Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng được biết đến là cây phóng sự và là nhà báo điều tra nổi tiếng. Nhưng nhiều người chưa biết anh còn là tay viết bút ký, văn xuôi. Anh vừa ra mắt độc giả cùng lúc ba tập sách: Ở lại với ngàn sao (du ký), Trong tận cùng hang ổ (phóng sự điều tra) và Búi thông thơ dại (truyện dài). Ba tập sách do nhà xuất bản Thông Tấn, nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty sách Liên Việt phát hành.
|
“Trong tận cùng hang ổ” là cuốn sách đại diện cho một mảng tư duy, lao động nghề nghiệp mà Hoàng tâm huyết nhất trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Cuốn sách này tập hợp những bài, những vệt bài điều tra in dài kì trên các báo đã từng gây chấn động dư luận. Có những vụ việc Hoàng và đồng nghiệp phải thực hiện kéo dàng hàng 5-7 năm, hàng chục năm thì mới kết thúc. Điều đáng nói, là trong cuốn sách này, ngoài những bài, vệt bài kể trên, còn có những phản hồi tích cực từ phía các cơ quan chức năng, kẻ phạm tội phải ra hầu toà, một số điều luật được sửa đổi cho phù hợp với thực tế đời sống, lãnh đạo các bộ, Chính phủ... có ý kiến chỉ đạo… sau khi bài, loạt bài được in. Những phản hồi, hiệu ứng tích cực này cho thấy ít nhiều, báo chí, các nhà báo có thể đóng góp, tác động thực sự vào việc thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực. Không phải lúc nào một nhà báo cũng ở trên đỉnh cao hưng phấn, say mê, tự tin. Cũng có lúc thất bại, có những mất mát, tổn thương, tai nạn, cũng có lúc mệt mỏi… Nhưng không vì thế mà Đỗ Doãn Hoàng từ bỏ lựa chọn khó khăn bậc nhất trong nghề mà anh đã theo đuổi suốt nhiều năm. Tập sách này dù mới chỉ thể hiện được phần nào “diện mạo” của nghề báo điều tra, nhưng là phần diện mạo Đỗ Doãn Hoàng dành nhiều tâm sức nhất, lao tâm khổ tứ nhất, cũng có lẽ là mang lại hạnh phúc nghề nghiệp lớn nhất đối với anh.
Trong cuốn du ký “Ở lại với ngàn sao”, ngoài “dữ liệu” về lịch sử, địa lý cung cấp cho độc giả, tác giả còn như đang dắt tay người đọc cùng tham dự những chuyến đi vòng quanh trái đất của mình. Không đơn thuần là những trải nghiệm "tôi đi" – "tôi thấy" ở mỗi vùng đất mới, trong cuốn du ký này, tác giả đã hoà vào thiên nhiên, sống trọn với thiên nhiên bằng tất cả giác quan, trọn vẹn từng khoảnh khắc, ngay cả trên… miệng núi lửa Bromo (Indonesia).
Búi Thông thơ dại là một cuốn truyện dài, mang tinh thần tự truyện. Một câu chuyện thấm đẫm những kỉ niệm tha thiết và thẳm sâu, sống động và cuốn hút, giản dị và chân thực về tuổi thơ của anh, trên cái xóm núi nghèo mang tên Búi Thông, với mẹ, bà ngoại, hai em. Câu chuyện giàu chất văn chương, nhiều đoạn nhiều câu đạt tới sự tròn trĩnh đầy mĩ cảm. Và trên hết là tình cảm của anh dành cho những người thân trong gia đình, đặc biệt là bà ngoại và mẹ. Đỗ Doãn Hoàng nói, mẹ anh thường không thể đọc được liên tục quá 2 trang, vì bà phải dừng lại để… khóc. Một cuốn sách đẹp về lòng nhân ái, về giá trị của tình thương yêu bất tận với vùng đất đã nâng đỡ đùm bọc quấn túm những tháng năm nghèo khó.
Không quá dụng công về kỹ thuật hay ngôn từ với truyện dài này, tác giả lôi cuốn người đọc bằng chính những câu chuyện sinh động, hồn nhiên, trong trẻo; qua lời kể chân thành, mộc mạc của mình.