báo ít nhất 42.000 người di cư sẽ tới Hungary vào tuần tới.
Trước tình hình này, Công ty Đường sắt Hungary (MAV) thông báo đã bắt đầu thay các tàu hỏa và nối thêm các toa tàu để đưa người di cư tới nhà ga Hegyeshalom, sát biên giới với Áo. Tuy nhiên, việc Áo dừng các chuyến tàu qua biên giới với Hungary sẽ khiến dòng người di cư bị tắc lại ở biên giới giữa hai nước trong những ngày tới.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy hoan nghênh kế hoạch của ông Juncker là một “bước tiến” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng  nhưng cho rằng châu Âu cần đạt được một thỏa thuận dài hạn mang tính “ràng buộc” liên quan đến việc chia sẻ gánh nặng này một cách “công bằng”: “Chúng ta không thể ấn định một mức trần và nói rằng tôi không quan tâm đến bất kỳ con số nào khác vượt lên trên mức trần đó”. 
Tình cảnh của những người di cư
Tình cảnh của những người di cư 
Nước Mỹ vào cuộc
Hưởng ứng lời kêu gọi từ châu Âu về việc giúp đỡ châu lục này vượt qua cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/9 đã yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016 trong bối cảnh có nhiều chỉ trích rằng nước Mỹ hành động chưa đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. 
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama đã yêu cầu giới chức Mỹ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, bao gồm tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn Syria lên 10.000 người trong năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10 tới. 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đánh giá thế nào khi các nước châu Âu tuy nhỏ hơn nhưng lại tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn hơn, ông Earnest giải thích rằng con số 10.000 người đã cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ song việc tiếp nhận cũng cần phù hợp với khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản như chăm sóc y tế, nơi ở, thực phẩm, trường học... Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, khoản tiền khoảng 4 tỷ USD mà chính quyền Mỹ cung cấp cho các tổ chức cứu trợ là cách hiệu quả nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. 
Nhiều nước châu Âu và một số nhà lập pháp Mỹ chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama phản ứng không đủ mạnh với cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 8/9 cho rằng Mỹ phải có trách nhiệm đối với cuộc nội chiến ở Syria và phải trả giá cho làn sóng người tị nạn từ nước này. 
Trong tài khóa 2015, Mỹ cam kết chỉ đón nhận 1.800 người tị nạn Syria, quá ít so với tổng số 11,6 triệu người bị mất nhà cửa và phải chạy đi lánh nạn trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm rưỡi qua ở quốc gia Trung Đông này. Giới chức Nhà Trắng cho biết, cho tới nay Mỹ đã góp tổng cộng hơn 4 tỷ USD giúp những người bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Syria và 25 triệu USD hỗ trợ cho việc tái định cư người tị nạn tại châu Âu. Mỹ hiện giới hạn số lượng tiếp nhận người tị nạn ở mức 70.000 người/năm. Hạn ngạch này phải căn cứ theo luật do Quốc hội Mỹ thông qua.
Thêm nhiều trợ giúp
Trong khi đó, Chính phủ Australia thông báo sẽ tiếp nhận thêm 12.000 người tị nạn Syria và Iraq để đỡ gánh nặng cho cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, bổ sung vào số lượng 13.000 người tị nạn mà Canberra vẫn tiếp nhận hàng năm. Lãnh đạo Chính phủ Australia nói rõ rằng việc tiếp nhận người tị nạn được ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em và những gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số bị truy bức và đang phải lánh nạn tại Jordani, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này, điều căn bản là phải triệt tận gốc tổ chức thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Iraq và Syria. 
Trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh xa xôi cũng đã đưa ra nhiều cam kết về việc tiếp nhận người tị nạn. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã cam kết sẽ “dang rộng cánh tay” tiếp nhận người tị nạn Syria. Còn Tổng thống Michelle Bachelet của Chiel tuyên bố đất nước của bà “luôn mở rộng cánh cửa”. 
Trong khi đó, Tổng thống Juan Carlos Varela của Panama nói rằng nước ông “có một trái tim lớn” và sẽ vui mừng tiếp nhận những người Syria và Iraq tị nạn. Ngay cả Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một đồng minh đáng tin cậy của nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, cũng hứa hẹn sẽ tiếp nhận 20.000 người Syria. 
Nhiều nước Mỹ Latinh khác cũng đã lên chương trình cụ thể về việc tiếp nhận người tị nạn Syria. Argentina đã tiếp nhận 90 người tị nạn kể từ năm ngoái, khi nước này phát động chương trình thu xếp chỗ ở cho các thành viên gia đình của những người Argentina gốc Syria. Năm ngoái, Uruguay cũng đã đề ra một chương trình liên quan đến việc tái định cư cho 117 người Syria sống trong các trại tị nạn ở Liban, chủ yếu là các gia đình có con nhỏ. 
Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. Năm gia đình người Syria cùng hơn 30 đứa trẻ đã đến các văn phòng của Tổng thống Uruguay trong tuần này để yêu cầu được chuyển đi nơi khác. Họ nói rằng họ bị cô lập về văn hóa và phải chật vật để sống với mức thu nhập bèo bọt mà họ nhận được ở Uruguay...

Đọc thêm