Trung Quốc quản taxi kinh doanh kiểu xe Uber thế nào?

(PLO) -Ứng dụng gọi taxi ở Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh hơn cả ở Mỹ và hoạt động quản lý loại xe này không theo kịp sự phát triển. Kết quả là chính phủ đang phải vật lộn để đối phó với các ứng dụng gọi xe kinh doanh không đăng ký.
Khoảng 10 triệu chuyến đi mỗi ngày ở Trung Quốc được cung cấp bởi các ứng dụng gọi xe trên điện thoại. Nguồn Internet
Cung cấp 10 triệu chuyến xe/ ngày
Năm 2012, đánh dấu sự xuất hiện và bùng nổ của các ứng dụng gọi taxi tại Trung Quốc. Nhu cầu đi lại bằng ô tô ở nước này cao đến mức 30 ứng dụng đặt taxi trên điện thoại hiện đang cung cấp khoảng 10 triệu chuyến đi mỗi ngày.
Ngoài ra, nguồn cung cấp lái xe taxi còn hạn chế cũng bởi quy định quản lý giá cước của Chính phủ. Giá cước bị cho là quá thấp khiến lái xe không mặn mà với ngành kinh doanh này. Nhiều lái xe cho biết, họ chẳng muốn chở khách vì giá cước thấp trong khi chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng cứ tăng đều đặn, chuyến nào chở khách gặp tắc đường thì lái xe cầm chắc phần lỗ. Trong khi đó, hiện tượng xe gọi tương tự xe Uber tham gia thị trường chở khách ngày càng đông khiến lợi nhuận từ việc chạy xe của taxi vốn đã thấp nay càng giảm sút.
Từ khi có sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe taxi, hành khách muốn được đi nhanh và đi ngay nên sẵn sàng trả giá cao hơn khung giá quy định từ 1-5 nhân dân tệ (0.16-0.81 USD). Thậm chí, khi ứng dụng gọi taxi kiểu xe Uber đầu tiên là Didi Dache và Kuaidi Dache xuất hiện tại Trung Quốc, người dùng phải đấu giá để được phục vụ bằng cách cho biết trước tiền tip (tiền thưởng) cho lái xe ngoài tiền cước đi lại. Và lái xe taxi thường chọn khách cho tiền tip cao nhất để phục vụ.
Cấm - quản xen kẽ
Giới chức Bắc Kinh tuyên bố các ứng dụng kiểu xe Uber thường vi phạm quy định về giá trần nhưng những động thái hạn chế, thậm chí cấm đều không đem lại hiệu quả. Bởi từ năm 1994 - 2011, dân số Bắc Kinh tăng từ 11 triệu lên 20 triệu nhưng chính quyền chỉ cấp mới thêm 6 nghìn chứng chỉ taxi, nâng tổng số lái taxi lên 66 nghìn. Bởi vậy, thay vì cấm các loại xe kinh doanh tương tự xe Uber, Bắc Kinh bắt buộc đơn vị chủ quản của các ứng dụng này phải kết nối với dịch vụ quản lý cuộc gọi, đồng thời phải đăng kí hoạt động với cơ quan quản lý giao thông của thành phố.
Thành phố 15 triệu dân Thâm Quyến là nơi đầu tiên cấm xe ứng dụng hoạt động kiểu Uber trái quy định (không áp dụng đúng giá cước trần). Còn tại Thượng Hải, cấm dịch vụ gọi xe kiểu Uber vào giờ cao điểm. Các lái xe riêng bị cấm không được phép phục vụ những khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe.
Lệnh cấm này tác động đến những nhà cung cấp dịch vụ kiểu Uber - hiện đang tiếp thị dịch vụ cung cấp xe cao cấp tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Andreas Maennel - Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Roland Berger tại Thượng Hải nói: “Luật là một chuyện. Thực thi hiệu quả lại là chuyện khác”.
Và đúng vậy, dịch vụ gọi xe trên điện thoại kiểu Uber ngày càng trở nên phổ biến. Điển hình là số lượng người sử dụng Didi Dache tăng từ 20 triệu (2013) lên 40 triệu (2014).
Rõ ràng, sự luẩn quẩn tiêu cực của chính phủ ở đây là: Một mặt họ giới hạn số lượng taxi trên đường phố, quy định giá cước thấp khiến lái xe không nhiệt tình làm việc.
Mặt khác những việc làm đó lại khuyến khích sự phát triển của thị trường đen bởi nó đáp ứng nhu cầu đi lại bằng ô tô đang ngày một cao.
"Dạng dịch vụ như Uber, Didi Dache...khiến người tham gia cung cấp dịch vụ trở thành lao động đơn độc. Trung Quốc có luật để bảo vệ người lao động làm việc toàn thời gian nhưng chưa có quy định để bảo vệ người lao động tự do. Uber cũng khiến các tài xế khó tìm được nhau và kết thành nghiệp đoàn. Họ không có bất cứ kênh trao đổi thông tin nào với nhau. Tôi thấy mô hình kiểu Uber là một hình thức bóc lột”.
 
Denise Cheng
Chuyên gia nghiên cứu Học viện công nghệ Massachusetts.

Đọc thêm