Tìm cách giải quyết những bất cập này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (TƯMTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân vừa có buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Thách thức lớn
Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân, đến nay Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát triển ở 3 cấp với số tiền hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Hội Nông dân đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đứng ra nhận ủy thác cho nông dân vay vốn với số tiền gần 80 nghìn tỷ đồng. Liên kết với với các doanh nghiệp để cung ứng, giúp nông dân mua phân bón, máy nông nghiệp, vật tư nông nghiệp giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Qua đó, giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa… Ông Môn cũng chỉ ra rằng, vấn đề tiêu thụ nông sản là thách thức lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp và nông dân hiện nay.
“Việc sản xuất cơ bản vẫn tự phát chưa theo tín hiệu của thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá, chất lượng, mẫu mã nông sản không đều. Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… đang là những cản trở lớn đến phát triển nông nghiệp và hội nhập quốc tế”, ông Môn nêu thực tế.
Chính bởi vậy, tại buổi làm việc, Trung ương Hội Nông dân đã đề nghị Đảng, Nhà nước, MTTQ tập trung quan tâm đầu tư nguồn lực xứng đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đó là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới để giúp nông dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn.
7 vấn đề cần triển khai
Chia sẻ với những khó khăn hiện nay của hơn chục triệu hộ nông dân Việt Nam khi đại đa số nông dân không thể tự bán nông sản của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định nông dân Việt Nam tuy sáng tạo, cần cù, có thể sản xuất giỏi nhưng không phải ai cũng có thể trở thành người kinh doanh tốt; bên cạnh đó, khả năng dự báo về thông tin thị trường cũng là điểm yếu của hầu hết nông dân. Chính vì vậy, phải thay đổi nhận thức để liên kết nông dân qua các mô hình HTX kiểu mới, qua những mô hình nông dân sản xuất giỏi và HTX sản xuất kinh doanh giỏi, tạo nên khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
“Chừng nào còn duy trì các hộ cá thể thì ở nông thôn thì còn khó khăn trong vay vốn. Bài toán về vốn không phải là không có tiền mà phương thức cá thể là không thích ứng với cho vay cơ chế thị trường. Bởi vì vấn đề mua đầu vào giá rẻ thì hộ cá thể bị mua đắt, vấn đề xây dựng thương hiệu thì hộ cá thể không làm được. Do đó, vấn đề vay vốn hộ cá thể không làm đồng bộ được thiểu số mà phải qua tập thể. Vấn đề tiêu thụ, muốn chủ động tiêu thụ thì phải tiêu thụ quy mô lớn, chất lượng đồng đều và hệ thống quản lý phải nhận thức, giúp nông dân làm HTX để nông dân tự lo cho mình. Đề nghị Hội Nông dân góp phần khắc phục nếp nghĩ và cách làm này của hàng chục triệu nông dân Việt Nam”, ông Nhân gợi mở.
Về vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam lưu ý, Hội Nông dân cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc tuyên truyền người dân nói không với thực phẩm bẩn; đưa tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa ở nông thôn phải là gia đình sản xuất an toàn; những gia đình làm tốt cần được biểu dương, phấn đấu đến năm 2020, có 60% hộ nông dân sản xuất an toàn.
Ông Nhân cũng chỉ ra 7 vấn đề luôn gắn với người nông dân Việt Nam mà Trung ương Hội Nông dân cần tập trung triển khai để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người nông dân Việt Nam cũng như với xã hội. Đó là: Vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng và phát triển HTX kiểu mới; xây dựng giải thưởng thường niên tôn vinh, khen thưởng người nông dân sáng tạo; tham gia vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát vật tư nông nghiệp; vận động nông dân tham gia bảo vệ và giám sát môi trường nông thôn; nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất và chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp đối với nông dân.