Trong mâu thuẫn ngoại giao mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bắc Kinh đã phản ứng sau khi Tổng thống Mỹ Trump cho TikTok sáu tuần để sắp xếp việc bán các hoạt động tại Mỹ, và nói rằng chính phủ của ông muốn có lợi ích tài chính từ thỏa thuận này.
"Điều này đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cởi mở và không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói.
Hiện, Microsoft đang đàm phán để mua TikTok. Ông Trump đã cho ByteDance – chủ sở hữu ứng dụng Tik Tok – thời gian đến giữa tháng 9 để đạt được thỏa thuận. Đây là điều gần như chưa hề có tiền lệ.
"Đó phải là một công ty Mỹ ... nó phải được sở hữu ở đây", ông Trump nói hôm 3/8, "Chúng tôi không muốn có bất kỳ vấn đề nào về bảo mật."
Mỹ đã cấm một số công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei, hoạt động tại thị trường Mỹ và tiến hành một chiến dịch toàn cầu nhằm cô lập công ty này trước những lo ngại về an ninh quốc gia. “Mỹ không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào, đã sử dụng lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, chèn ép một cách vô lý một số công ty không thuộc Mỹ", ông Vương Văn Bân nói. Ông khẳng định các công ty tiến hành các hoạt động kinh doanh của họ theo các quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.
Ông Vương kêu gọi Mỹ "kiềm chế chính trị hóa các vấn đề kinh tế" và cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp nước ngoài.
TikTok có tới một tỷ người dùng trên toàn thế giới. Ứng dụng cho phép tạo ra các video 60 giây ngay trên điện thoại.