Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thi hành Luật PCTN 2005 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang tiếp tục xảy ra như tình trạng đưa, nhận hối lộ để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh; sự thiếu minh bạch trong tổ chức và hoạt động; chưa rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức xã hội…
Nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, việc thực hiện các biện pháp PCTN trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là đòi hỏi tất yếu đang đặt ra. Một số đại biểu cũng đề xuất, dự thảo Luật cần có quy định giao Chính phủ trong thời hạn từ 3 đến 5 năm phải xây dựng và từng bước triển khai cho được Đề án cấp quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi thiết chế, mọi doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và cá nhân hoạt động, sinh sống tại Việt Nam.
Theo dự thảo Luật, đối với người có hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCTN...