Quản lý du khách, người nước ngoài lưu trú làm 'nóng' phiên chất vấn tại Quảng Ninh

(PLVN) - Ngày 30/7, ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, liên quan đến việc quản lý khách du lịch, người nước ngoài về lưu trú, đã làm nóng phiên chất vấn tại nghị trường
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà chất vấn Giám đốc công an tỉnh  Quảng Ninh.
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà chất vấn Giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh.

Quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu Tp Hạ Long nhấn mạnh, hiện nay lượng khách nước ngoài tới tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, qua đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đại biểu đề nghị với vai trò của cơ quan tham mưu về công tác đảm bảo an ninh trật tự, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng quản lý hành chính đối với người nước ngoài về lưu trú và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Đại tá Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh, công tác đảm bảo ANTT là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành, địa phương, cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài, hiện nay ngành Công an đang tập trung thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên địa bàn. 

Giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh - Đại tá Đỗ Văn Lực- trả lời chất vấn.
 Giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh - Đại tá Đỗ Văn Lực- trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, thực tế trong công tác quản lý lưu trú, đặc biệt là vấn đề lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp. Tính riêng 6 tháng năm 2019, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 36 vụ, 426 người vi phạm liên quan đến yếu tố nước ngoài; Công an tỉnh phối hợp bắt giữ 129 đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật và trao trả về nước, với nhiều hành vi phạm pháp như: Trộm cắp tài sản; sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Để tăng cường quản lý hoạt động của người nước ngoài trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục siết chặt quản lý về lưu trú của người nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh quản lý ngay từ đầu với những loại hình mới như condotel, homestay...; quản lý ngay từ cơ sở để tránh phát sinh những bất cập về ANTT. Bên cạnh đó, Công an tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch quản lý tốt hơn các tour, tuyến du lịch để đảm bảo công tác này đi vào nền nếp.

Cũng lĩnh vực Du lịch, đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Tp Uông Bí, chất vấn Giám đốc Sở Du lịch về kết quả thực hiện chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ” của ngành Du lịch. Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Năm 2019, Sở đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chủ đề công tác năm. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ: Thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng lĩnh vực dịch vụ; phát triển những sản phẩm du lịch mới.

Quảng bá và phát triển thị trường; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, chất lượng dịch vụ du lịch đã tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động sau khi nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh hoàn thành, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động.

Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân có sự vào cuộc tích cực là yếu tố quan trọng để ngành Du lịch có tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh 7 tháng đầu năm ước đạt gần 10 triệu lượt (đạt 70% kế hoạch), tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt (đạt 54% kế hoạch), tăng 14% so với cùng kỳ; thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt từ 2,7 - 3 ngày trở lên (cơ bản đạt chỉ tiêu). Tổng doanh thu du lịch đạt gần 18,531 nghìn tỷ đồng, (đạt 70% kế hoạch), tăng 27% so với cùng kỳ.

Để làm tốt môi trường kinh doanh du lịch, Sở đã và đang tập trung vào giải quyết những vấn đề nổi cộm liên quan quản lý đơn vị lữ hành; phối hợp với các sở, ngành, ký hợp tác với những đơn vị có liên quan như công an, biên phòng để quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch có yếu tố nước ngoài. Phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh mở rộng không gian du lịch. Ngoài ra,  Sở cũng xác định phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh khảo sát doanh thu nhằm đánh giá đúng, sát với thực tế loại hình du lịch mới và phương án quản lý.

Về công tác quản lý các loại hình cơ sở lưu trú như condotel, homestay…, người đứng đầu ngành Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP Hạ Long có nhiều cơ sở lưu trú quảng cáo giới thiệu là homestay, tuy nhiên đối chiếu với các tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê của ASEAN thì không đủ, vì tiêu chuẩn tập trung vào các nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê mà tại đó du khách sẽ ở lại cùng với gia đình chủ nhà và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của gia đình và cộng đồng cả theo cách trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là các trải nghiệm liên quan đến văn hóa và thiên nhiên tại các địa phương. 

Vì vậy loại hình này phổ biến ở các vùng nông thôn, cận đô thị, nơi người dân sống thành một cộng đồng, có tính độc đáo với các nguồn tài nguyên văn hóa và tự nhiên riêng biệt. Sở Du lịch đã báo cáo vấn đề trên với Tổng cục Du lịch, trong thời gian tới sẽ rà soát và chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh quảng cáo, giới thiệu đúng các quy định hiện hành.

Kết luận về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, nhấn mạnh: Thời gian qua, Quảng Ninh tập trung nhiều nguồn lực để tạo đột phá về hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng du lịch, dịch vụ, tạo ra cơ hội lớn kết nối, thu hút khách du lịch, mở rộng không gian du lịch và đã có được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. 

Những sản phẩm mới cũng tạo ra sức hấp dẫn thu hút khách, đưa ngành Du lịch phát triển, tuy nhiên cũng tạo ra không ít áp lực cho ngành. Hiện nay còn một số địa bàn có lượng khách du lịch tăng lớn, nhưng sản phẩm du lịch còn ở mức độ, đơn cử như Móng Cái, Vân Đồn. Xung quanh nội dung này, đề nghị UBND tỉnh quan tâm có chiến lược riêng để đảm bảo phát triển các sản phẩm du lịch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20 triệu lượt khách đến với Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm du lịch ở những địa bàn động lực, mở rộng không gian du lịch. Trong đó, thúc đẩy du lịch tâm linh ở tuyến phía Tây; tăng cường công tác quản lý, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phát triển tuyến du lịch trên biển; tích cực quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh sự liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp đầu tàu; quan tâm phát triển du lịch đồng quê, du lịch trải nghiệm, cộng đồng để tạo thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực này. Riêng về hoạt động nghỉ dưỡng, hiện có nhiều dự án đang trong quá trình nghiên cứu để đầu tư, tuy nhiên còn vướng mắc về quy hoạch, đất đai, do vậy, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ.

Về nội dung quản lý các loại hình, sản phẩm du lịch mới như homestay, condotel…, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đây là nhu cầu tất yếu của du khách, do đó, cần tạo điều kiện cho loại hình này phát triển. Tuy nhiên, cần phải chú trọng công tác quản lý để đảm bảo loại hình này hoạt động đúng quy định, là sản phẩm hấp dẫn, an toàn cho du khách và tạo được nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy để xây dựng hình ảnh du lịch, con người Quảng Ninh hấp dẫn, văn minh, an toàn, thân thiện.

Đọc thêm