Những nhân chứng sống của Hoàng Sa

(PLO) - Chiều 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) đã tổ chức gặp mặt các nhân chứng từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974. 
Gặp mặt các nhân chứng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974
Gặp mặt các nhân chứng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, trong năm 2016, UBND huyện Hoàng Sa đã có nhiều hoạt động ý nghĩa.

Cụ thể, phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức các triển lãm như: Triển lãm ảnh công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa, Triển lãm về Hoàng Sa trong Tuần lễ “Đà Nẵng điểm hẹn mùa hè 2016”.

UBND huyện Hoàng Sa được tặng sách và tạp chí có bản đồ giá trị khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
UBND huyện Hoàng Sa được tặng sách và tạp chí có bản đồ giá trị khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam

Tính đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành sưu tầm, thu thập và chọn lựa 400 bản đồ, tư liệu, ảnh tư liệu liên quan tiến quần đảo Hoàng Sa để lập hồ sơ đăng ký vào sổ kiểm kê, lập phiếu hộ chiếu và số hóa toàn bộ. Các tư liệu, hình ảnh này đã được lựa chọn, đưa vào đề cương trưng bày và đã được UBND thành phố phê duyệt. Khi khánh thành Nhà trưng bày sẽ tổng kết, đánh giá kết quả vận động hiến tặng tư liệu. 

Về Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Đồng cho hay, hiện đang tiến hành thi công phần hoàn thiện và tiếp theo phần nội thất trưng bày để đưa vào hoạt động trong năm 2017. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam về những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Đặc biệt, ngày 3/6/2016, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cùng lãnh đạo huyện Trường Sa và huyện đảo Lý Sơn tiếp kiến, báo cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”. 

Một nhân chứng từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa trước năm 1974 bày tỏ mong ước được ra lại Hoàng Sa thân yêu và làm thủy thủ
Một nhân chứng từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa trước năm 1974 bày tỏ mong ước được ra lại Hoàng Sa thân yêu và làm thủy thủ

Cũng trong năm 2016, UBND huyện Hoàng Sa nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan báo, đài lớn trên thế giới như báo Le monde của Pháp, báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, đài NHK của Nhật Bản, Đài truyền hình Thái Lan… 

Bản  thân ông Đồng đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của phóng viên về hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa; quan điểm, thái độ của Việt Nam về tình hình căng thẳng trên biển Đông cũng như nhận định của Việt Nam sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) bác bỏ các yêu cầu chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông được gói trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn. 

Tham dự tại buổi gặp mặt, ông Lê Đình Rê, một trong những nhân chứng Hoàng Sa cho biết, ông là một người lính Việt Nam cộng hòa, đã từng cứu hộ 3 chiếm hạm tham chiến Hoàng Sa bị địch bắn trở về Đà Nẵng ngày 20/1/1974. Ông Rê ao ước: “Đến một ngày nào đó, tôi lại được có mặt ở Hoàng Sa thân yêu. Lúc đó, dù có già đi nữa, tôi cũng xin làm một thủy thủ...” 

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đề nghị nên thành lập Hiệp hội nghề cá ở Hoàng Sa và thành lập quỹ Hoàng Sa để hỗ trợ những người âm thầm, lặng lẽ đi tìm những tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã tặng UBDN huyện Hoàng Sa một cuốn sách và một cuốn tạp chí, trong đó một bản đồ cực kỳ giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Kết thúc buổi gặp mặt, các nhân chứng cùng UBND huyện Hoàng Sa đi thắp hương cho hai nhân chứng đã mất và thăm công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. 

Đọc thêm