Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra chiều nay, 2/3.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thêm thông tin về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, tính đến ngày 3/3, Công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can về 7 tội danh, bao gồm môi giới hối lộ; đưa hối lộ; nhận hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tạo các thiết bị, công cụ, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm. Ông Tô Ân Xô nhận định, số bị can chắc chắn sẽ không dừng ở con số gần 400 hiện nay vì các tỉnh đang tiếp tục làm.
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, về đăng kiểm, có 3 mảng chính trong đó mảng kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các thông tin cơ bản đã được cung cấp.
Mảng thứ 2 là kiểm định các phương tiện nội thủy thì hiện nay, Công an các địa phương bắt đầu đi sâu.
“Phần nội thủy này cũng có rất nhiều vấn đề. Qua xác minh ban đầu, cán bộ các cục đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ của các chủ phương tiện, hoặc đối tượng môi giới để bỏ qua các lỗi như không kiểm tra máy chạy thử phương tiện, phương tiện không có gắn đèn thiết bị hoặc thiếu thiết bị an toàn đường thủy… nhưng các trung tâm này vẫn lập báo cáo thẩm định đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận an toàn phương tiện và bảo vệ môi trường”, ông Tô Ân Xô thông tin.
Mảng thứ 3 là hoán cải các phương tiện, thay đổi mục đích của các phương tiện cũng có nhiều tiêu cực. Theo đó một số nhân viên của phòng kiểm định đăng kiểm lập ra các công ty “sân sau” hoặc móc nối với các công ty có ngành nghề hoạt động về thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới để bỏ qua các lỗi trong quá trình thẩm định hoặc lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải cho xe thực tế đã cải tạo rồi để hợp thức hóa thủ tục…
"Hiện các cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ những nội dung này để đưa đăng kiểm về đúng mục đích ban đầu", Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.
Về thông tin việc bỏ sổ hộ khẩu giấy đã được thực hiện nhưng nhiều nơi vẫn yêu cầu thủ tục xác nhận cư trú gây phiền hà cho người dân, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, từ ngày 2 đến 3/3, cơ bản không có những phàn nàn việc đòi sổ hộ khẩu chứng nhận cư trú…
“Chúng ta có 100 triệu dân, mỗi ngày có tới vài trăm nghìn các giao dịch hoặc hơn nên trong số đó có những trục trặc, vận hành chưa thuần thục... Do đó, rất mong người dân thông cảm, hiểu được. Số người bị phiền hà mà báo chí phản ánh chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số người dân làm các dịch vụ công. Tuy nhiên, rõ ràng cũng có ảnh hưởng, làm phiền đến người dân, Bộ Công an đã có những nhắc nhở nghiêm khắc và có những biện pháp hiệu quả”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Đề cập đến các diễn biến mới trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, phóng viên đề nghị Người phát ngôn Bộ Công an đưa ra một số khuyến nghị về việc phát ngôn để không vi phạm trên không gian mạng.
Trả lời, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác đã được pháp luật đảm bảo. Tuy nhiên, việc phát ngôn, bình luận, đăng tải, chia sẻ thông tin phải tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến chuẩn mực đạo đức, các hành vi ứng xử trên mạng.
“Chỉ nên chia sẻ nguồn tin chính thống, có nguồn tin tin cậy, có hành vi ứng xử phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc; không sử dụng các ngôn ngữ gây hằn thù, kích động bạo lực; không đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật… Việc lợi dụng các quyền đó rõ ràng sẽ bị xử lý theo pháp luật”, Người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo.