"Truy" đồng phạm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại VPBank Bắc Giang

Cho rằng Thân Văn Hưng không thể “một mình phạm tội”, gia đình của Thân Văn Hưng liên tiếp làm đơn kiến nghị, tố cáo cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ ngân hàng và những người có liên quan.Thực tế, hồ sơ vụ việc cũng cho thấy nhiều điểm bất thường trong quy trình 2 ngân hàng VPBank Bắc Giang và VDB Bắc Ninh – Bắc Giang cho công ty Hưng Sơn vay hơn 6,5 tỷ đồng để kinh doanh nước mắm.

[links()]Cơ quan điều tra xác định thời điểm 24/11/2010 công ty Hưng Sơn đã mất cân đối về tài chính. Thế nhưng Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), chi nhánh Bắc Ninh – Bắc Giang vẫn phát hành chứng thư bảo lãnh cho công ty Hưng Sơn vay 6,5 tỷ đồng để mua…nước mắm. Khoản tiền vay này thậm chí còn cao hơn cả vốn điều lệ của công ty Hưng Sơn.

Ngân hàng: Nạn nhân hay đồng phạm?

Như PLVN đã thông tin, ngày 19/12/2011. Cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng- chi nhánh Bắc Giang (VPBank Bắc Giang) đồng thời ra quyết định khởi tố bị can Thân Văn Hưng, giám đốc công ty CP Hưng Sơn.

Cho rằng Thân Văn Hưng không thể “một mình phạm tội”, gia đình của Thân Văn Hưng liên tiếp làm đơn kiến nghị, tố cáo cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ ngân hàng và những người có liên quan.

Thực tế, hồ sơ vụ việc cũng cho thấy nhiều điểm bất thường trong quy trình 2 ngân hàng VPBank Bắc Giang và VDB Bắc Ninh – Bắc Giang cho công ty Hưng Sơn vay hơn 6,5 tỷ đồng để kinh doanh nước mắm.

Tại biên bản xác minh của cơ quan điều tra với VPBank Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó giám đốc và ông Đỗ Quang Hòa, trưởng phòng tín dụng đã trình bày rõ việc VPBank Bắc Giang cho công ty Hưng Sơn vay vốn được xem xét trên chứng thư bảo đảm của  VDB Bắc Ninh – Bắc Giang, phương án sản xuất kinh doanh của công ty Hưng Sơn đã được VDB Bắc Ninh – Bắc Giang kiểm tra và đóng dấu.

Trao đổi với phóng viên PLVN Online, Ông Hoàng Xuân Thái, Giám đốc VPBank Bắc Giang cũng khẳng định : Chúng tôi cho công ty Hưng Sơn vay vốn vì có thư bảo lãnh của VDB Bắc Ninh – Bắc Giang. Hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng được ký giữa VPBank Bắc Giang và công ty Hưng Sơn phù hợp với các nội dung trong thông báo chấp thuận bảo lãnh của VDB Bắc Ninh – Bắc Giang. VDB Bắc Ninh – Bắc Giang đã phát hành chứng thư bảo lãnh số 10/2010/NHPT.227 gửi VPBank Bắc Giang với nội dung chấp thuận bảo lãnh cho công ty Hưng Sơn vay vốn.

Trụ sở công ty Hưng Sơn sau khi Thân Văn Hưng bị bắt tạm giam
Trụ sở công ty Hưng Sơn sau khi Thân Văn Hưng bị bắt tạm giam

Số vốn công ty Hưng Sơn được vay cao hơn cả số vốn điều lệ của công ty này đã là một điều không bình thường. Kỳ lạ hơn, mặc dù khăng khăng khẳng định đã thẩm tra, đánh giá đúng quy định nhưng cả 2 ngân hàng đều không phát hiện ra ở thời điểm làm hồ sơ vay vốn, công ty Hưng Sơn đã mất cân đối về tài chính và đang có dấu hiệu sai phạm với hàng chục tỷ đồng bị thất thoát.

Sau này, chính VDB Bắc Ninh – Bắc Giang đã “thừa nhận” trong thông báo số 189 ngày 8/3/2011 ( khi công ty Hưng Sơn đã dừng hoạt động vì mất cân đối về tài chính) rằng: khi kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và mục đích sử dụng vốn vay VDB Bắc Ninh – Bắc Giang phát hiện hàng hóa hình thành từ vốn vay VPBank không phù hợp với cơ cấu hàng hóa trong phương án sản xuất kinh doanh mà VDB Bắc Ninh – Bắc Giang bảo lãnh. Do đó, phương án vay vốn mà VPBank giải ngân không thuộc phạm vi bảo lãnh của chứng thư bảo lãnh mà VDB Bắc Ninh – Bắc Giang đã phát hành.

Một ngân hàng bảo lãnh cho một công ty đang bên bờ vực phá sản vay tiền tỷ, ngân hàng khác giải ngân mà không hề hay biết hàng hóa hình thành sau vốn vay không đúng với cơ cấu hàng hóa trong phương án sản xuất kinh doanh được bảo lãnh. Ngân hàng Nhà nước có “giật mình” trước hoạt động lỏng lẻo tới kỳ lạ của các ngân hàng này hay không, nhất là khi ông Thân Văn Hánh, bố đẻ bị can Thân Văn Hưng liên tiếp có đơn khiếu nại cho rằng có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng và các thành viên HĐQT công ty Hưng Sơn rồi đổ tội hết cho người đại diện theo pháp luật là Thân Văn Hưng.

Trao đổi với PLVN Online, Đại tá Thái  Xuân Dũng – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra , trưởng phòng PC 46 CA Bắc Giang cho biết hai ngân hàng đã thiếu trách nhiệm trong hoạt động cho vay vốn, nhất là VDB Bắc Ninh – Bắc Giang trong việc phát hành chứng thư bảo lãnh.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, cơ quan điều tra đang xem xét và sẽ làm rõ việc có yếu tố đồng phạm của hai ngân hàng trong vụ việc này hay không.

"Quýt" cùng làm sao mình “Cam” phải chịu?

“Tá hỏa” vì VDB Bắc Ninh – Bắc Giang hủy chứng thư bảo lãnh còn công ty Hưng Sơn không còn khả năng trả nợ ngân hàng, ngày 25/4/2011 VPBank đã đề nghị cơ quan công an khởi tố, truy cứu trách nhiệm của ông Thân Văn Hưng và ông Nguyễn Trường Sơn.

Trong tất cả các văn bản gửi tới các cơ quan chức năng từ trước cho tới nay, VPBank đều đồng nhất quan điểm VPBank biết được Thân Văn Hưng và Nguyễn Trường Sơn chiếm giữ số tiền thu được từ việc bán hàng nhưng không trả nợ cho ngân hàng.

Hồ sơ cũng thể hiện rõ, với 27,5% vốn góp trong công ty Hưng Sơn, Thân Văn Hưng là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ông Nguyễn Trường Sơn có tỷ lệ góp vốn 27,5% là Chủ tịch HĐQT. Công ty này còn có 2 cổ đông sáng lập khác là Nguyễn Thị Hà 27.5% và Nguyễn Mạnh Hùng chỉ 5%.

Là công ty cổ phần, mọi hoạt động của công ty Hưng Sơn đều được thông qua HĐQT và phải có sự nhất trí của các thành viên HĐQT mới được triển khai.

Ngày 25/11/2010, tại Văn phòng Công ty Hưng Sơn, Nguyễn Trường Sơn, Thân Văn Hưng, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc họp hội đồng quản trị về việc vay vốn ngân hàng.

