Truy tận gốc nguồn xả rác ra biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay từ tháng 9/2023, khi công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO đã bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm rác thải tại khu di sản và kêu gọi tăng cường biện pháp giải quyết.
Ảnh minh họa (Ảnh: vnbusiness.vn).
Ảnh minh họa (Ảnh: vnbusiness.vn).

Rác ở khu vực vịnh Hạ Long - Lan Hạ xuất hiện trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 5, trùng mùa du lịch khách quốc tế. Nhiều tờ báo đã phản ánh ý kiến của một số du khách trước vấn nạn rác thải xuất hiện tại vịnh Hạ Long - vịnh Lan Hạ - đảo Cát Bà. Theo đó, một số "luồng rác" trôi nổi kéo dài vài trăm mét, khiến một số du khách không dám tham gia trải nghiệm bơi trên vịnh. Một du khách khác cho hay, khi tham gia chèo kayak 20 phút chiều 4/3, bà thấy "vô số chai nhựa, lon, găng tay, thậm chí cả một chiếc ghế văn phòng lềnh bềnh trên mặt nước".

Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết tình trạng rác trôi nổi tập trung ở khu vực hòn Trống Mái, Mê Cung, Sửng Sốt, Hang Luồn. Do thời tiết mù, nồm, không có gió nên rác thải, phao xốp từ các chân núi, kẽ đá, khe bờ trôi ra ngoài.

Tuy nhiên, đại diện Hội Du thuyền Lan Hạ cho hay, du khách không chấp nhận bất kỳ lời xoa dịu nào từ chủ tàu liên quan đến vấn đề rác thải. Dù trải nghiệm dịch vụ tốt đến đâu, khách vẫn có thể chấm 0 điểm hài lòng vì vịnh nhiều rác.

Tại họp báo thường kỳ quý I do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, đại diện Ban Quản lý cho biết, từ đầu năm, các đơn vị đã thu gom được 75 tấn rác và trên 2.000m2 xốp chỉ riêng trên vịnh Hạ Long. Rác trôi nổi rồi vướng vào các đảo đá, rừng ngập mặn khiến việc thu gom gặp rất nhiều khó khăn. Khi thủy triều lên, rác theo dòng nước trôi ra vịnh, nổi khắp nơi và gây ra hình ảnh xấu với du khách trong và ngoài nước.

Có một số nguồn gây ra rác trên vịnh Hạ Long gồm hệ quả của quá trình tháo dỡ lồng bè, tạo ra bè mảng, phao xốp; rác thải sinh hoạt như túi nilon, vỏ đựng thực phẩm, chai nhựa phát tán từ khu bờ ra vịnh; rác từ đại dương và lá, cành cây từ 5.000 rừng đặc dụng trên các đảo đá, bị giông lốc gió giật xuống biển. Bên cạnh đó, nước trong vịnh cũng bị ô nhiễm vì một số khu dân cư cũ ven bờ chưa có hệ thống xử lý, thải thẳng ra biển. Nước thải cũng đến từ một số phương tiện đánh bắt thủy sản lạc hậu, đang hoạt động trên vịnh.

Các địa phương đã và đang triển khai các chiến dịch, đợt ra quân để thu gom, xử lý rác kịp thời. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn. Còn về phần gốc, phải là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; thực hiện thu gom, quản lý rác thải, nước thải sinh hoạt; kiểm soát công tác bảo vệ môi trường của các phương tiện đường thủy; giám sát tình trạng bảo tồn di sản, giám sát môi trường vịnh; đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường với nhiều hình thức; triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải đạt chuẩn. Nói cách khác, phải tìm ra nguồn gốc rác thải để ngăn chặn triệt để và với những cá nhân, tổ chức vi phạm, phải xử lý nghiêm.