Truy xuất nguồn gốc - tạo sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là nội dung được đề cập trong hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt” do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức chiều nay (4/11).
Toàn cảnh hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt”, diễn ra chiều nay - 4/11.
Toàn cảnh hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt”, diễn ra chiều nay - 4/11.

“Chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác. Qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì triển khai, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.

Cổng Thông tin này đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc. Hiện, Bộ KH&CN đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định: Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí, nhưng lợi ích thu lại cũng không nhỏ.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể phục vụ cùng lúc nhiều mục đích và có thể đem lại nhiều lợi ích như: Có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm bằng cách giới hạn phạm vi sản phẩm có liên quan.

Người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc.

Người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nêu thực trạng hiện nay người sản xuất còn “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất. Điều này dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung-cầu, người tiêu dùng cũng mất niềm tin vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối của chuỗi nông sản.

Theo bà Thực, minh bạch thông tin là yêu cầu bắt buộc. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần phải chủ động minh bạch thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Bà Thực cho rằng, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn như: cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ chế tài xử lý các sai phạm khi truy xuất nguồn gốc; việc quản lý lưu thông hàng hóa còn chưa nghiêm vẫn còn tình trạng giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản…

Bên cạnh đó, còn tình trạng người dân chưa thật sự hiểu và biết cách bảo vệ sản phẩm của mình, việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ còn chống đối. Hay vấn đề loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, các tiêu chí quy định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng cả trong thị trường nội địa

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, hầu hết các nước đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đói với nông sản nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các loại trái cây; cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc...

Để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, ông Hiếu cho biết, thời gian tới Cục Bảo vệ Thực vật sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên để phục để phục vụ cho việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng.

Cục Bảo vệ Thực vật cũng sẽ làm việc với các nước nhập khẩu để thực hiện báo cáo khắc phục vi phạm, phục hồi mã số bị tạm ngưng do nhận thông báo vi phạm, xác định rõ các yêu cầu để mở rộng vùng trồng, tăng số lượng cơ sở đóng gói.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa 100 triệu dân.

Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản; giúp người nông dân - chủ thể chính của tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao khả năng đưa sản phẩm ra ngoài thị trườngvà đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.