Truy trách nhiệm ngân hàng cho giao dịch 14 ngàn tỉ đồng đánh bạc

(PLO) -  Ngày 22/8, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã tổ chức tổng kết công tác phòng chống cá độ bóng đá qua mạng mùa World Cup 2014. Thông tin được dư luận rất quan tâm là công an đã phát hiện hơn 14.000 tỷ đồng đánh bạc thanh toán bằng giao dịch qua hệ thống ngân hàng. 
Hình minh họa (Internet)
Tuy nhiên, số tiền ngăn chặn và thu giữ được là không đáng kể. Câu hỏi đặt ra: Ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào? Tại sao hầu hết ngân hàng đều từ chối hợp tác với cảnh sát khi phát hiện những tài khoản có giao dịch bất thường? 
Trách nhiệm phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ
Bộ Công an cho hay kẽ hở để tội phạm Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc lợi dụng là một lúc mở hàng chục tài khoản khác nhau, ở nhiều ngân hàng, với lượng tiền chuyển vào, rút ra lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng ngân hàng chưa chủ động phối hợp với cảnh sát để xác minh làm rõ. 
Thậm chí cảnh sát nắm được, có những lần chuyển tiền, dân cá độ ghi rõ chuyển vào tài khoản trang cá độ M88, nhưng ngân hàng vẫn chấp nhận, không có ý kiến hay thông tin trao đổi. Dù theo luật, đó là những biểu hiện của giao dịch đáng ngờ mà ngân hàng hàng phải thực hiện báo cáo.
“Giao dịch đáng ngờ” được Khoản 6 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền (LPCRT) định nghĩa như sau: “Là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền”. Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, thì các ngân hàng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 LPCRT.
Cắt nghĩa cụ thể thế nào là các dấu hiệu đáng ngờ? Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng được Khoản 3 Điều 22 LPCRT quy định bao gồm:
“a) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không;
b) Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo;
c) Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường;
d) Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh;
đ) Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn;
e) Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu;
g) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
h) Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn;
i) Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;
k) Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu;
l) Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính hoặc uỷ thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch; 
m) Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch.
Có thể truy cứu trách nhiệm Hình sự?
Trường hợp xác định nhân viên, cán bộ của ngân hàng nào có hành vi che giấu thông tin liên quan đến việc thanh toán tiền cá độ qua hệ thống ngân hàng thì có 2 tội danh có thể bị truy cứu là: “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “tội rửa tiền”. 
Nếu cán bộ, nhân viên ngân hàng được giao nhiệm vụ thực hiện báo cáo các giao dịch đáng ngờ mà không báo cáo và không biết việc chuyển tiền qua tài khoản nhằm mục đích đánh bạc thì cần phải xem xét trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 
Cấu thành cơ bản của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được Khoản 1 Điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định như sau: “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. 
Nếu cán bộ, nhân viên ngân hàng được giao nhiệm vụ thực hiện báo cáo các giao dịch đáng ngờ mà không báo cáo và biết việc chuyển tiền qua tài khoản nhằm mục đích đánh bạc thì cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền. Tội rửa tiền theo quy định tại Khoản 1 Điều 125 BLHS có cấu thành cơ bản như sau: “ Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; 
b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có”.
Trường hợp này, cán bộ, nhân viên ngân hàng đã có dấu hiệu vi phạm về các hành vi sau: Thứ nhất, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi gửi tiền và mở tài khoản, chuyển tiền tại ngân hàng nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản dùng để đánh bạc. Thứ hai, che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó. 
Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong sự việc để hơn 14 ngàn tỷ đồng đánh bạc được thanh toán qua hệ thống ngân hàng thì các nhà làm luật cũng cần xem xét lại bất cập trong văn bản pháp lý hiện hành. Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 đã quy định hệ thống ngân hàng phải có trách nhiệm phát hiện những tài khoản có giao dịch bất thường, phối hợp, cung cấp thông tin chặt chẽ với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, quy định này đang nằm trên giấy, bởi hầu hết các ngân hàng hiện vẫn viện ra Nghị định 70/2000/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng để từ chối hợp tác nếu không có quyết định khởi tố./.

Đọc thêm