“Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa“

(PLO) - Theo ông Đỗ Văn Đương, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn không làm thay đổi chế độ, chính sách của ta với tù nhân. Bởi ở Việt Nam, tù nhân thậm chí còn…. sướng hơn sinh viên thời xưa.
“Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa“
Bên hành lang QH, sau khi nghe chủ tịch nước đọc tờ trình QH về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ông Đỗ Văn Đương – ĐBQH thành phố HCM cho rằng việc phê chuẩn công ước chỉ là một việc tất yếu trong quá trình hội nhập, về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã tương thích với nội dung Công ước:
"Tinh thần chủ đạo của Công ước là phải tôn trọng, không hạn chế, không tước bỏ tính mạng nhân phẩm của phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam. Điều đó pháp luật của mình cũng đã rõ. Cơ bản Công ước tương thích với pháp luật Việt Nam. Nhưng để rõ ra thì theo như Chính phủ, là phải sửa một số luật như Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật tạm giữ tạm giam. Đây là những luật trực tiếp liên quan đến việc hạn chế quyền con người. Phải rõ ra về mặt khái niệm, nội dung để sau này có cơ sở pháp lý xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi bức cung, nhục hình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác."
Ông có cho rằng việc phê chuẩn công ước ở thời điểm này là phù hợp?
Tôi cho việc phê chuẩn Công ước là hợp thời, phù hợp xu hướng chung. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, của các cán bộ, chiến sỹ liên quan đến công tác đấu tranh phòng trống tội phạm. Những quyền của người phạm tội không bị pháp luật tước bỏ là phải tôn trọng. Việc giam giữ là phải đảm bảo chế độ ăn ở, sinh hoạt, các chế độ khác của họ mà pháp luật không hạn chế.
Qua giám sát của QH vừa rồi, ông thấy các nhà tạm giam, tạm giữ của ta đang trong tình trạng như thế nào?
Việc tạm giam tạm giữ cơ bản là an toàn, chế độ bảo đảm, việc ăn uống tôi thấy tốt. Thậm chí còn hơn chế độ cho  sinh viên đại học thời xưa: 17kg gạo/tháng, rau quả tự túc được; lấy lao động sản xuất phục vụ lại. Tình trạng ốm đau hạn chế. Chỉ có phạm nhân mang HIV vào trại là gây ra ốm đau – thì đó lại là khách quan. Tình trạng tự sát trong trại cũng giảm.
Tuy nhiên, ở góc độ Tư pháp, chúng tôi đã có kiến nghị  Chính phủ cần phải có lộ trình  để nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để đảm bảo chỗ nằm cho phạm nhân. Còn chỗ ở là tương đối tốt. Nhà nước ta mặc dù kinh tế khó khăn như vậy, nhưng phải khẳng định là chế độ phạm nhân là rất tốt.
Trong một phát biểu gần đây, ông có nói đến tình trạng trại giam quá tải, có phải là do chúng ta tạm giam những đối tượng chưa đến mức phải giam giữ?
Cũng có một số trường hợp. Chúng tôi đã có kiến nghị những đối tượng chưa cần đến mức tạm giam thì không tạm giam, và áp dụng bằng hình thức khác như cho bảo lĩnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cứ trú… Nhưng trên thực tế, có những loại tội phạm ít nghiêm trọng, nhưng suốt ngày trộm cắp vặt khiến xã hội bức xúc. Khi phát hiện thì nó lại trốn, trốn thì không bắt giữ được, không đưa ra xét xử được. 
Hiện nay có bất cập luật về căn cứ tạm giam. Sau này phải sửa cho rõ những trường hợp nào đáng phải giam thì phải giam, trường hợp nào không giam thì phải mở rộng biện pháp khác, nhất là trong điều kiện hiện nay, có thể nâng cao trách nhiệm người bảo lĩnh. Hiện nay cho bảo lĩnh, nhưng đối tượng trốn, người bảo lĩnh vẫn chả sao, như thế là không được. 
Một chính sách pháp luật mà nhu mì, ví như mặt nước hiền dịu là nhiều người chết vì nước. Còn một chính sách cứng rắn như lửa đỏ, để giữ trật tự kỷ cương phép nước để ổn định kỷ cương xã hội, để ổn định phát  triển xã hội, điều đó hết sức quan trọng. 
Việc phê chuẩn Công ước, theo ông có làm giảm án oan?
Như tôi đã nói, trong pháp luật Việt Nam có nhiều điều tương thích rồi. Án oan của ta vừa rồi chỉ là do một số cán bộ. Một số thôi chứ không phải  tất cả . Vì một năm có trên trăm nghìn đối tượng, nhưng mà năm vừa rồi, chỉ có 2 vụ đến nay chính xác là oan. Còn nhục hình chỉ một số vụ, không phải là nhiều. Nguyên nhân do cán bộ là chính, chứ không phải cho pháp luật, do chính sách.
Đây là do năng lực cán bộ kém, lười tiến hành biện pháp điều tra, lấy việc đánh đập để có thông tin. Cái thứ hai là đạo đức công vụ kém, coi thường tính mạng, sức khỏe con người. Anh đánh người ta nhiều thế, vì mục đích cũng có thể là bệnh thành tích. Bệnh thành tích, cộng với đạo đức phẩm chất,  năng lực nghiệp vụ non kém dẫn đến một số vụ như thế. Cái này cần chấn chỉnh sàng lọc. 
Theo ông, cần phải làm gì để loại trừ những trường hợp này?
Tôi cho rằng cần quy trách nhiệm người đứng đầu. Nơi nào để xẩy ra như thế là cách chức người đứng đầu. Còn biện pháp quản lý thuộc cấp như thế nào là do họ làm. Không ai có thể quản lý ngần ấy chiến sỹ được. Còn mọi cơ chế luật pháp, nếu không đi vào thực tế, thì vẫn nằm trên giấy. 
Tôi đã bao nhiêu năm trực tiếp đấu tranh chống tội phạm. Bọn họ rất ngoan, cố, nhưng mình phải có nghệ thuật trong việc điều tra, xét hỏi, phải vòng quanh đi tìm chứng cứ khác. Khi có đủ chứng cứ rồi, không cần lời khai nhận. 
Pháp luật không nên cứng nhắc quá, không nên dồn người ta và bước đường cùng, phải có tính nhân đạo. Nhưng cái này cần đi vào từng vụ việc cụ thể.
Xin cám ơn ông./.

Đọc thêm