Trường chuyên, lớp chọn - “Cuộc đua” mãi không ngừng

(PLVN) - Từ lâu, trường chuyên, lớp chọn luôn là bến bờ ước mơ của nhiều bậc phụ huynh. Thế nên, mỗi mùa tuyển sinh, hàng ngàn thí sinh đổ về trong cuộc đua khốc liệt này.
Ảnh minh họa

Không phải là “ sân chơi” cho tất cả

Sớm được học tập trong môi trường giáo dục tốt, Quốc Huy (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM) chia sẻ: “Từ cấp 2, mình đã học chung với những bạn mà ai ai cũng giỏi từ học, chơi thể thao, tới tham gia ngoại khóa. Nếu không cố gắng như mọi người thì mình sẽ khá thụt lại phía sau, không hòa nhập được với mấy bạn khác”…

Quang Khoa (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM) cho rằng, môi trường học tập có thể có tác động nhưng không phải là nguyên nhân chủ chốt để tạo nên một học sinh ưu tú. Bởi suy cho cùng đích đến của học tập là tích luỹ kiến thức cho bản thân và điểm số cũng chỉ là thang đo.

Chị Ngọc Tuyền (Hà Nội) từng học trường chuyên nổi tiếng ở Hà Nội, chia sẻ: “Ngày còn học cấp 3, tôi cũng từng bất mãn với tất cả mọi thứ. Với gia đình, bố mẹ và với trường lớp. Thực sự rất nhiều lần cũng muốn được giải thoát. Tôi chẳng còn vấn vương điều gì nữa. Bạn nào học cấp 3 trường chuyên sẽ hiểu áp lực này. Khi vừa học được một năm thì thấy cảnh nửa lớp đi du học. Xung quanh toàn người học giỏi, bản thân cũng sẽ nặng lòng theo. Cộng thêm việc khó nói chuyện với gia đình nữa. Đó là cảm giác không đủ can đảm để chết chứ không còn thiết sống một chút nào. Cũng may tôi đã vượt qua được khoảng thời gian đó. Nên bây giờ tôi thực sự đồng cảm với những ai đang gặp áp lực tâm lý thời đi học”...

Dưới góc độ tâm lý, Minh Thư (nghiên cứu sinh ngành Tâm lý Trường ĐH Fulbright và Miami) đánh giá: “Chấn thương tâm lý không tự mất đi, nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ai cũng nghĩ là con trẻ bây giờ thật sung sướng, cái ăn cái mặc đều đầy đủ. Nhưng trong thế giới của con trẻ, đó là những buổi sáng nhịn ăn để đến trường kịp giờ, học thì học mười mấy môn học, là những đêm gần như thức trắng trước giờ kiểm tra.”, Minh Thư bày tỏ trên mạng xã hội về vấn đề áp lực học tập.

Khi con trai học lớp 11, MC Bạch Dương từng đề cập tới câu chuyện cho con nghỉ học trường chuyên vì áp lực học hành và những định hướng không phù hợp với con. Khi xin cho con ra khỏi trường chuyên cấp 3, sau một học kỳ, ai cũng bất ngờ. Mọi người đều nói: “Thi vào đó khó thế, ai lại xin ra nhưng nhà mình nghĩ khác”, cô nói.

Con trai MC Bạch Dương có học lực tốt từ năm cấp 2, chăm học và khi đã đặt mục tiêu, cậu tuân thủ, quyết tâm. Sở dĩ gia đình ủng hộ con thi vào trường chuyên bởi những ưu điểm như môi trường học tập tích cực, nằm trong hệ thống trường công tốt, năng động và môn chuyên cũng là môn sở trường của con. Song, chỉ sau vài tháng, MC Thuỳ Dương nhận thấy thời gian và áp lực đè nặng lên vai con ngày càng lớn. “Cháu học ngày học đêm vì bài vở quá nhiều, kiến thức nâng cao rất nhiều. Một số môn thầy cô chỉ đi lướt kiến thức cơ bản như học sinh biết hết rồi, còn lại là nâng cao. Cháu bắt đầu có lo lắng học tập thái quá, lúc nào cũng chỉ lo không đủ bài, học đến đêm muộn”.

Không chỉ thay đổi giờ giấc sinh hoạt, con trai MC Bạch Dương không còn theo đuổi đam mê và sở thích cá nhân như đọc sách, chơi bóng rổ, chơi đàn hay đi bơi. Mục đích ban đầu khi con vào trường chuyên là được rèn luyện môi trường tốt nhưng trước những áp lực mà con phải đối mặt hàng ngày, gia đình quyết định chuyển trường cho con.

Hai mẹ con tự làm bảng phân tích về lợi, hại của việc đi hay ở. Bố mẹ và con đều hiểu rằng môi trường học tập ở trường chuyên năng động và tích cực, các bạn ngoan, học giỏi... và rất nhiều ưu điểm khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là định hướng các môn học lại không phù hợp với con. “Nếu không phù hợp thì nên thay đổi càng sớm càng tốt”, MC Bạch Dương nói.

Mỗi đứa trẻ có khả năng chịu được mức độ áp lực khác nhau, có những đứa trẻ chịu được hay thậm chí thích áp lực và ngược lại. Theo cô, quan trọng là cha mẹ và các con hiểu phương pháp học tập nào phù hợp với mình. Cô dẫn chứng việc con trai thứ hai có xu hướng thích vận động, vui chơi, có khả năng quan sát và ngoại ngữ tốt, vì thế cô để con được tự do, thoải mái học tập và vui chơi theo sở thích. Cô không phủ nhận áp lực đi đôi với thành công, cô cho rằng học trường chuyên không có gì xấu, miễn là đúng sở trường, năng lực và tính cách của con.

