Trung Quốc kiểm soát việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung Quốc công bố dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ dữ liệu sinh trắc học trong việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Tiêu chuẩn, được đệ trình để lấy ý kiến công chúng, chỉ rõ các công ty phải có sự đồng ý rõ ràng từ đối tượng để thu nhận và sử dụng dữ liệu sinh trắc học.

Đây là tài liệu toàn diện đầu tiên quy định việc sử dụng công nghệ này ở Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về công nghệ sinh trắc học nhận dạng cá nhân. Năm nay, thị trường sinh trắc học Trung Quốc dự kiến đạt 34 tỷ nhân dân tệ (hơn 5 tỷ USD). Trong khi đó, năm 2019, quy mô thị trường sinh trắc học toàn cầu là khoảng 34 tỷ USD, tức là Trung Quốc chiếm hơn 10% thị trường thế giới. Các công ty khởi nghiệp lớn nhất trên thế giới về vốn hóa tham gia vào việc phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt là của Trung Quốc. Ví dụ, SenseTime được định giá 12 tỷ đô la và Megvii có giá trị hơn 4 tỷ đô la.

Nhiều quốc gia sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở một mức độ nào đó để đảm bảo an toàn công cộng, luật pháp và trật tự. Và Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong việc này. Về số lượng camera giám sát, Trung Quốc đang đứng đầu.

Ngay từ năm 2018, đã có hơn 200 triệu camera giám sát ở Trung Quốc và theo dự đoán của công ty phân tích HIS Markit, con số lên đến 600 triệu vào năm 2021. Hiện vẫn chưa rõ số lượng chính xác camera được trang bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, bất kỳ camera độ phân giải cao nào về nguyên tắc đều có thể được kết nối với hệ thống. Ngoài Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nga và nhiều quốc gia khác cũng đang phát triển hệ thống giám sát video thông minh, phân tích dữ liệu và thành phố an toàn.

Trung Quốc không giống như các quốc gia khác, hệ thống nhận dạng khuôn mặt cũng được doanh nghiệp tư nhân sử dụng trong những mục đích hoàn toàn khác. Các trung tâm mua sắm sử dụng tính năng này để phân tích sở thích, lưu lượng truy cập của khách hàng mua sắm. Hệ thống nhận dạng khuôn mặt được lắp đặt ở khắp mọi nơi, lối vào các văn phòng và thậm chí cả các tòa nhà dân cư. Đôi khi nó gây ra sự khó chịu, ví dụ như có camera nhận dạng khuôn mặt được lắp đặt trong nhà vệ sinh công cộng.

Máy tính xách tay với hình ảnh đường phố và nhận dạng khuôn mặt trên bàn có bản đồ Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố kế hoạch phủ sóng camera nhận dạng khuôn mặt rộng rãi ở các thành phố và gia đình vào năm 2020.
Máy tính xách tay với hình ảnh đường phố và nhận dạng khuôn mặt trên bàn có bản đồ Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố kế hoạch phủ sóng camera nhận dạng khuôn mặt rộng rãi ở các thành phố và gia đình vào năm 2020. 

Vấn đề ở chỗ sinh trắc học là dữ liệu cực kỳ nhạy cảm.

Sự rò rỉ hoặc trộm cắp dữ liệu có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với cá nhân mà còn đối với toàn bộ đất nước. Trong khi đó, hiện tại, cả các công ty lớn và nhỏ đều tham gia vào lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt, đôi khi không có đủ nguồn lực và khả năng để đảm bảo an toàn dữ liệu. "Do đó, cần phải lập lại trật tự trong ngành này về mặt pháp lý", Xu Canhao - giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Baptist Hong Kong - nói với Sputnik.

 Các tiêu chuẩn mới sẽ giải quyết vấn đề này. Đầu tiên, tài liệu chỉ ra việc sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt chỉ để đảm bảo an toàn công cộng, luật pháp và trật tự, tăng tốc quá trình nhận dạng xác thực, và chỉ trong trường hợp khi các phương pháp khác làm giảm đáng kể tính bảo mật, tốc độ và chất lượng của dịch vụ. Cần lưu ý việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt là không thể chấp nhận được khi để đánh giá hiệu quả công việc, tình hình tài chính, tình trạng sức khỏe, sở thích và ưu tiên của mọi người.

