Chương trình nhiều ý nghĩa thiết thực
- Ông đánh giá như thế nào về chương trình “Gương sáng Pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức, thưa ông?
- Công tác thi đua, khen thưởng là động lực của sự phát triển tích cực, là công cụ quản lý quan trọng, tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng con người mới; lay động mạnh mẽ đến tình cảm, trách nhiệm, ý thức, ý trí tự lực, tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân.
Pháp luật quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương căn cứ đặc điểm, tính chất công tác, lao động, nghề nghiệp, phạm vi và cá nhân, tập thể tham gia; để đề ra nội dung, hình thức tổ chức phát động thi đua cho phù hợp với thực tế của đơn vị tổ chức phong trào. Vì thế, tôi đánh giá cao việc Bộ Tư pháp lần đầu tiến hành bình chọn và tôn vinh 50 cá nhân trong cả nước, đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, vì Nhà nước pháp quyền XHCN.
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc chỉ đạo tổ chức chương trình vinh danh“Gương sáng Pháp luật” |
- Ông đánh giá chương trình “Gương sáng Pháp luật” có tác dụng góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước như thế nào hiện nay?
- Truyền thống hào hùng của các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động của ngành Thi đua - Khen thưởng trong những năm qua, đã được tiếp thêm sức mạnh từ truyền thống thi đua yêu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhằm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho trong thời kỳ mới.
Đó là “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân.
Tiếp nối truyền thống hào hùng ấy, tôi nhận thấy Bộ Tư pháp nói chung, trong đó có Báo PLVN nói riêng đã luôn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Và một việc làm thiết thực chính là Bộ Tư pháp giao cho Báo PLVN thực hiện bình chọn, tôn vinh những người có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đề cao những tấm gương, nhân tố truyền cảm hứng trong xã hội và triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội XIII.
Có thể nói, “Gương sáng Pháp luật” là hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, thông qua chương trình, đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước.
Để mỗi người đều có thể phấn đấu trở thành một tấm gương
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa giá trị của danh hiệu “Gương sáng Pháp luật”?
- Việc bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thi hành pháp luật giúp lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang. |
Mặt khác, việc bình chọn, suy tôn các “Gương sáng Pháp luật” còn nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật bằng việc khắc họa phản ánh hình ảnh những cá nhân tiêu biểu, nhân vật điển hình.
Chương trình “Gương sáng Pháp luật” càng thêm phần ý nghĩa, cổ vũ, động viên mọi người chung sức, đồng lòng thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang từng bước phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
- So với các chương trình vinh danh, bình chọn khác, ông nhận thấy “Gương sáng Pháp luật” còn có điểm đặc biệt gì khác?
- Qua theo dõi các bài viết phản ánh về các tấm gương được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo PLVN, tôi thấy những việc làm của cá nhân được đề cử thực sự là những hành động cao đẹp, có giá trị lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, đời sống, xã hội trong xây dựng, thực thi và chấp hành pháp luật.
Giá trị nhân văn của “Gương sáng Pháp luật” còn toát lên ở chỗ mỗi gương sáng là sự kết nối giữa đời thường với một cộng đồng rộng hơn, họ hành động không phải chỉ vì pháp luật đòi hỏi mà còn từ trái tim, họ thấy cần thiết phải làm. Xét cho cùng pháp luật là cuộc sống, pháp luật hiện diện ở những con người cụ thể để làm sao pháp luật thôi thúc mỗi người hành động có ý thức, có trách nhiệm - không chỉ thực hiện những quy định mà pháp luật bắt buộc phải làm; mà việc tuân thủ pháp luật sẽ dần hướng đến điều tốt, điều thiện.
Do đó, tôi cho rằng, việc vinh danh các tấm gương trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật là rất cần thiết, truyền cảm hứng trong các hoạt động xây dựng thực thi pháp luật. Chương trình bình chọn cần được duy trì thường xuyên, vì vừa gắn với phong trào thi đua yêu nước, vừa gắn với tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình, các tấm gương, các cách làm hay trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật, tạo sự lan tỏa cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
- Theo ông, chương trình các năm sau nên tổ chức ra sao để có sức lan tỏa, thu hút hơn nữa?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn làm cho mọi công tác tiến lên nữa, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người”, “Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”....
Từ lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Gương sáng Pháp luật” nên được tổ chức định kỳ khi các tấm gương về xây dựng, tuân thủ, thực thi pháp luật luôn luôn xuất hiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần làm rõ đặc điểm, tiêu chí của “Gương sáng Pháp luật” để mỗi cán bộ, người dân đều có thể phấn đấu trở thành một tấm gương.
Bên cạnh đó, có thể mở rộng đối tượng bình chọn cho cả tập thể, chứ không chỉ bình chọn cho các cá nhân. Đề xuất này xuất phát từ chỗ giữa tập thể và cá nhân có mối quan hệ logic: Tập thể tốt dễ tạo điều kiện cho cá nhân tỏa sáng và ngược lại cá nhân tỏa sáng thì họ phải hoạt động trong khuôn khổ một tập thể và họ có thể truyền cảm hứng lan tỏa, dẫn dắt làm cho tập thể đó tốt hơn nữa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo ông Phạm Huy Giang, trong những năm qua, phong trào thi đua trong cả nước đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức, ngày càng thiết thực, hiệu quả, tạo động lực góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương và đất nước.
Ông Giang cho biết, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là xây dựng Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện để tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, trong sửa đổi luật lần này sẽ bổ sung trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phát động phong trào thi đua, phát hiện, tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Trong tổ chức phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và mang lại lợi ích thực tế cho tập thể, cá nhân tham gia. Các phong trào thi đua phải luôn gắn liền với công tác thông tin, tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, ngành nghề. Gắn công tác tuyên truyền với việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Công tác khen thưởng phải thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu “động viên, giáo dục, nêu gương”. Quan tâm nhiều hơn việc khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác; các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các trường hợp lập được thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc và các hành động dũng cảm, xả thân vì Tổ quốc, vì cộng đồng.