[Truyện ngắn] Duyên hoa

“Thời này còn tỉ mẩn chăm hoa như chăm con mọn, thời gian đâu mà hưởng thụ. Chẳng ai như ông. Hãy theo tôi chơi chim nào, đẳng cấp và sảng khoái”- gã bạn nhà giàu dội cho Lâm một gáo nước lạnh và niềm đam mê hoa lan mấy chục năm. 

Đúng lúc tâm trạng Lâm chán nản, không thể nào chinh phục Thảo Anh, cô gái học năm cuối ngành sân khấu điện ảnh. Lâm hy vọng như đã kỳ vọng vào việc chăm sóc những khóm địa lan khó tính nhất, giá cả cây vàng một nhánh, mà không được. Lan đã cho hoa, hương và sắc nhưng duyên tình với Thảo Anh chẳng bén. Cô đỏng đảnh theo một người trai khác.

Lâm theo Thái chơi chim thật. Thái dẫn Lâm gặp những tay chịu chơi nhất, sắm bằng được chú vành khuyên đực, lông màu rêu, giọng hót cao, trong mà như có lửa. Họ phát giá một trăm hai mươi triệu. Hơi chát, nhưng anh nhắm mắt bán một chiếc xe máy gom cùng tiền tiết kiệm đầu tư cho thú chơi mới. Bạn bè hùa vào, không thì thôi, chơi thì phải sang chảnh. Vả lại tâm trạng buồn khiến người ta chi tiêu không xót của. Anh còn được giới thiệu chú vành khuyên giọng lửa này có khả năng hót liên tục và giữ phong độ đến cuối cùng của hàng chục cuộc thi. Khuyên đực biết sử dụng giọng hót thu hút bạn gái. Chú này còn thuộc diện hào hoa đặc biệt, hấp dẫn lựa trong cả chục nghìn con. Bước vào làng chơi, Lâm được phong ngay đẳng cấp “chiếu trên” vì sở hữu chim quý. Anh ơn bạn đã giúp giải tỏa nỗi buồn chán khi yêu không thành. Lâm học đòi gọi chim là “cậu”. Anh cuốn theo những buổi dãi chim, so lồng đọ giọng với nhiều dân chơi sành sỏi trẻ tuổi, sở hữu những ca sĩ bầu trời vui nhộn đắt đỏ.

Cụ Cân, ông nội Lâm kỳ vọng vào cha của Lâm sẽ tiếp nối gìn giữ tinh hoa. Nhưng ông theo nghiệp nhà binh, bảo vệ vùng hải đảo Tổ quốc. Cả năm ông chỉ có mấy ngày phép, dù muốn cũng lực bất tòng tâm. Việc Lâm sao nhãng chăm vườn lan khiến cả gia đình buồn. Mọi người không tin cô gái Thảo Anh hay Thảo Em gì đó có thể làm một người con dâu tốt và giúp thầy giáo Lâm có cuộc sống hạnh phúc với công việc giảng viên đại học.

Hợp với Lâm là cô gái hàng xóm Minh Thùy. Ông nội và mẹ chấm luôn. Chấm ngay từ khi cô gái là nữ sinh lớp 11. Hai nhà đã nhỏ to câu chuyện bên chén trà. Họ vun vào. Công việc cả hai đàng hoàng thì cưới. Cụ Lý - ông nội Thùy cũng yêu lan nhưng chơi ít do thiếu không gian. Cụ bảo chơi lan để tu tâm dưỡng tính, rèn giũa lòng kiên trì. Nhờ thú chơi cụ đã cai nghiện thành công cho con trai út, giờ anh là giám đốc một doanh nghiệp cỡ trung. Hai gia đình mong bọn trẻ hiểu cho nỗi lòng người lớn.

Nhưng Lâm không thích Thùy bởi cô chín chắn, lành lặn quá. Đây là điểm yếu, bởi anh tiếp xúc với nhiều bạn trẻ sốc nổi, khó tránh khỏi ảnh hưởng một vài phần. Đôi bạn trẻ chơi với nhau. Đôi ba lần Lâm đi uống rượu, bè bạn chuốc say, quay ra quán cà phê gọi điện cho Thùy. Thùy tận tụy đến nghe anh và rượu nói. Cô hiểu anh nhiễm tính hoa lan, vừa trầm vừa như tự kiêu bởi hương sắc. Nhưng anh tốt tính và điều đó thắp lên trong cô niềm hy vọng, âm thầm.

