Trong thế giới của trẻ tự kỷ…

(PLO) - Vừa bước qua cánh cổng ở số 6, ngõ 9, Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội) chúng tôi thấy một khung cảnh êm đềm. Nhưng chỉ đi thêm vài bước nữa thôi lại là một hình ảnh khác, vừa xót xa, vừa nghẹn ngào, thi thoảng lại xen lẫn một chút mừng vui. Thế giới của trẻ em tự kỷ hiện ra trước mắt chúng tôi… 
Để có được nụ cười này, ánh mắt này, cả cô và trò Trung tâm phải nỗ lực cao độ trong khoảng vài tháng.
Để có được nụ cười này, ánh mắt này, cả cô và trò Trung tâm phải nỗ lực cao độ trong khoảng vài tháng.

Mỗi đứa trẻ là một thế giới kín…

Mỗi phòng học của Trung tâm Sao Mai đều được đặt tên theo các loại hoa, các loại chim chóc gần gũi với trẻ như ở các trường mẫu giáo khác. Nhưng trong thế giới ấy là biết bao cảnh đời, đứa nặng, đứa nhẹ, đứa mới vừa bước qua tuổi thứ 2, cũng có bé đã ở tuổi 16. Đủ các triệu chứng của một đứa trẻ tự kỷ: tự cấu véo mình thật đau, đập đầu vào tường, không giao tiếp, chuyện trò, không tự chủ trong vệ sinh cá nhân… 

Chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ giáo vụ của Trung tâm cho biết, những ngày đầu tiên chập chững bước chân vào Trung tâm cách đây đã 15-16 năm. Những ngày ấy chỉ biết rằng, mỗi đứa trẻ đến đây đều là những đứa trẻ bất hạnh, mang trong mình một chứng bệnh chưa biết gọi tên. Chị muốn gắn bó với chúng bởi tình cảm yêu thương, muốn san sẻ với bọn trẻ và xuất phát từ cái tâm của mình. 

Chị Mai chia sẻ, có những phụ huynh nói chuyện với chị, chỉ câu trước câu sau đã lại nghẹn ngào vì xót con không lớn lên bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác mà bình thường, những người xung quanh khó có thể chia sẻ. Ngày ấy khái niệm “tự kỷ” còn ở đâu xa lắm… nên đa phần họ đều phải “che chắn” con mình trước mọi ánh mắt tò mò của thiên hạ khi thấy phản ứng rất bất bình thường ở một đứa trẻ. 

Quan sát từng lớp học, cảm xúc của chúng tôi luôn bị bóp nghẹn, khi thì cay mắt, lúc lại xúc động vô cùng… Chỉ những câu chào bình thường “con chào cô, con chào bác” nhưng là cả một nỗ lực rất lớn của các cô giáo và những đứa trẻ. Chỉ một hành động xếp ghế vào từng bàn ăn cũng mất vài tháng, bắt đầu từ cầm ghế, mang ghế đi và đặt đúng chỗ… Rồi cả một hành trình ấp ôm những đứa trẻ có triệu chứng rối loạn giác quan vào lòng vỗ về, yêu thương khi chúng la hét bởi tiếng nước chảy, bởi tiếng khoan bê tông… 

Lớp học đặc biệt với những đứa trẻ đặc biệt nên giáo án cũng đặc biệt linh động, ví như cùng dạy cách phát âm nhưng đứa thì chú trọng khẩu hình miệng, đứa lại tập trung vào âm thanh… Tuy nhiên, chương trình học của bọn trẻ vẫn phải tập trung vào chào hỏi, dạy nói, dạy bật âm, phục hồi chức năng, hầu hết đều theo phương pháp chơi mà học, học mà chơi với các kỹ năng vận động thô, tinh, tự lập, tương tác...

Mỗi cô giáo là một chiếc chìa khóa vạn năng…

Chị Mai cho biết, mỗi lần đón học trò mới, cả một quá trình cả cô, trò và nhà trường cùng cố gắng. Để đạt được mục đích đầu tiên, bé biết giao tiếp bằng mắt là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, phải kết hợp bằng rất nhiều giáo trình học. Bởi đặc trưng của trẻ tự kỷ là không giao tiếp, thờ ơ với xung quanh… Bé Hà Khương vào Trung tâm khi đã hơn 3 tuổi nhưng chưa biết nói, không tương tác, giao tiếp với mọi người, chỉ chơi tha thẩn một mình, vệ sinh cũng mặc kệ, không cần biết chuyện gì đang xảy ra với mình nên các cô luôn phải tập trung cao độ với bé… 

Tuy nhiên, sau 6 tháng bé đã có những tiến bộ rõ rệt, bắt đầu nói từ đơn rồi nói câu dài 3-4 từ.. Bé đã có những phản xạ quan tâm đến các bạn xung quanh và tương tác bằng mắt, gọi đã biết phản ứng và giao tiếp bằng ngôn ngữ và hành vi. Ở Trung tâm Sao Mai, những trường hợp như bé Hà Khương chiếm phần đông. 

Tuy nhiên, ở Trung tâm, cũng có những cháu bé được bác sĩ, tâm lý chẩn đoán là có nguy cơ tự kỷ và được xếp vào lớp học phù hợp để có giáo án thích hợp nhất cho các bé. Phản ứng đầu tiên của những bé ở nhóm nguy cơ này là rất bướng bỉnh, chống đối giáo viên, dứt khoát không hợp tác. Lại có những đứa bé biết nói nhưng cũng không chịu nói, cố thủ trong thế giới của riêng mình. 

Lúc ấy các cô giáo lại đóng vai trò như những chiếc chìa khóa vạn năng, dần mở từng thế giới một của mỗi đứa. Đó là lý do mà các giáo viên ở đây cũng đã có những phút giây trào dâng, vỡ òa cảm xúc khi thấy các con có những phản xạ đầu tiên. “Kỳ diệu lắm chị ạ. Cảm giác vô cùng khó tả khi các con quay ngoắt đầu lại khi cô gọi, khi ánh mắt cô và ánh mắt trò gặp nhau” - cô giáo Trần Hằng chia sẻ. 

Chúng tôi hiểu được những chia sẻ của cô giáo Hằng bởi bản thân chúng tôi cũng thực sự xúc động khi chứng kiến những đứa trẻ tự kỷ biết vòng tay chào khi gặp người khách lạ ghé thăm giờ học của chúng. Một hành động quá đơn giản nhưng với các bé ở Sao Mai, đó là cả một chặng đường thực sự gian nan. Đó là hạnh phúc vô bờ bến với các bố, các mẹ có con mắc chứng tự kỷ.

Chị Mai chia sẻ: “Nhìn gương mặt các phụ huynh mỗi ngày đưa con đi học, đón con về chúng tôi thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn. Các bé ở đây thực sự như những đứa con ruột thịt của chúng tôi vậy. Mỗi đứa trẻ một biểu hiện, phải thực sự yêu thương, gắn bó mới đủ kiên nhẫn để đưa các con lần lượt vượt qua từng đích một”.  

Đọc thêm