Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột: “Theo sát đối tượng tuyển sinh, kiên trì mục tiêu đào tạo”

Là đơn vị đào tạo trung cấp luật đầu tiên của Bộ Tư pháp được thành lập ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đang dần từng bước để thực hiện tốt nhiệm vụ và đáp ứng kỳ vọng của Bộ, ngành, địa phương trong việc đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp luật cho khu vực. Trao đổi với PLVN, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - TS.Hoàng Ngọc Thỉnh - cho rằng, “theo sát đối tượng tuyển sinh kiên trì mục tiêu đào tạo” là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Là đơn vị đào tạo trung cấp luật đầu tiên của Bộ Tư pháp được thành lập ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đang dần từng bước để thực hiện tốt nhiệm vụ và đáp ứng kỳ vọng của Bộ, ngành, địa phương trong việc đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp luật cho khu vực. Trao đổi với PLVN, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - TS.Hoàng Ngọc Thỉnh - cho rằng, “theo sát đối tượng tuyển sinh kiên trì mục tiêu đào tạo” là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Hiệu trưởng Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)  Hoàng Ngọc Thỉnh
Hiệu trưởng Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Hoàng Ngọc Thỉnh
“Nơi nào cần, chúng tôi tới; nơi nào khó, có chúng tôi”
Trong năm 2012, Trường sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Bộ, ngành, thưa ông? 
- Trường Trung cấp Luật ra đời là để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đề ra. Trường đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, là một trong các địa bàn còn nhiều khó khăn mà Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư và có nhiều giải pháp đột phá, do vậy cán bộ, giáo viên, viên chức của Nhà trường luôn luôn nhận thức trước trọng trách của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp giao cho. Trường là nơi đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí về pháp luật cho cả 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Nơi nào cần, chúng tôi tới; nơi nào khó, có chúng tôi.
Trên cơ sở đó, năm 2012 Nhà trường sẽ tập trung vào việc tiếp tục tuyển sinh đào tạo các khóa mới tại Trường; liên kết với Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp mở các lớp cử nhân luật, các lớp đào tạo các chức danh tư pháp; hoàn thiện hệ thống giáo trình các môn học cơ bản và tập bài giảng các môn nghiệp vụ để phát hành rộng rãi cho học viên các trường trung cấp luật thuộc Bộ: tăng cường công tác quản lý học sinh về mọi mặt để có được môi trường sư phạm thân thiện và học sinh tích cực; tiếp tục tuyển dụng và đưa đi đào tạo giảng viên luật có trình độ cao để đáp ứng nhiệm vụ trước mắt cũng như nhiệm vụ lâu dài; chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, viên chức và có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về trường, nhất là đội ngũ giáo viên. Tới đây, Trường sẽ khởi công xây dựng một số hạng mục như giảng đường, ký túc xá tại địa điểm mới để sớm đưa vào sử dụng. Đây sẽ là điều kiện tốt để trường ổn định, tiếp tục phát triển sự nghiệp giảng dạy và học tập.
Xây dựng Trung tâm đào tạo Luật học hiện đại, thân thiện
Bộ Tư pháp đang phát động cuộc thi đua “Về đích sớm”. Vậy Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột xác định “đích” của mình là gì khi thực hiện khối lượng đồ sộ những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012?
- Mặc dù công việc trọng tâm rất nhiều nhưng ý thức được ý nghĩa của phong trào thi đua mà Bộ phát động, Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đã xác định: việc bổ sung thêm nguồn nhân lực là giảng viên là nhiệm vụ cấp bách đối với nhà trường bởi chất lượng giảng dạy phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giảng viên. Chúng tôi tin rằng, đạt được “đích” này không chỉ xây dựng được hệ thống “máy cái” quan trọng hàng đầu cho Nhà trường trong cả những năm trước mắt cũng như lâu dài, mà còn tạo ra lực lượng quyết định đối với thương hiệu của Trường trong nền giáo dục nói chung và đào tạo luật nói riêng.