Lâm cho rằng Thùy hoàn toàn có thể làm dâu, làm vợ tốt nhưng không thể làm sang cho chồng. Vài người bạn thân đều được sang nhờ vợ. Lâm yêu cô gái chân dài và nghĩ rằng với vóc dáng người mẫu, mặt mũi sáng và làn da trắng mịn của cô sẽ làm sang cho đời anh, như những giò phong lan, những chậu địa lan đã làm sang cho dòng họ Trần ở làng Hoàng Mai. Nhưng chuyện hai người như phim Hàn. Anh chạy theo cô còn cô chạy theo một hình bóng khác.

Bây giờ Lâm sắp bước sang tuổi ba hai, Thùy đã ra trường bốn năm, vẫn chưa ai lập gia đình. Thùy chờ đợi sự thay đổi.

***

Suốt nhiều chục năm qua, cụ Cân nổi tiếng dốc lòng dốc sức với vườn lan mà bất cứ nghệ nhân chơi hoa nào đến thăm cũng trầm trồ. Cụ được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Trân quý điều đó, nhưng cụ bảo công gìn giữ của cụ có là gì so với những cống hiến của loài hoa cho đời.

Giống địa lan hoàng kim bảo, ô tử thúy hoa xanh, lưỡi vàng cụ giữ được từ đời trước và ao ước phải lưu giữ được bởi đó là tinh hoa của những niềm say mê sâu sắc đất kinh kỳ. Vào độ hoa sung mãn, cả con ngõ nhà cụ nhuộm hương hoa, thơm êm ả không lẫn vào đâu được. Do những đổi thay về gia cảnh nên cụ Cân chuyển về làng Yên Duyên, lập lại vườn lan tại đây, tiếng tăm vẫn chẳng thay đổi.

Từ ngày Lâm còn là cậu học trò nhỏ, nghe ông nội và các bậc cao niên nói chuyện về lan, cậu chàng dỏng tai lên nghe. Cụ Cân chỉ thương con dâu, mẹ thằng Lâm, cái Khánh. Bà đẹp như một nhành phi điệp thân dài, thủy chung, nghĩa tình, chấp nhận sống cảnh chồng xa cô quạnh, lấy công việc làm niềm vui. Người phụ nữ ấy tưởng chỉ quanh năm lo lắng công việc ở cơ quan, sắp xếp thu vén việc gia đình, chăm lo cho mẹ chồng, bố chồng rồi đến các con. Thế mà hiểu hoa, yêu hoa, nói là lời nào cũng đanh gọn, sắc sảo. Hóa ra cụ đàm đạo với bạn, cụ dạy cháu thì hễ ở nhà, là từng lời ấy cũng thấm luôn vào người con dâu đảm đang, tháo vát.

Khi bà dạy thằng Lâm: “Chơi thứ gì cũng đều là văn hóa, tinh hoa của ông cha ta truyền từ đời này sang đời khác, được tích lũy dần nên vô cùng sâu sắc. Nói năng, ứng xử với bề trên con đừng hiếu thắng. Phàm những người kiến thức uyên thâm, có kỹ thuật chơi lan và sở hữu lan quý thì đều thâm trầm, không thích khoe khoang”.

Được lời dạy ấy của mẹ thì còn gì bằng. Cụ Cân thấy câu đó bồi cho thằng cháu nội đang tuổi mới lớn thật chất lượng, tẩy rửa cho nó bớt thói tự đắc. Cụ Cân nhắc: “Cháu không phải học ai sất. Cứ học ngay mẹ cháu đây. Biết mà như không, thế mới là biết. Giờ cháu thấy đấy, mẹ cháu sành hoa lắm”. Lâm đang chăm chậu thanh trường cổ, dừng tay, thưa: “Vâng ạ. Ông và mẹ dạy con xin nghe!”.

“Ngọc bất trác bất hành khí. Quả nhiên sau này lớn lên, cùng với những lời dạy theo thời gian, dòng máu gia truyền chảy trong người giúp Lâm luôn tự tin, chín chắn. Nhưng chuyện yêu đương của Lâm chủng chẳng, thiếu duyên, như người đi tìm lan trên rừng. Có chuyến cơm nắm cơm đùm, chịu bao cực nhọc lặn lội rừng sâu mà duyên lan chưa đến, về tay không. Gia đình giục lấy vợ, đừng để Thùy chờ lâu quá, kẻo lòng chênh chao. Người cũng như hoa. Hoa bị bỏ rơi hoa buồn. Lâm tìm mọi cách câu thời gian, nào là đang bận phấn đấu, tuổi chưa chín chắn…

Lâm tiếp xúc với nhiều người giàu khủng khiếp. Thói giàu xổi thường coi thường người khác, tiêu tiền như nước. Những vườn lan nức tiếng vẫn âm vang tiếng tăm, vẫn ủ hương cho đời. Nhưng dòng đời chảy ầm ào, nghệ nhân thường chọn cách sống lặng lẽ. Lâm hiểu, kẻ giàu xổi được đà xông lên. Họ trang trí cho mình thú sưu tầm và luôn thích sở hữu những cái mới. Nhưng họ chỉ biết một mà không biết hai.

