Nghề báo là nghề nguy hiểm

(PLO) - Đã có hẳn một bộ phim của điện ảnh Mỹ rất ăn khách về đề tài này, tuy nhiên, dường như các phóng viên tác nghiệp hoặc nhà báo biên tập ở ta an toàn hơn và bình lặng hơn so với quốc tế. Ở ta, đã xảy ra những vụ đe dọa hoặc hành hung báo chí của những kẻ giấu mặt hoặc “ném đá giấu tay”, những hành vi này thường đơn lẻ và tự phát, biểu hiện của một sự “trả đũa” của những người bị báo chí phanh phui cái khuất tất hoặc việc làm ăn phi pháp của họ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng, một sự việc xảy ra mới đây đã đẩy tình trạng nguy hiểm của nghề báo lên một mức mới, một nguy cơ hiện hữu đối với nghề nghiệp này. Không chút e ngại, một công ty đã công khai gửi công văn đến Đài truyền hình VTV9 với yêu cầu cải chính phóng sự có liên quan đến công ty này và đe dọa những người đã thực hiện phóng sự trên. Tình hình nghiêm trọng đến mức lãnh đạo VTV9 đã phải cầu cứu đến Công an TP. Hồ Chí Minh, đề nghị có những biện pháp ngăn chặn và xử lý việc đe dọa công khai này.

Tại VTV Cần Thơ, nơi có những phóng viên tham gia vào phóng sự này cũng đã phải đề nghị Công an các tỉnh trên địa bàn có phương án bảo vệ các phóng viên và gia đình họ trước những lờ đe dọa trên. Sự đe dọa đã trở nên hiện hữu khi một người dân bị những hình thức đa cấp lừa đảo đã nêu ý kiến của mình trên phóng sự này đã bị một nhóm người hành hung khi dụ vợ chồng anh ta đến một nơi gọi giao nước uống. 

Thực tế, hành vi đe dọa, hành hung hoặc những sự trả đũa bẩn thỉu nhắm vào nhà báo đã bị xử lý nghiêm minh nhưng cũng có không ít trường hợp bị làm ngơ, giải quyết lừng chừng và sau đó cho “hóa bùn”. Có những vụ nghiêm trọng, Hội Nhà báo Việt Nam phải gửi công văn đốc thúc nhiều lần nhưng cơ quan chức năng vẫn không “động thủ”, phóng viên đến tận cơ quan tìm hiểu việc xử lý thì chối quanh, giao cho đồng chí này, đồng chí nọ nhưng khi yêu cầu gặp các đồng chí được giao nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc đó thì các đồng chí ấy bận đi công tác hết cả và hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn này rất có thể bị “chìm xuồng”. Vì thế, có nhiều kẻ tin rằng việc đe dọa, hành hung nhà báo là “không việc gì đâu”(?!).

Để phản ảnh sự thật, cảnh báo về những hành vi lừa đảo, tham nhũng,... nhà báo phải đối đầu với những “nhóm lợi ích” hoặc những băng nhóm tội phạm khoác áo doanh nhân được những thế lực hắc ám chống lưng và việc chúng đe dọa buộc nhà báo phải im miệng là lẽ tất nhiên. Sự đe dọa này sẽ bị vô hiệu nếu cơ quan chức năng làm đúng chức năng của mình, bảo vệ nhà báo cũng chính là bảo vệ sự thật, ngăn ngừa cái xấu lây lan, giảm thiểu những người bị hại, chặn tay bọn lừa đảo hoặc tham nhũng. Bản lĩnh nhà báo là cần nhưng cần hơn, họ phải được pháp luật bảo vệ bằng thực tế chứ không chỉ là điều luật!

Đọc thêm