Theo MC Bạc Dương, quyết định cho con nghỉ học trường chuyên rất khó khăn nhưng cả gia đình không bao giờ hối hận. Con trai từng tâm sự với cô rằng: “Con thấy mình may mắn vì có bố mẹ, nhiều bạn cũng áp lực nhưng vẫn phải cố vì bố mẹ bảo nhất định không được bỏ trường này. Nhìn các bạn ngồi ù lì rất tội”.

Cuộc đua của những siêu nhân

Còn nhớ trong mùa tuyển sinh năm 2020, để đủ điều kiện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), học sinh phải đạt kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm là 10 điểm ở hầu hết các môn. Trước yêu cầu này, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, một cựu học sinh Trường Ams khóa 1992-1995 đã cho rằng, cần xóa bỏ mô hình Trường Ams, đưa về thành trường công bình thường hoặc bán đấu giá cho tư nhân để biến Ams thành trường tư.

Nhiều phụ huynh ngày nay đã không quá đặt mục tiêu cho con sống chết vào trường chuyên, lớp chọn. (Ảnh minh họa)

Để có được một suất vào lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội, thí sinh không chỉ đối mặt với “tỷ lệ chọi” cao mà “chất lượng chọi” cũng rất cao. Sở GD-ĐT Hà Nội có 4 trường có lớp chuyên là THPT chuyên: Ams, Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Sơn Tây. Trong đó, Trường THPT Chu Văn An được tuyển sinh toàn quốc, hàng năm tỷ lệ chọi luôn cao ngất ngưởng.

Ngoài lựa chọn các trường chuyên của Sở, học sinh Hà Nội còn có cơ hội học các trường THPT chuyên của các trường đại học, gồm: THPT chuyên Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội); THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Mức độ cạnh tranh vào các trường chuyên này đều… “khủng”. Trường THPT chuyên Sư phạm lớp tiếng Anh có năm có tỷ lệ chọi: 1/29, tức 1 học sinh phải cạnh tranh với gần 30 bạn khác để giành 1 suất vào trường. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên… tỷ lệ chọi các năm đều khoảng 1/10.

Ở các tỉnh thành khác, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định; Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa (TP HCM) cũng đều là những cuộc đua khốc liệt.

Để vượt qua được kỳ thi khốc liệt này, rất hiếm học sinh có đủ tự tin nếu chưa từng qua các lò luyện thi chuyên mà các em học từ đầu cấp. Để tham gia các lớp học luyện thi này, phụ huynh phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc rất nhiều. Nhiều phụ huynh cho biết, để đỗ vào trường chuyên THPT, các em phải xác định học thêm và luyện thi cả 4 năm THCS, dồn lực trong năm lớp 9, các em có thể đi luyện thi, học ở trường từ sáng tới khuya. Còn để đỗ lớp 6 chuyên thì học sinh phải chăm chỉ luyện thi ít nhất từ lớp 2 với chi phí lên tới hàng trăm triệu mỗi năm…

Nhà văn James Atlas gọi những người đạt thành tích xuất sắc là “siêu nhân”. Ngoài học giỏi ra, cần phải biết chơi nhạc cụ, thành thạo ngoại ngữ, tham gia các chương trình tình nguyện ở nơi xa xôi hẻo lánh, kì nghỉ hè quân đội, một vài sở thích nữa,... Nhưng phía sau vẻ ngoài tự tin, đúng mực theo kiểu “con nhà người ta” ấy, bạn sẽ thường xuyên thấy sự u uất, sợ hãi, lo âu, chán chường cùng cảm giác trống rỗng, vô nghĩa và cô độc.

Có thể nói, học trường chuyên, sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc với những bạn thật sự xuất sắc và chịu được áp lực cao. Nhưng con số đó không đại diện cho tất cả. Một nghiên cứu liên ngành đã chỉ ra rằng có tới hơn 22% học sinh bị rối loạn lo âu và hơn 41% chạm tới ngưỡng trầm cảm. Tất cả chúng ta đều biết học sinh cấp hai thì áp lực học thật giỏi để học trường chuyên cấp ba. Và ở các trường chuyên cấp ba thì tất cả đều cố gắng để trở thành con ngoan trò giỏi về mọi mặt. Cuối cùng, trên tất cả, phần thưởng cao nhất được vẽ ra trong thời niên thiếu: đỗ vào trường đại học mơ ước.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi đó, mục tiêu của cuộc sống trở thành việc tích lũy những điểm số. Học không phải là để hiểu thêm về thế giới, chơi thể thao là cuộc đua về thể chất chứ không phải để rèn luyện sức khỏe và tinh thần thể thao, chơi nhạc cụ, tham gia câu lạc bộ kịch là để trông có vẻ tao nhã hơn người chứ không phải vì yêu thích âm nhạc hay diễn xuất sân khấu… là thực tế với không ít hình ảnh “con nhà người ta” nhiều năm qua.

Không vì tấm huân chương, mà vì con người có nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ…

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 77 trường THPT chuyên.Bộ trưởng Bộ GD -ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Bên cạnh đó, không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ. Đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

Đọc thêm