Sập cầu sao không sập... ghế?

(PLO) - Vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai đã gây choáng. Thiệt hại, chắc chắn không thể đếm đo được bằng vật chất (chưa nói khổ nạn của hành khách đi tàu hỏa tuyến Hà Nội – TP HCM).
Sập cầu sao không sập... ghế?

Tin mới nhất, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã bắt 3 nghi can vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, trong đó có chủ tàu Phan Thế Thượng - chủ chiếc đầu kéo sà lan - để điều tra về hành vi “điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Theo thông tin ban đầu, ông Thượng điều khiển tàu đẩy mang số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở theo khoảng 800 tấn cát đi từ Sóc Trăng về Đồng Nai. Khi đến TP HCM, ông Thượng lên bờ giao phương tiện cho Trần Văn Giang điều khiển. 

Giang và Lẹ - hai tài công này không có giấy phép điều khiển phương tiện đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Do ít kinh nghiệm nên đến địa điểm trên thì gặp dòng nước xoáy, không điều khiển được sà lan đúng hướng, sau đó lệch hướng và đâm vào chân cầu phía mép trái của sà lan, làm cầu gãy đổ. Thảm họa đã xảy ra, trước hết bởi sự liều lĩnh.

Gần giữa tháng, ngày 12/3, trên kênh Nhà Lê đoạn qua thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, chiếc tàu vỏ sắt chở cát nặng khoảng 60 tấn đã đâm sập cầu Cơn Độ.  Chiếc tàu vỏ sắt chở cát nói trên chưa đăng ký biển số. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu chở đầy cát, trọng lượng khoảng 60 tấn, đã đâm vào trụ cầu khiến 2 trụ giữa bị gãy, cầu sập xuống đè lên tàu khiến tàu chìm dưới kênh.

Trước đó trên sông Kinh Môn (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), tàu Thành Luân 28 đã đâm va vào dầm khoang thông thuyền cầu An Thái. Sau khi lên đà sửa chữa định kỳ tại Cảng đóng tàu Hà Bình (trên sông Kinh Thầy), sáng 6/3, tàu được hạ thủy. Người điều khiển phương tiện đã tự ý điều động tàu hành trình trên sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn đi về Hải Phòng. Chủ tàu chưa làm thủ tục rời bến với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng đóng tàu Hà Bình (đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Kinh Môn thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I). Đến 17h cùng ngày thì tàu gây tai nạn. Thảm họa đã xảy ra cũng bởi sự liều lĩnh.

Ba vụ tai nạn ĐTNĐ trong một tháng, tất nhiên trước hết trách nhiệm thuộc về chủ tàu và người điều khiển phương tiện bất chấp luật pháp gây ra hậu quả. Câu hỏi đặt ra là không thấy ai xem xét đến trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có chức trách thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông ĐTNĐ?

Sập cầu nhưng không ai bị sập... ghế. Do vậy, câu chuyện về trách nhiệm vẫn là “khoảng trống” lớn trong việc thực thi chức trách quản lý của bộ máy nhà nước.

Đã đến lúc cần phải xem xét đến vấn đề này!

Đọc thêm