Gương sáng Pháp luật

Chương trình tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”: Cùng hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn

(PLVN) - Thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật, hôm qua (29/10), Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục tổ chức Tọa đàm về Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Hướng đến các “Gương sáng Pháp luật” ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và ở các lĩnh vực công tác khác nhau, 3 khách mời tham dự Tọa đàm (gồm ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Phúc, dân tộc Dao, trú tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; bà Lưu Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), Sở Tư pháp Hải Phòng đã cùng chia sẻ với bạn đọc về góc nhìn của mình đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở cơ sở.

Những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Là người gắn bó lâu năm với công tác Mặt trận, thường xuyên gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và có nhiều kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Nguyễn Túc cho rằng, sau khi có Cương lĩnh của Đảng năm 1991 đến nay, công tác pháp luật của chúng ta có một bước tiến lớn, tức là pháp luật đã được phổ rộng hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là 10 năm gần đây, chúng ta chú ý nhiều đến xây dựng pháp luật về lĩnh vực kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Ông Túc nhớ lại, công tác tuyên truyền trong thời kỳ bao cấp chủ yếu tập trung vào các nghị quyết của Đảng đã dần dần chuyển sang TTPBGDPL, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nổi bật trong thời gian này là việc Mặt trận tham gia để chỉ đạo một số tỉnh, thành các vùng miền như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai... để làm sao thực hiện được chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra vào cuộc sống. Chính điều đó tạo ra được bước khá đột phá về nhận thức của người dân.

Đề cập đến công tác TTPBGDPL, bà Thu Huyền chia sẻ, đến nay bà đã gắn bó với công tác TTPBGDPL gần 20 năm. Đặc thù của TP Hải Phòng là địa phương ven biển, có huyện đảo nên cán bộ tư pháp đã thường xuyên đi tuyên truyền lưu động tại cơ sở cho bà con ngư dân. Qua những chuyến tích cực đi như vậy, đội ngũ cán bộ TTPBGDPL đã đón nhận và cảm nhận được tình cảm của bà con. Chính điều này đã giúp những cán bộ làm công tác TTPBGDPL như bà ngày càng say nghề, yêu nghề và gắn bó hơn với nhiệm vụ của mình.

Gắn bó với vùng cao từ bé, bà Đặng Thị Phúc cho biết, mảnh đất làng Ẻn của bà còn nhiều khó khăn nên bà luôn mơ ước cùng mọi người xây dựng một quê hương giàu đẹp, sung túc. Xuất phát từ mong muốn này, bà đã tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động phát triển sản xuất để người dân được no ấm và hạnh phúc.

Tuy tuổi đã cao nhưng bà luôn hoàn thành tốt nhiệm của một đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có việc tuyên truyền cho nhân dân phát triển sản xuất, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là đảng viên lão thành gắn bó với thôn bản từ nhỏ, bà Phúc không chỉ tuyên truyền những quy định thiết thực cho người dân như quy định về hôn nhân - gia đình, về bình đẳng giới, về an ninh trật tự... mà còn tham gia vận động bà con hiến đất, hiến cây, đóng góp xây dựng đường giao thông... để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhận xét về Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” do Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Túc cho rằng, Chương trình là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, hướng tới mục tiêu sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc tôn vinh các gương sáng ở cơ sở là rất chính xác vì được đội ngũ cán bộ này không chỉ có kiến thức, kinh nghiệm thực tế mà còn cần sự đam mê, nhiệt huyết... giúp cho pháp luật đi vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả.

Đồng quan điểm, bà Thu Huyền cho rằng, mỗi việc làm tốt đều đáng được tôn vinh, nhân rộng. Đặc biệt, việc tôn vinh các gương sáng trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật cần được tiến hành thường xuyên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người làm công tác này. Có thể nói, những người làm công tác tuyên truyền như những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ làm vì lòng nhiệt tình, nhiệt huyết của mình. Vì vậy, tôn vinh những gương sáng này không chi là sự ghi nhận mà còn là sự động viên, khích lệ to lớn với họ, là động lực để nhân rộng nhiều “gương sáng” hơn nữa ở cơ sở.

Đưa pháp luật đến gần với người dân hơn

Chia sẻ về kinh nghiệm ở Hải Phòng, bà Thu Huyền cho biết, mô hình đổi mới, sáng tạo trong công tác TTPBGDPL cần được triển khai nhân rộng hơn nữa bởi lẽ công tác này vốn dĩ có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải luôn có những cách làm hay, những đổi mới, sáng tạo để đạt hiệu quả cao hơn.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Hải Phòng đã tích cực tham mưu cho UBND TP để xây dựng Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật trực thuộc Cổng thông tin điện tử thành phố (sau khi khai trương, Sở Tư pháp đã được UBND tin tưởng giao vận hành).

