Người mẹ nghèo bị HIV gồng mình thoát khỏi “giấc mộng vàng“

(PLO) - Mang trong mình căn bệnh thế kỉ HIV nhưng hàng ngày người đàn bà ấy vẫn đạp xe rong ruổi hàng chục cây số thu mua phế liệu, kiếm tiền nuôi mẹ già và con gái bé bỏng. Đã bao lần nghĩ tới việc từ bỏ cuộc sống đầy bất hạnh nhưng vì tương lai của con, chị lại gồng mình chống chọi với bệnh tật và mưu sinh, dù biết cái chết sẽ tới đón mình bất cứ lúc nào.
Chị An cùng bé Thảo và mẹ chồng.
Chị An cùng bé Thảo và mẹ chồng.
Đau thương từ giấc mộng vàng
Không quá khó để tìm được ngôi nhà của chị Lương Thị An tại xóm 13, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, vì người dân ở đây ai cũng biết và cảm thương cho số phận hiu hắt của 3 mẹ con chị. Nhìn căn nhà nhỏ cũ kĩ, xiêu vẹo, đứa cháu gái thẫn thờ nhặt rau giúp bà nội đã mờ hai mắt chuẩn bị cho bữa cơm tối, mới cảm nhận được hết những nỗi nhọc nhằn đang đổ xuống đôi vai của 3 người bất hạnh này suốt chục năm qua. 
Bà Dương Thị Sử, mẹ chồng chị An, năm nay đã ở tuổi 82. Bà sinh được 5 người con (3 gái, 2 trai) thì ba con gái đã đi lấy chồng xa, con trai cả chết trong một vụ tai nạn lao động. Bà chuyển về ở cùng người con thứ của mình là anh Nguyễn Văn Phong. Năm 2001, anh Phong kết duyên cùng chị An, những tưởng bà Sử sẽ được an hưởng tuổi già cùng đôi vợ chồng trẻ nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không buông tha bà. 
Năm 2008, một lần nữa người tóc bạc lại tiễn kẻ tóc xanh, anh Phong mất vì căn bệnh thế kỉ HIV, để lại mẹ già cùng đứa con thơ cho người vợ trẻ cũng đang mang trong mình mầm bệnh quái ác. “Tội nghiệp con An lắm, số nó khổ nên mới về làm dâu nhà tôi” - bà Sử nghẹn ngào chia sẻ. 
Chị An sinh năm 1981, trong một gia đình nông dân nghèo có 8 anh chị em ở xã An Khánh, huyện Đại Từ. Vì nhà làm ruộng lại đông con nên tuổi thơ của chị vô cùng vất vả, cơ cực. Năm 21 tuổi, chị kết hôn với anh Phong, bao nhiêu ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi đẹp được ấp ủ... 
Năm 2002, anh chị sinh con gái đầu lòng là cháu Nguyễn Thị Thảo, trong gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Khi cháu Thảo lớn lên, nhà có thêm một miệng ăn, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn bội phần. Thương mẹ già, con nhỏ, anh Phong đi làm phu vàng tại Bắc Kạn. Và chuyến đi lần đó đã đẩy gia đình chị sang một ngã rẽ khác. 
“Hồi ấy anh Phong đi được khoảng 3 tháng thì quay trở về nhà, khác với mọi lần, anh ấy không đem về một đồng nào cả mà còn bảo em đưa thêm tiền để đầu tư làm ăn. Tin chồng nên em lấy toàn bộ số tiền tích góp của gia đình đưa cho anh ấy. Anh cầm tiền rồi đi biền biệt, được khoảng nửa năm thì trở về, nhìn gương mặt anh hốc hác, tiều tụy em đã có linh tính chẳng lành. Gặng hỏi anh về số tiền hồi trước thì anh nói là bị người ta lừa mất hết, em vừa buồn vừa tự nhủ của đi thay người nhưng trong lòng lại lo lắng vô cùng” - chị An nghẹn ngào kể.
Sau lần ấy, tính tình anh Phong cũng thay đổi hẳn. Thấy vậy, chị An dò hỏi bạn bè, hàng xóm thì biết chồng mình nghiện ma túy từ lâu, về sau chính anh Phong cũng thú nhận với vợ là do bạn bè lôi kéo, rủ rê nên mắc nghiện từ hồi đi khai thác vàng ở Bắc Kạn. 
Đến năm 2004, khi kết quả xét nghiệm trên huyện gửi về cho biết anh Phong dương tính với HIV, chị An gần như suy sụp hoàn toàn. Dù rằng anh Phong đã quyết tâm tự cai nghiện để cùng vợ nuôi dưỡng bé Thảo và chăm lo cho mẹ già, nhưng bệnh tật đã không buông tha, đầu năm 2008 thì anh Phong mất. 
Ước vọng con trẻ
Sau khi chồng qua đời, chị An gần như mất niềm tin vào cuộc sống, chị lo sợ một ngày nào đó mình cũng sẽ bị tử thần rước đi. Nhưng nhìn ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của bé Thảo và nhờ sự động viên của bà con lối xóm, cán bộ y tế, chị dần lấy lại tinh thần, vượt qua sự mặc cảm để tiếp tục sống và chống chọi với bệnh tật.
“Cứ mỗi tháng một lần, tôi lại lên Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện để nhận thuốc điều trị, tôi chỉ dám uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ vì thuốc rất dễ say, nếu uống vào buổi sáng thì phải nằm luôn cả ngày không làm được gì cả” - chị An chia sẻ. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là trong đợt xét nghiệm năm 2010, bé Thảo đã âm tính với HIV, đó cũng là động lực duy nhất cho chị nghị lực sống hàng ngày. 
Hiện hàng ngày chị An đi thu mua phế liệu trên địa bàn huyện Đại Từ, đó cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. “Em chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao có đủ sức khỏe để nuôi dạy bé Thảo tới lúc trưởng thành và chăm sóc cho mẹ chồng” - chị An bộc bạch. Bé Thảo năm nay học lớp 7. Bé mơ ước luôn được đi học, lớn lên thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho bà và mọi người trong làng… 

Đọc thêm