Trường xiếc Việt Nam: Nội bộ "lình xình", học sinh hứng chịu?

Theo điều tra riêng của phóng viên PLVN thì những “lình xình” tại trường xiếc Việt Nam kéo dài hơn 1 năm qua xuất phát từ những bất đồng trong nội bộ nhà trường. Từ những bất đồng nhỏ, một số cá nhân đã có những hành động mang tính chất phá rối hoạt động của nhà trường và hệ quả của những sai phạm này đang đổ lên đầu các học sinh.

Những thông tin nhiễu loạn cộng với đơn thư tố cáo sai sự thực đang khiến Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam (Trường Xiếc Việt Nam) rơi vào thảm cảnh học sinh bỏ học hàng loạt, cán bộ công nhân viên hoang mang, bất an. Mới đây, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu trường xiếc Việt Nam sớm xử lý nghiêm minh các trường hợp tố cáo vi phạm các quy định của pháp luật.

Những “lình xình” ở trường xiếc Việt Nam đã kéo dài hơn 1 năm nay, khởi đầu từ việc 25 học sinh khóa 26 không được cấp bằng tốt nghiệp do chưa có bằng THPT.

Tiếp theo đó là các thông tin nhà trường có tiêu cực, học sinh bị ăn chặn quần áo, giày dép…

Sự việc “nóng” đến mức Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã yêu cầu nhà trường giải trình và lập đoàn thanh tra để kiểm tra, xác minh.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy, hầu hết các nội dung tố cáo là không đúng sự thực.

“Chưa phát hiện thấy dấu hiệu tham nhũng, quy chế tổ chức hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ và các quy định khác về công tác quản lý, đào tạo được ban hành đầy đủ, hệ thống sổ sách kế toán được lập chi tiết, rõ ràng, các khoản thu- chi đối với hoạt động của Nhà hát thể nghiệm có đủ chứng từ” (trích công văn số 1539, ngày 21/5/2012 do Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL Vũ Xuân Thành ký).

Học sinh khổ luyện tại trường xiếc Việt Nam, ảnh TL
Học sinh khổ luyện tại trường xiếc Việt Nam. Ảnh: TL

Trao đổi với PLVN Online, TS Hoàng Minh Khánh, hiệu trưởng trường xiếc Việt Nam cho biết, kết luận thanh tra đã phần nào trả lại sự “trong sạch” cho nhà trường nhưng còn nhiều hệ lụy khác vẫn còn đang cần được giải quyết.

Trong đó, đau lòng nhất là việc hàng loạt thí sinh đã đỗ vào trường năm học 2012 nhưng sau đó đã tự bỏ học vì những thông tin thất thiệt như học xong không được cấp bằng.

Tiếp đó là việc phòng Đào tạo và quản lý học sinh làm sai lệch 52 con điểm của học sinh năm học 2010-2011. Trong số 52 con điểm sai này có những trường hợp học sinh không thi học kỳ I năm học 2010-2011 nhưng trong bảng điểm vẫn có điểm để tính điểm tổng kết và xếp loại năm học. Còn việc “nâng” điểm từ 0,5 tới một vài điểm là rất…phổ biến.

52 con điểm sai nêu trên được xác định là do phòng Đào tạo và quản lý học sinh lập. Ngày 16/3/2012 lãnh đạo nhà trường đã có quyết định số 31 hủy 52 con điểm bị làm sai lệch này, đồng thời hủy kết quả phân loại học tập chung của học sinh toàn trường năm học 2010-2011.

“52 con điểm bị làm sai lệch là nỗi đau của chúng tôi, là bài học về công tác quản lý nhân sự của nhà trường. Chúng tôi sẽ sớm xử lý kỷ luật những cá nhân liên quan đến các con điểm sai”, TS Hoàng Minh Khánh khẳng định.

Liên quan đến sự việc này, tại văn bản số 1539, Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu trường xiếc Việt Nam khẩn trương thay đổi, chấn chỉnh công tác quản lý, đảm bảo thực hiện đúng Quy chế tổ chức hoạt động, chi tiêu nội bộ và các quy định khác về công tác quản lý, đào tạo.

Văn bản này còn nêu rõ để chấm dứt tình trạng tố cáo tập thể, vi phạm các quy định của pháp luật về tố cáo, trường xiếc Việt Nam phải nghiêm túc kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

 Theo điều tra riêng của phóng viên PLVN thì những “lình xình” tại trường xiếc Việt Nam kéo dài hơn 1 năm qua xuất phát từ những bất đồng trong nội bộ nhà trường. Từ những bất đồng nhỏ, một số cá nhân đã có những hành động mang tính chất phá rối hoạt động của nhà trường và hệ quả của những sai phạm này đang đổ lên đầu các học sinh.

Mới đây, ngày 7/10/2012 một số đạo cụ của nhà trường dành cho học sinh tập luyện và biểu diễn đã bị phá hỏng. Anh Nguyễn Văn Cương, nhân viên kỹ thuật cho biết khi khảo sát đường dây đã phát hiện mô tơ tời bị phá hỏng, đầu treo móc đạo cụ bị tháo ra và kéo lên cao, dây cáp bị cuốn ra ngoài quả lô, nhiều đoạn cáp bị nổ không sử dụng được.

“ Tôi khẳng định việc tháo đầu treo móc đạo cụ ra khỏi chỗ treo là cố ý và bấm trượt quả lô rất nhiều vòng để gây kẹt tời. Nếu học sinh và giáo viên không biết mà cố tình sử dụng sẽ đứt cáp, chập cháy nguy hại đến tính mạng” anh Cương cho biết.
 
Thiết nghĩ việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội cần thiết phải được tiến hành sớm vì quyền lợi của học sinh cũng như cán bộ công nhân viên trường xiếc Việt Nam.

Nhóm PVĐT

 

Đọc thêm