VKS không được làm oan người vô tội, không được bỏ lọt tội phạm

(PLO) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ yêu cầu Viện kiểm sát các cấp phải tích cực thực hiện các biện pháp để không làm oan người vô tội, đồng thời kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm.
VKS không được làm oan người vô tội, không được bỏ lọt tội phạm
Hôm qua (16/1), VKSNDTC tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2014 với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương (TƯ) và địa phương. 
Giải quyết nhiều vụ án phức tạp được dư luận quan tâm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Năm 2013, ngành KSND đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và công tác xây dựng ngành, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo môi trường ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. 
Cụ thể, theo Báo cáo tổng kết công tác của ngành KSND năm 2013, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 92,2% (tăng 4,1% so với năm 2012); tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 96,9% (tăng 0,5%); chủ động kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; tỷ lệ xử lý, giải quyết trong giai đoạn điều tra đạt 83,67% số vụ (tăng 0,6%), giai đoạn truy tố đạt 98,7% số vụ (tăng 0,3%); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, truy tố đúng tội danh đạt 99,7%, đều đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 37/2012/QH13; phối hợp với Tòa án các cấp tổ chức 4.072 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 37,8%). Trong năm, Cơ quan điều tra VKSNDTC khởi tố, điều tra 50 vụ/33 bị can, đáng lưu ý là có 23 vụ/14 bị can về nhóm tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, chiếm 46%.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát đã kịp thời kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo hướng điều tra, xét xử lại đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người xảy ra năm 2003 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, VKS phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp giải quyết dứt điểm nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ giết người và chống người thi hành công vụ tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, vụ Lê Bá Mai phạm tội giết người xảy ra tại tỉnh Bình Phước, vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII), vụ tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines, vụ Dương Tự Trọng phạm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài… 
4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014
Tuy nhiên, còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót trong hoạt động một năm vừa qua của ngành Kiểm sát. Cụ thể là, hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của một số đơn vị, VKS địa phương còn hạn chế; công tác quản lý, theo dõi tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu; số kháng nghị chiếm tỷ lệ chưa cao so với số bản án, quyết định bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy; chưa chú trọng công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức ở một số đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến còn để xảy ra cán bộ vi phạm phải xử lý…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, biểu dương những thành tích đạt được và lưu ý ngành KSND cần đề ra giải pháp tích cực khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong bối cảnh nước ta còn phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức, ngành KSND phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện về mọi mặt, theo đó cần tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, ngành cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 
“VKS các cấp phải tích cực thực hiện các biện pháp để không làm oan người vô tội, đồng thời kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm. Đây là nhiệm vụ rất hệ trọng của các cơ quan tư pháp, trong đó có vai trò rất lớn của ngành KSND” – Chủ tịch nước nêu rõ.
Cùng với việc cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành KSND trên cơ sở Hiến pháp (sửa đổi), Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành để có được đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, có kỷ luật và có trách nhiệm cao.
Ngoài ra, phải quán triệt thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp cũng như triển khai nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị qua tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp.

Đọc thêm