Tất nhiên, đó mới chỉ là phần mới “phát lộ”. Như một vị tướng vừa phát biểu hôm kia, tiêu cực trong thi cử có thể đã diễn ra từ nhiều năm trước. Chắc chắn có chuyện đó!
Chúng ta hoan nghênh động thái của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông vừa ký ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018; trong đó có việc giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Chúng ta buồn, vì đến câu chuyện nhà vệ sinh trường học cũng phải đưa vào Nghị quyết của Chính phủ. Và vui khi Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát, xác định rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thiện hệ thống quản trị của ngành Giáo dục, quy trình kỹ thuật, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, tổ chức tổng kết, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, bất cập, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch tất cả các khâu của kỳ thi. Với những quốc gia văn minh, để xảy ra những bê bối “không hề nhỏ” này ông “Tư lệnh” của ngành GD-ĐT đã phải từ chức ngay lập tức. Ở ta, chuyện này chưa bao giờ xảy ra. Đó là điều đáng buồn!
Xã hội chúng ta đang tồn tại khá nhiều những kẻ ăn cắp, dạng thức ăn cắp: “Ăn cắp” của dân được gọi là tham nhũng, “ăn cắp” thành quả trí tuệ của người khác để mưu cầu danh lợi, “ăn cắp” cơ hội phấn đấu, học tập của những người trung thực... Đáng tiếc, nhiều kẻ “ăn cắp” khi bị phát hiện vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đất nước đang phấn đấu trở thành nước phát triển nhưng đáng buồn thay, hình như liêm sỉ của con người đang trở về “con số không” (?!).
Chúng ta luôn thừa những nghị quyết đúng nhưng kết quả tồi vì người thực thi. Chúng ta thừa những quy định chặt chẽ nhưng quy trình hỏng vì những kẻ ăn cắp ẩn nấp ngay trong quy trình.
Nói thêm về “thảm họa giáo dục”, trên thực tế, nó đã, đang gây ra những hệ lụy, hậu quả nặng nề cho xã hội, gia tăng thái độ hoài nghi, phân tâm và bất bình. Thậm chí, có kẻ “ăn cắp” không chỉ là một thứ sản phẩm của nền giáo dục, mà còn trực tiếp và gián tiếp tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo. Ai dám chắc những kẻ “ăn cắp ngạo nghễ” đó không tạo ra những dạng sản phẩm tương tự?
Nhu cầu và cách vận hành của xã hội sẽ định hướng tính chất của nền giáo dục và ngược lại, giáo dục sẽ là yếu tố tác động sự thay đổi của xã hội. Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức. Muốn xã hội văn minh thì phải bắt nguồn từ một nền giáo dục công bằng, minh bạch và tử tế. Liệu có làm được không? Phải “nín thở” chờ đợi.
Chợt nhớ câu châm ngôn: Anh ta lên bằng đường nào thì hãy xuống bằng con đường đó. Thời gian qua, bằng sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, nhiều kẻ “ăn cắp vĩ đại” đã leo lên đến tướng nọ, tướng kia, cán bộ cấp chiến lược nọ- kia đã phải “xuống” nơi mà họ “phải xuống”.