Tính từ tháng 10/2020, Trang thông tin đã đăng tải hơn 750 tin, bài và được bạn đọc ủng hộ. Với con số này, bà Thu Huyền đánh giá, đây là kênh tuyên truyền pháp luật mới, cần được nhân rộng, phát huy trong thời gian tới, bởi lẽ ứng dụng công nghệ thông tin giúp lan tỏa thông tin rất sâu rộng, thường xuyên, nhanh nhạy và hiệu quả.

TP Hải Phòng là đô thị có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm GDP của Hải Phòng là 12,28%, gấp 8,56 lần trung bình cả nước). Góp phần vào những thành công này, công tác tuyên truyền được xác định là công cụ hiệu quả để thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Vì vậy, cán bộ tuyên truyền đã vào cuộc từ rất sớm tại các điểm nóng về quản lý đất đai, về bồi thường giải phóng mặt bằng... để giúp nhân dân nắm được những quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Chính nhờ công tác tuyên truyền đó, các hoạt động của TP đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Đáng chú ý, trong công tác thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, nhờ công tác tuyên truyền luôn đi trước một bước nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, giúp TP thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Là một cán bộ cơ sở, bà Phúc cũng cho rằng, phải thường xuyên tuyên truyền thì pháp luật mới đi vào cuộc sống. Là một người con của thôn làng, bà Đặng Thị Phúc nguyện sẽ đáp ứng lòng tin của nhân dân, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao. Tham gia Tọa đàm lần này, bà càng thấy thấm thía về công tác TTPBGDPL. Bởi vậy, khi về địa phương, bà sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức, nội dung truyên truyền để tiếp tục vận động người dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chia sẻ với bà Đặng Thị Phúc, ông Nguyễn Túc nhắc lại lời Bác Hồ rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tức là phải làm sao để công tác TTPBGDPL thành công việc của toàn dân, phải qua các tầng lớp nhân dân như cựu chiến binh, phụ nữ, người cao tuổi… chứ không phải công tác của các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí...

Cũng theo ông Túc, trong thực hiện các chính sách hoặc công tác tuyên truyền, vận động, chúng ta cần tôn trọng phong tục, tập quán của các dân tộc anh em thì mới vận động, thuyết phục được bà con. Cán bộ làm công tác TTPBGDPL cần xuống cơ sở với đồng bào, “3 cùng” với bà con để hiểu sâu hơn nữa phong tục, tập quán của mỗi dân tộc thì mới đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm, bà Lưu Thị Thu Huyền lý giải, tuyên truyền pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống, hướng về cơ sở để pháp luật thấm sâu, để người dân có thể chuyển từ việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động sang chủ động tìm hiểu pháp luật, chuyển hóa thành hành động của người dân. Công tác phổ biến pháp luật cũng gần như là công tác dân vận khéo, phải đi sâu, đi sát vào quần chúng. Vì vậy, trong quá trình làm công tác tuyên truyền, cán bộ làm công tác này cần hòa nhập với nhân dân, hiểu được phong tục tập quán vùng miền. Báo cáo viên cần nắm chắc từng đặc điểm của đối tượng tuyên truyền ấy để bài nói được thuyết phục, truyền cảm hứng.

Theo bà Huyền, phổ biến pháp luật chính đưa pháp luật đến gần với người dân hơn, để đề cao vai trò quan trọng của pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay khi tìm đường cứu nước đã đề cao vai trò của pháp luật qua 2 câu thơ: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Vai trò của pháp luật ngày càng sắc bén, trở thành công cụ quản lý xã hội hữu hiệu thì càng cần coi trọng công tác TTPBGDPL.

Cùng bạn đọc

Bắt đầu triển khai chương trình từ tháng 6/2021, tính đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam đã có hàng trăm bài báo về các “gương sáng” trong xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật và các giá trị nhân văn tốt đẹp cao thượng trong xã hội.

Kể từ số hôm nay, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tạm dừng đăng tải các bài trong khuôn khổ Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” để phục vụ công tác trao giải, vinh danh.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin kịp thời về kết quả bình chọn và buổi lễ tôn vinh các “Gương sáng Pháp luật” trong dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam tới đây.

Đọc thêm