Bên cạnh đó, có điều kiện cơ sở vật chất tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tinh thần ổn định cho giáo viên và học viên. Năm 2012, một “đích” mà Trường phấn đấu để “về đích sớm” là xây dựng cho được một số hạng mục công trình xây dựng trụ sở mới của Trường tại phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, góp phần “hiện thực hoá” giữa cao nguyên Đắk Lắk một trung tâm đào tạo về luật học hiện đại, thân thiện của Bộ Tư pháp, để đón được nhiều con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và học viên ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ về học.
Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ được giao và sôi nổi thi đua, toàn trường cũng đang nỗ lực chuấn bị các điều kiện cần thiết để Trường sẽ được nâng cấp thành trường cao đẳng như trong Qui hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2012. Đó là cái “đích” mà trường nhắm tới trong thời gian không xa.
Và Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đã có giải pháp gì để về đích trước thời hạn, cũng như nâng cao những sản phẩm đào tạo?
- Cán bộ, giáo viên của Trường luôn nhận thức rõ rằng, trong hệ thống hành chính của ta thì chính quyền cấp xã, phường là cấp cơ sở. Mà ở cơ sở là địa bàn của dân cư sinh sống, có nhiều diễn biến đa dạng, phức tạp. Chính quyền cơ sở là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, là nơi chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Do đó, đội ngũ cán bộ cơ sở phải có năng lực, phẩm chất và bản lĩnh. Đây là đối tượng tuyển sinh đào tạo chủ yếu của Trường chúng tôi, một thị trường lao động đầy tiềm năng mà Trường có trách nhiệm phải đào tạo. Do đó, chúng tôi luôn tâm niệm, để có chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu, phải “theo sát đối tượng tuyển sinh kiên trì mục tiêu đào tạo”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác. Cán bộ là gốc của mọi công việc, có cán bộ tốt thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc”. Vì vậy, không bám sát đối tượng cần đào tạo là chệch hướng.
Một nguyên nhân khiến công tác đào tạo ở nước ta hiện nay đang hạn chế là tình trạng đào tạo nặng về lý thuyết, yếu về thực hành. Là thế hệ “đi sau”, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đã rút được kinh nghiệm nên rất coi trọng phương pháp giảng dạy tích cực “Lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính chủ động của người học trong việc tìm đến với tri thức, người thầy có vai trò hướng dẫn, định hướng, không làm thay học trò trong qui trình đào tạo, đặc biệt khi  giảng dạy kĩ năng nghiệp vụ, người thầy vừa là người cầm tay chỉ việc, vừa là người làm mẫu để học viên thực hành trên giảng đường cũng như đi thực tập tại cơ sở.
Từ phía lãnh đạo nhà trường cũng cần phải tham gia tích cực vào qui trình này phải không, thưa ông?
- Đúng vậy, lãnh đạo không có nghĩa chỉ ở trên cao, làm công tác quản lý theo chính sách, pháp luật, đề ra chương trình, kế hoạch rồi đợi báo cáo kết quả. Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột luôn ý thức được rằng, thường xuyên phải biết lắng nghe phản hồi từ các cơ quan tư pháp địa phương từ tỉnh đến xã – nơi “thụ hưởng” những sản phẩm đào tạo của Nhà trường - ngay từ khi học viên về thực tập cũng như sau khi tốt nghiệp. Từ đó có sự điều chỉnh, đổi mới chương trình cho phù hợp với thực tiễn tư pháp; đồng thời tạo điều kiện cho thầy, cô giáo tham gia vào các hoạt động thực tiễn để sớm có đội ngũ giảng viên không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn thông thạo về kĩ năng nghiệp vụ và có kinh nghiệm giải quyết các yêu cầu của Tư pháp đất nước.
Không chỉ có vậy, lãnh đạo nhà trường cũng phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, cán bộ, học viên trong trường để có những giải pháp, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho việc dạy và học thuận lợi, đạt chất lượng cao trong không khí thân ái, đoàn kết, nỗ lực cùng phấn đấu xây dựng trường trở thành một điểm sáng trong công tác đào tạo của ngành Tư pháp nói riêng và của cả nước nói chung.
Trân trọng cảm ông đã chia sẻ những kế hoạch của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch của Bộ, ngành và nhà trường. Chúc trường sẽ hoàn thành quyết tâm “Về đích sớm” trong năm 2012!
Hương Giang (thực hiện)

Đọc thêm