Trung Quốc 'mạnh tay' với thị hiếu 'dị dạng', thẩm mỹ 'ẻo lả' trong các chương trình giải trí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia (NRTA) cho biết trong một thông báo trực tuyến rằng họ sẽ tăng cường quy định đối với các chương trình văn hóa, xử lý những nội dung không lành mạnh, cũng như việc trả lương và trốn thuế của các ngôi sao.
Cảnh sát ổn định trật tự đám đông người hâm mộ bên ngoài lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải lần thứ 17. Ảnh: Reuters
Cảnh sát ổn định trật tự đám đông người hâm mộ bên ngoài lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải lần thứ 17. Ảnh: Reuters

Từ hôm nay (2/9), Trung Quốc tiến hành chiến dịch "làm sạch" ngành công nghiệp giải trí với yêu cầu các đài truyền hình cấm những nghệ sĩ có "lập trường chính trị không chính xác" và phong cách kém cỏi xuất hiện trong các chương trình phát sóng, đồng thời yêu cầu rằng các chương trình truyền hình giải trí phải nuôi dưỡng một "bầu không khí yêu nước".

Ngành công nghiệp giải trí bước vào giai đoạn thất bại sau hàng loạt vụ bê bối của người nổi tiếng liên quan đến trốn thuế và tấn công tình dục. Tuần trước, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc cho biết họ đang thực hiện hành động chống lại điều mà họ mô tả là văn hóa hâm mộ người nổi tiếng "hỗn loạn".

NRTA cho biết, các quy định giới hạn lương cho các diễn viên và khách mời cần được thực thi nghiêm ngặt và các nghệ sĩ nên được khuyến khích tham gia vào các chương trình phúc lợi công cộng, cũng như đảm nhận các trách nhiệm xã hội. Hành vi trốn thuế sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Việc lựa chọn diễn viên và khách mời nên được kiểm soát cẩn thận, lấy tiêu chí hiểu biết về chính trị và tư cách đạo đức.

Thông báo của NRTA cũng nói rằng cần chấm dứt những cái mà người ta gọi là thị hiếu "dị dạng" như thẩm mỹ "ẻo lả" trong các chương trình giải trí. Các đài cần từ chối phát sóng những trò giải trí liên quan đến những người nổi tiếng trên internet "thô tục", những vụ bê bối và phô trương sự giàu có.

Theo cơ quan quản lý văn hóa của Trung Quốc, văn hóa người hâm mộ không lành mạnh cần bị triệt hạ; cấm việc khuyến khích người hâm mộ bỏ tiền để tham gia bình chọn trong các chương trình, kiểm soát chặt chẽ các các chương trình giải trí.

Trong thời gian gần đây, các nhà chức trách và truyền thông nhà nước đã lên tiếng rằng, các nam thanh niên "cần trở nên nam tính hơn" và chỉ trích các sao nam ưa trang điểm đậm và xây dựng hình ảnh nữ tính.

Trung Quốc có những quy định nghiêm ngặt về nội dung từ trò chơi điện tử đến phim ảnh đến âm nhạc. Các nhà quản lý Trung Quốc đã thắt chặt giám sát đối với một loạt các ngành công nghiệp từ công nghệ đến giáo dục để tăng cường kiểm soát xã hội và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng không ngừng.

Hôm 30/8, họ đã đưa ra các quy tắc mới giới hạn thời gian trẻ em có thể dành cho trò chơi điện tử là 3 giờ vào cuối tuần.