Không nói thì ai cũng biết, cuộc Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đã và đang “gõ cửa” Chính phủ, từng DN và mỗi người dân. Đối với Chính phủ, các nhà lập pháp đứng trước trách nhiệm phải thích ứng ngày càng nhanh với biến đổi nhanh chóng, hoàn thiện để thích nghi với môi trường mới.
Ngay việc hoạch định, ban hành chính sách, Chính phủ có nghĩa vụ hợp tác với DN và người dân. Gần đây “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắt gao với các bộ, ngành không có gì khác ngoài việc “giải phóng” sức sản xuất, yêu cầu cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh trước 31/10. Thực hiện “lệnh” của Chính phủ, mới hôm qua đây thôi, Bộ Tài chính cho hay sẽ cắt giảm mạnh tay một số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ này, thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.
Với DN, CMCN 4.0 sẽ tác động trực diện buộc phải đổi mới, hợp tác, cơ cấu tổ chức... nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá thành hạ thỏa mãn nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng và cạnh tranh khốc liệt của thương trường. Phải nói rằng, CMCN 4.0 đã và đang tạo ra động lực không giới hạn cho phát triển.
Xin lưu ý, CMCN 4.0 tạo ra thời kỳ: người dân được tham gia vào hoạch định chính sách của bất cứ một Chính phủ nào; được tham gia vào quá trình sản xuất của bất cứ DN nào. Giữa “cung” và “cầu” có thể kết hợp với nhau, phá vỡ các cấu trúc hiện có, tạo ra cấu trúc mới – nhiều thứ trong số đó hiện chúng ta chỉ mới hình dung ra thôi.
Đối với xã hội, CMCN 4.0 cũng đã và đang tạo ra nhiều khái niệm mới cũng như phân cực về việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, làm biến đổi (cả tích cực và tiêu cực) hành vi lối sống. CMCN 4.0 đã và sẽ còn tiếp tục tạo ra cục diện mới, nếu không muốn nói trước đó là cuộc khủng hoảng trên thị trường lao động, đặc biệt với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Các vấn đề về an ninh quốc gia, an ninh DN, quyền tự do riêng tư cá nhân cũng đặt ra thách thức mới.
Nói tóm lại, dù là phương diện cá nhân, DN, Chính phủ đều đang đứng trước vận hội mới và thách thức không nhỏ.
Đặc biệt lưu ý, về phương diện Chính phủ, quốc gia để “thượng tôn pháp luật” trong môi trường CMCN 4.0 càng phải nhanh chóng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang được xây dựng dựa trên các đề xuất của các chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật, phần lớn là cơ quan hành pháp (Quốc hội giao Chính phủ, Chính phủ giao bộ, ngành) do vậy khó tránh khỏi hạn chế về tầm nhìn chiến lược...
CMCN 4.0 đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước không khó nhận diện, làm nảy sinh những vấn đề mới về pháp lý, cần phải tiếp cận, hoàn thiện, tạo môi trường “thượng tôn pháp luật”.