Các thành viên trong HĐQT đã thống nhất: đồng ý vay VP Bank Bắc Giang 6,5 tỷ đồng để phục vụ mục đích bổ sung vốn của công ty theo phương án kinh doanh. Ủy quyền toàn bộ cho Thân Văn Hưng, Giám đốc công ty ký kết các hợp đồng và giấy tờ khác liên quan đến vấn đề vay vốn tại VP Bank Bắc Giang.Tài sản đảm bảo khoản vay nói trên là Chứng thư bảo lãnh của ngân hàng phát triển Việt Nam, chi nhánh Bắc Ninh – Bắc Giang (VDB Bắc Ninh - Bắc Giang).

Như vậy có thể thấy không phải một mình Thân Văn Hưng vẽ ra được phương án kinh doanh, “qua mặt” cả 2 ngân hàng, đồng thời là người chi tiêu toàn bộ số tiền vốn vay ngân hàng vào mục đích khác mà chỉ là người ký giấy tờ, hồ sơ với đúng vị trí của mình là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Giả sử hồ sơ Thân Văn Hưng ký có gian dối, báo cáo tài chính không đúng tình hình thực tế thì ngoài trách nhiệm của Thân Văn Hưng còn có trách nhiệm thẩm định của cán bộ ngân hàng. Thêm vào đó, các thành viên HĐQT không thể vô can khi đồng ý ( bằng văn bản) việc ủy quyền cho Thân Văn Hưng ký kết các hợp đồng và hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Thế nhưng, chỉ mình Thân Văn Hưng bị khởi tố và bắt tạm giam, ông Nguyễn Trường Sơn- Chủ tịch HĐQT mặc dù VPBank có đề nghị xem xét khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự song cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang vẫn chưa xem xét.

Đáng lưu ý là trước đó, với vai trò là người đại diện theo pháp luật của công ty, chính Thân Văn Hưng đã phát hiện những khoản chi tiêu không hợp lý của ông Nguyễn Trường Sơn- Chủ tịch HĐQT và cổ đông sáng lập Nguyễn Mạnh Hùng. Thân Văn Hưng đã có văn bản số 02/HS -2011 yêu cầu hai ông Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Mạnh giải trình số liệu kế toán và nộp lại các khoản chi sai nguyên tắc này nhưng cả hai ông không thực hiện.

Cho rằng ông Nguyễn Trường Sơn và ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều sai phạm gây thiệt hại cho công ty Hưng Sơn 39 tỷ đồng, dẫn tới việc công ty công có tiền trả ngân hàng, ngày 13/10/2011, Thân Văn Hưng đã gửi đơn tố cáo lên VKSND tỉnh Bắc Giang. Trong Giấy báo tin số 82/VKS – P1 của VKS Bắc Giang có báo rõ, ngày 18/10/2011, cơ quan này đã chuyển đơn của Thân Văn Hưng đến Cơ quan CSĐT CA Tỉnh Bắc Giang để giải quyết.

Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã không trả lời đơn thư tố cáo của Thân Văn Hưng mà ra Quyết định khởi tố vị giám đốc này vào ngày 19/12/2011. Hơn 1 tháng sau khi gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Trường Sơn và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thân Văn Hưng bị bắt tạm giam.

 Tới nay, đã hơn 1 năm trôi qua, cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành điều tra để chứng minh, làm rõ vụ án- nghĩa là chưa thể kết luận tội trạng của Thân Văn Hưng. Mới đây, Viện KSNDTC đã ra Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án lần thứ ba, Quyết định gia hạn tạm giam lần thứ ba đối với bị can Thân Văn Hưng để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ án.

Bức xúc trước việc “Quýt” cùng làm, một mình “Cam” phải chịu, ông Thân Văn Hánh- bố đẻ bị can Thân Văn Hưng cho biết đã “đội đơn” tới nhiều cơ quan chức năng để minh oan cho con, không để lọt người, lọt tội.

Mới đây nhất, ông Thân Văn Hánh nhận được hồi âm từ cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang trong đó cho biết cơ quan này đang tiến hành xác định trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng khẳng định sẽ xem xét những phản ảnh của gia đình ông để giải quyết trong vụ án này.

PLVN Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PVĐT

Đọc thêm