Trung Quốc cải cách quân đội như thế nào?

(PLO) - Tờ “Minh báo” (Hong Kong) ngày 22/12 đăng bài viết cho rằng, gần đây dư luận trong và ngoài Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến phương án cải cách quân đội mà Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại một hội nghị liên quan hồi cuối tháng 11/2015.
Quân đội Trung Quốc đang có những cải cách mang tính đột phá
Theo đó, trọng điểm được dư luận quan tâm rộng rãi là năng lực chiến tranh đối ngoại của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) như quy hoạch Bộ Tổng lục quân, Bộ Chỉ huy tác chiến liên hợp và 4 (hoặc 5) đại chiến khu. 
Tuy nhiên trên thực tế, cải cách quân đội của Trung Quốc lần này mục đích quan trọng hơn là vai trò chỉ huy quân đội của Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhằm ngăn chặn ngay từ trong trứng nước mưu đồ cướp quân quyền tương tự như mưu đồ của hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khóa trước là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. 
Quân đội “đặc sắc Trung Quốc”
Trong phương án cải cách quân đội của Trung Quốc lần này,  tờ “Quân Giải phóng” đăng bài viết nêu rõ: Đợt cải cách quân đội lần này sẽ thay đổi thể chế tổng bộ (Bộ tổng Tham mưu, Tổng bộ Chính trị, Tổng bộ Hậu cần, Tổng bộ Trang bị), thể chế đại quân khu (Quân khu Nam Kinh, Quân khu Bắc Kinh, Quân khu Tế Nam, Quân khu Thẩm Dương, Quân khu Quảng Châu, quân khu Thành Đô, Quân khu Lan Châu), thể chế đại lục Quân đã thực hiện trong suốt thời gian dài vừa qua của PLA. 
Bài viết cũng cho biết, theo phương án cải cách quân đội mới, xây dựng lực lượng quân sự hiện đại mang nét đặc sắc Trung Quốc là nội dung quan trọng trong xây dựng hệ thống chính quyền quốc gia, cũng là bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý đất nước. 
Điều này đồng nghĩa với việc cải cách quân đội của Trung Quốc lần này đã được nâng lên tầm cai quản đất nước và chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình. 
Bài viết của báo “Quân Giải phóng” cũng phê phán những bất cập trong thể chế hiện hành, đặc biệt là quyền lực bốn tổng bộ quá tập trung, trên thực tế đã trở thành một tầng lãnh đạo độc lập, đảm nhiệm rất nhiều chức năng của Quân ủy Trung ương. 
Điều này về khách quan đã ảnh hưởng đến sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Quân ủy Trung ương. 
Bài viết nhấn mạnh, trong đợt cải cách này, cơ quan Quân ủy Trung ương sẽ điều chỉnh từ tổng bộ sang cơ chế đa bộ phận, cơ quan lãnh đạo tổng bộ quyền lực tập trung thái quá trước đây thay đổi thành các cơ quan đầu mối làm việc trong Quân ủy và cùng ràng buộc quyền lực lẫn nhau. 
Đại quân khu sẽ không còn là “chư hầu một phương” với quyền lực rất lớn như trước đây, điều này có lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Quân ủy Trung ương, thực hiện tốt hơn chế độ Chủ tịch Quân ủy Trung ương nắm quyền chỉ huy quân đội. 
Trên thực tế, bốn tổng bộ của PLA hiện nay có hàng chục cơ quan bộ cấp hai, dưới cấp bộ còn có nhiều cơ quan cấp cục. Theo phương án cải cách lần này, trong hệ thống Quân ủy Trung ương, phía trên cấp cục đã giảm đi một tầng lãnh đạo, tức là trong tương lai sẽ không còn bốn tổng bộ, theo đó Ban Tình báo, Ban Quân huấn, Ban Tổ chức, Ban Tuyên truyền, Ban Tài chính, Ban Y tế, Ban Doanh trại, Ban Quân giới, Ban Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu trước đây sẽ trở thành cơ quan thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy. 
Ngoài ra, Văn phòng Quân ủy, Ủy ban Kỷ luật Quân ủy, Cục Kiểm toán Quân ủy, Ủy ban Chính pháp Quân ủy sẽ là các cơ quan đầu mối, trở thành cơ quan làm việc trong Quân ủy, hình thành cơ chế đại quân ủy đa bộ phận. 
Cuối cùng, một vấn đề đáng chú ý khác là phương án cải cách quân đội lần này không hề nhắc đến Bộ Quốc phòng, vì thế dư luận cho rằng trên phương diện nhà nước hóa quân đội, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra các quyết sách mang tầm thời đại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định cải cách quân đội 
Cơ cấu tổ chức mới
Tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” phiên bản tiếng Anh phát hành tại Hong Kong mới đây dẫn các nguồn tin quân đội cho biết, cơ cấu tổ chức quân khu lấy lục quân làm trung tâm có lịch sử hàng thập kỷ của PLA sẽ được thay thế bằng các chiến khu mới.
Theo kế hoạch, PLA sẽ sớm giải thể 7 quân khu hiện nay và thay thế bằng 5 chiến khu mới - một phần trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống PLA trên phạm vi rộng. Một nguồn tin gần gũi với Quân khu Tế Nam - một trong 7 quân khu của PLA - cho biết, quân khu này đang “hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của mình”, và bị giải thể cùng với các quân khu khác ngày 20/12/2015. 
Theo một nguồn tin khác thân cận với PLA, giới chức cấp cao của Quân ủy Trung ương Trung Quốc - cơ quan quản lý các lực lượng vũ trang do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu - đã yêu cầu hệ thống 5 chiến khu mới phải được thiết lập và vận hành ngay từ ngày 1/1/2016. 
Tái cơ cấu là một phần trong số hàng loạt cải tổ quân đội của ông Tập Cận Bình với mục đích thay đổi PLA từ một hệ thống lấy lục quân làm trung tâm sang một cơ quan kiểm soát quân sự chung theo kiểu phương Tây - coi trọng ngang bằng các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. 
Nhật báo PLA, cơ quan ngôn luận của PLA, mới đăng bài bình luận cho rằng hệ thống 7 quân khu và 4 cơ quan đầu não hiện nay đã lỗi thời, quá tập trung và thách thức vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội. Theo bài báo trên, cải tổ nhằm mục đích củng cố quyền lực của Quân ủy Trung ương và sự lãnh đạo, giám sát của Đảng đối với quân đội. 
Trước đó, Báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” đưa tin, cải tổ quân đội lần này sẽ bao gồm kế hoạch tái cơ cấu “4 cơ quan đầu não” hiện nay là Tổng cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị. Theo ba nguồn tin thân cận với PLA xác nhận, CMC đã thiết lập 3 ủy ban mới và 6 cơ quan. 
Theo đó, Thượng tướng Thái Anh Dĩnh - Tư lệnh Quân khu Nam Kinh - sẽ được chỉ định làm người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Liên hợp, trong khi Thượng tướng Lưu Nguyên - Chính ủy Tổng cục Hậu cần, người đã có công trong việc loại bỏ nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu - có thể sẽ trở thành Bí thư Ủy ban Chính pháp Quân sự Trung ương mới. Thượng tướng Lý Tác Thành - Tư lệnh Quân khu Thành Đô - hi vọng sẽ trở thành người đứng đầu lực lượng bộ binh. 
Một trong ba nguồn tin trên cho biết thêm: “Ba ủy ban mới và sáu cơ quan sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của CMC. Việc tái cấu trúc này nhằm giảm sự ảnh hưởng chính trị của các lãnh đạo ở 4 cơ quan đầu não và 7 quân khu hiện nay”. 
Theo các báo cáo trước đó, 4 chiến khu Bắc, Nam, Đông và Tây sẽ hình thành từ hệ thống 7 quân khu bị giải thể. Tuy nhiên, phương án mới nhất đã bổ sung thêm một chiến khu nữa nằm ở trung tâm của Trung Quốc. 
Một nguồn tin cho biết: “Cơ quan đầu não của chiến khu trung tâm có thể sẽ được đặt ở Bắc Kinh”. Nguồn tin khác cho biết, ban điều hành của Quân khu Tế Nam và Thành Đô sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, trong khi 5 quân khu khác có thể được tổ chức lại. 
Nhà bình luận quân sự Lương Quốc Lượng ở Hong Kong nhận xét: “Việc giải thể Quân khu Tế Nam là không thể tránh được bởi dưới hệ thống lỗi thời lấy lục quân làm trung tâm, quân khu này chỉ được xem là một sự hỗ trợ cho các quân khu khác”. 
Theo ông Lương Quốc Lượng, một phần của Quân khu Thành Đô sẽ được sáp nhập vào chiến khu mới (Tây, Nam hoặc Trung) và hệ thống 5 chiến khu sẽ đủ năng lực để giúp PLA giải quyết các thách thức trước mắt cũng như trong tương lai gần.
Chuẩn bị cuộc chiến hiện đại?
Năm 1919, chiến lược gia người Anh Halford Mackinder viết trong quyển “Các lý tưởng và hiện thực dân chủ” rằng Trung Quốc cuối cùng vươn lên trở thành một cường quốc thực sự của thế giới bằng việc “xây dựng một nền văn minh mới cho 1/4 nhân loại, không thực sự kiểu phương Đông, cũng không theo kiểu phương Tây”. 
Theo nhà phân tích địa chính trị Robert D Kaplan, tiên đoán của ông Mackinder đến nay bước đầu đã được minh chứng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tuyên bố các cải cách quân sự mang tính đột phá đối với cơ cấu tổ chức và ban chỉ huy quân đội Trung Quốc. 
Theo đó, ban chỉ huy quân khu hiện nay sẽ được điều chỉnh và nhóm thành các cơ quan đầu não mới dưới sự giám sát của Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC). Cuộc cải tổ lần này thiết lập một hệ thống chỉ huy ba cấp bậc là “CMC - ban chỉ huy chiến khu - binh sĩ” và hệ thống điều hành từ CMC thông qua các quân chủng tới các binh sĩ với kỳ vọng giúp Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc chiến thời hiện đại. 
Hiện đại hóa cơ cấu ban chỉ huy của lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới là vô cùng quan trọng và sẽ có ảnh hưởng đến cơ cấu an ninh của toàn châu Á. Trong bối cảnh các mối đe dọa đến an ninh toàn cầu đang tăng lên, Trung Quốc - với tư cách một cường quốc đang nổi - có mối quan tâm lớn đối với an ninh và phát triển, được xem là ưu tiên trong khi tiến hành các cải cách này. 
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đất nước ta đang phát triển từ một nước lớn thành một nước lớn và mạnh, việc phát triển quốc phòng và quân sự đang đứng trước vạch xuất phát mới mang tính lịch sử”. 
Trong 5 năm tới, Trung Quốc hy vọng sẽ củng cố các kết quả từ những cải cách mới này và các bước đột phá trong việc cải tổ ban lãnh đạo và hệ thống chỉ huy chung. Đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy sức mạnh quân sự và năng lực của Trung Quốc. 
Việc cải tổ cơ cấu của quân đội Trung Quốc trong vài năm tới sẽ ảnh hưởng đến an ninh của toàn châu Á, là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho kiểu chiến tranh thời hiện đại…

Đọc thêm