Hơn nữa, cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, bao gồm cả tiêu chuẩn an toàn, mà tất cả các công ty thu thập sinh trắc học cần phải tuân thủ. Ví dụ: các hệ thống phải được xây dựng để chúng không thể bị đánh lừa bằng video, ảnh động... Các công ty chỉ nên thu thập dữ liệu cần thiết và trích xuất các thông số nhất định từ hình ảnh chứ không nên lưu trữ toàn bộ hình ảnh. Trong trường hợp ngừng hoạt động, không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ, các công ty phải xóa ngay dữ liệu sinh trắc học.

Nhưng quan trọng nhất, các công ty phải có được sự đồng ý chủ động của đối tượng khi thu thập sinh trắc học. Ngoài ra, quá trình thu thập sinh trắc học phải rõ ràng đối với đối tượng - nghĩa là anh ta phải nhìn thẳng vào ống kính, thực hiện các hành động có chủ ý để đảm bảo chất lượng dữ liệu thu thập (quay đầu, thay đổi nét mặt, v.v.). Đồng thời, các công ty được yêu cầu cung cấp các phương pháp nhận dạng thay thế (nếu có) cho khách hàng.

Vấn đề nhận dạng khuôn mặt đã trở nên sôi nổi khi thảo luận trong xã hội Trung Quốc, sau khi một giáo sư luật tại Đại học Khoa học Công nghệ Chiết Giang đệ đơn kiện công viên safari ở Hàng Châu. Vị giáo sư rất phẫn nộ khi cho rằng công viên đã thay đổi các quy tắc về đi lại của du khách mà không thông báo trước. Một hệ thống nhận dạng khuôn mặt được lắp đặt trong công viên và du khách phải chuyển dữ liệu sinh trắc học của mình cho doanh nghiệp. Nếu không, họ đe dọa sẽ không cho khách vào thăm công viên.

Vị giáo sư rất phẫn nộ khi cho rằng công viên thực sự đang thu thập dữ liệu sinh trắc học nhạy cảm một cách áp đặt, và không có sự đảm bảo an toàn dữ liệu nào. Kết quả, tòa án cho rằng hành động của ban quản lý công viên safari là bất hợp pháp.

Người dân Trung Quốc đang lo lắng về vấn đề nhận dạng khuôn mặt

 Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Trung Quốc đang lo lắng về vấn đề nhận dạng khuôn mặt. Theo đó, 87% người được Beijing News khảo sát nói  họ phản đối việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong các ngành thương mại. Đồng thời, hơn 50% số người được hỏi tin rằng các công nghệ được áp đặt lên họ mà không có sự đồng ý.

Một số người tin rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và sinh trắc học vi phạm các quyền cơ bản của con người về nguyên tắc và có khả năng dẫn đến việc bị phân biệt đối xử. Ví dụ, khi tàu điện ngầm Bắc Kinh thông báo sẽ sử dụng camera nhận dạng khuôn mặt để xác định hành khách nào cần phải kiểm tra bằng máy dò kim loại, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa đã chỉ ra hệ thống này có thể phân biệt đối xử với mọi người dựa trên những lý do hoàn toàn không rõ ràng - sau tất cả, không phải lúc nào mọi người cũng biết các thuật toán hoạt động như thế nào.

Nếu tiêu chuẩn mới được thông qua, sẽ hạn chế đáng kể phạm vi ứng dụng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Một mặt, điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành. Tuy nhiên, đồng thời, nó sẽ làm cho công nghệ an toàn hơn và cuối cùng là tăng mức độ tin cậy của công chúng. Các phân khúc dân số nhạy cảm nhất sẽ được bảo vệ tốt hơn, ví dụ như nguyên tắc cấm thu thập sinh trắc học của những người dưới 14 tuổi.

Đọc thêm