Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga, Putin giận dữ “cú đâm sau lưng“

(PLO) - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 tuyên bố hai chiến đấu cơ F-16 tuần tra dọc biên giới của nước này đã bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vì vi phạm không phận, trong khi Nga phủ nhận.
Chiếc Su-24 bốc cháy dữ dội sau khi trúng tên lửa từ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik
Chiếc Su-24 bốc cháy dữ dội sau khi trúng tên lửa từ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik
Hành động bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga được thực hiện sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là đã thực hiện sau khi "đã phát đi tín hiệu cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút".
Trong khi đó, Nga khẳng định chiến đấu cơ của họ không đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay Su-24 lúc đó ở trong không phận Syria tại độ cao 6.000 m. Các phi công đã kịp nhảy dù ra ngoài trước khi máy bay rơi.
Putin giận dữ
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (25/11) công bố video dữ liệu chuyến bay, trong đó cho thấy chiếc Su-24 không vào Thổ Nhĩ Kỳ và bị tấn công khi đang vận động trên bầu trời Syria. 
Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết radar sân bay tại căn cứ Hmeymim cho thấy chính chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự vào không phận Syria khi tấn công máy bay Nga. 
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Sputnik, một bức thư bị rò rỉ của đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng máy bay Nga đã vào không phận nước này trong 17 giây.
Trong một đoạn video, chiếc máy bay Nga được nhìn thấy nổ tung giữa trời tạo thành một quả cầu lửa rồi rơi xuống khu vực "núi của người Turk" trên lãnh thổ Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, kênh CNN-Turk và NTV đưa tin.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thảo luận với tham mưu trưởng quân đội về những diễn biến ở biên giới với Syria. Ông đồng thời chỉ thị cho Bộ Ngoại giao tham vấn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Hợp Quốc và các nước liên quan về những tình tiết mới nhất.
"Máy bay của chúng tôi rơi trên lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km. Chiếc Su-24 đang bay ở độ cao 6.000 mét, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ một km khi bị tấn công bằng tên lửa không đối không. Phi công và máy bay chúng tôi không hề đe dọa đến Thổ Nhĩ Kỳ", ông Putin nói trong cuộc gặp với Quốc vương Jordan Abdullah II ở Sochi.
Tổng thống Putin cảnh báo rằng vụ Su-24 bị bắn rơi sẽ "gây hậu quả nghiêm trọng" đến quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi đã luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là một láng giềng gần gũi, mà còn là một quốc gia bạn bè. Tôi không biết ai cần cái gì từ vụ việc ngày hôm nay, nhưng chắc chắn đó không phải là chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Nga cũng cho biết nước này sẽ "phân tích cẩn thận" mọi thông tin liên quan đến chiếc Su-24 bị bắn rơi. Ông chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập cuộc họp khẩn với các đồng minh NATO để thông báo về vụ việc, "như thể chúng tôi bắn rơi máy bay họ chứ không phải ngược lại", ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả sự việc là "cú đâm sau lưng, do những kẻ đồng loã với khủng bố thực hiện" chống lại nước này.
Hai phi công Nga đã chết
Trong khi đó, phiến quân Turkmen ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 24/11 tuyên bố họ đã bắn chết hai phi công Nga khi họ nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi bằng tên lửa, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Dogan cho biết.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn này, Alpaslan Celik, phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Duyên hải số 2 của phiến quân Turkmen xác nhận cả hai phi công người Nga đều đã thiệt mạng.
"Chúng tôi bắn hai phi công này trong lúc họ đang tiếp đất bằng dù. Thi thể họ vẫn nằm ở đây", Celik nói.
Phiến quân Syria tuyên bố dùng tên lửa chống tăng TOW bắn cháy một trực thăng Nga.
 Phiến quân Syria tuyên bố dùng tên lửa chống tăng TOW bắn cháy một trực thăng Nga.
Trong một diễn biến khác, ngày 24/11, Reuters dẫn nguồn tin từ tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay các chiến binh nổi dậy Syria đã dùng tên lửa chống tăng bắn cháy một trực thăng Nga tham gia tìm kiếm hai phi công trên chiếc Su-24 bị bắn rơi ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nhóm phiến quân Syria đã đăng lên YouTube đoạn video cho thấy chiếc trực thăng Mi-8 của Nga bốc cháy dữ dội sau khi trúng một quả tên lửa chống tăng TOW. 
Trước đó, chiếc trực thăng này đã bị hỏa lực của phiến quân bắn trúng, buộc phải hạ cánh khẩn cấp gần một khu vực do quân đội chính phủ Syria kiểm soát ở tỉnh Latakia.
Theo tuyên bố của nhóm phiến quân này, họ đã sử dụng một quả tên lửa bắn trúng chiếc trực thăng khi nó đang bay trên không, và tiếp tục bồi thêm một quả tên lửa TOW nữa để phá hủy hoàn toàn chiếc trực thăng khi nó đáp xuống đất.
Khu vực phía bắc tỉnh Latakia là địa bàn do các nhóm nổi dậy Syria kiểm soát, trong đó có các tổ chức được Mỹ hậu thuẫn. Các nhóm nổi dậy này được CIA và Arab Saudi viện trợ vũ khí chống tăng TOW, với điều kiện họ phải ghi hình lại tất cả những lần phóng tên lửa.
Ông Rami Abdulrahman, giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, cho biết có ít nhất 10 người trên chiếc trực thăng lúc nó bị trúng quả tên lửa đầu tiên. Họ đã kịp thời sơ tán khỏi chiếc trực thăng sau khi hạ cánh khẩn cấp, và thoát chết khi quả tên lửa thứ hai lao tới.

Đọc thêm