Thứ lan phô trương hoành tráng trong các cuộc tỉ thí chỉ là thứ lan công nghiệp, được lai ghép cấy mô hàng loạt, đến kỳ là nở. Đó là đồ hữu sắc mà vô hương. Nhiều loại cánh hoa mỏng tang, lá cũng nhợt nhạt, vô hồn. Có lần một gã trọc phú bước xuống xe, vào vườn tung ra những lời như sấm, như sét: “Chú có bao nhiêu loài quý thì bỏ ra, anh mua hết cho”. Lâm lắc đầu. Nhìn là biết không phải người sành. Nếu sành chỉ đi một vòng là biết được trong vườn này, chậu nào quý giá.

Lâm bảo: “Không, em toàn chơi hàng bình dân”. Gã trọc phú cắp đít về, buông một câu: “Lúc nào đến tớ cho mở tầm mắt. Lan tớ rất khủng”.

Bẵng đi, một hôm vớ lại được cái cạc vi-dít của gã trọc phú. Lâm nhủ lòng thử đến xem thực hư thế nào về những lời đồn về đại gia đất chơi toàn lan quý hiếm. Theo số điện thoại, hẹn rồi tìm đến. Quả nhiên nhà biệt thự vườn rộng với đàn chó ngao lộc ngộc. Chẳng có chậu nào thể hiện được tinh túy của kẻ sĩ. Tất thẩy đều lai ghép. Dù cùng giống lan quý giá, nhưng pha tạp lai tạo quá nhiều. Cả một khu vườn rợn ngợp lóa mắt nhìn đâu cũng thấy sự khoe khoang.

***

Giờ Lâm cuốn theo những cuộc chọi chim, thi giọng ca vàng, tụ tập, uống rượu, anh quên những chậu lan, lơ là lời dạy của ông nội. Trong lòng Lâm nặng nề hình bóng Thảo Anh, nhất là lại nhìn thấy cô vui vẻ lên xe xuống xe với một người giàu có khác. Hoa lan chứng kiến những giọt nước mắt vụng về của anh trong đêm.

Đàn ông lạ lắm. Mạnh mẽ đấy mà thật yếu đuối.

Đêm không chợp mắt được, cụ Cân trở dậy ra vườn lặng lẽ ngắm cánh hoa tõe vào đêm. Thùy mị. Ngạo nghễ. Cụ thất vọng. Con bé đó đỏm dáng, có gì mà khiến thằng cháu cụ phải si tình đến thế. Con bé Thùy nết na, công việc ổn định, đẹp nền nã, có gì không tốt nào. Cụ khuyên: “Anh cũng không còn trẻ gì nữa. Có thể nói là trưởng thành rồi. Anh quên sách anh đọc về người quân tử rồi sao. Anh quên là trụ cột gia đình. Bố anh vất vả làm nhiệm vụ, mẹ anh dù thế vẫn vò võ nuôi anh. Giờ giở chứng chơi chim với cò, giao du với trẻ trâu, nào còn giữ được mình”.

Không dám hỗn với ông nội, Lâm muốn trốn nên xin phép cụ Cân: “Cháu đau đầu, cháu cần đi nghỉ ông ạ”. Người mẹ buồn vì con, nhất là nó đã dám bán cả xe máy đi để chơi chim, lại vay tiền bạn ôm về thêm hai chiếc lồng Ngũ long tranh châu đắt đỏ, với một cặp vành khuyên được cho là vô địch ở Hoàng Mai, có khả năng tranh tài với nhiều kẻ chơi khác. Không ai khuyên được Lâm, kể cả Thùy, người đã động viên anh trong nhiều cuộc rượu tàn, hơi men nồng nặc.

Lựa lúc con vui, người mẹ nhắc:

- Này con, xuân sắp về rồi. Khách hàng quen đặt hoa, con nên giúp ông chăm chút để giả hàng cho họ.

Nhưng Lâm chỉ vâng dạ, rồi để đấy. Ngoài thời gian đi dạy, anh đổ công sức cho một cuộc tỉ thí mới với mấy thanh niên nhà giàu ở khu Mỹ Đình. Anh quyết để người khác nể, dù mới nhập cuộc nhưng phải nếm mùi đẳng cấp đã. Tuổi trẻ thường thích phô phang. Ba chiếc lồng chim, treo bên những giò phong lan đầy màu sắc, thật không gì kỳ diệu bằng. Ba chú chim thi nhau ngúc ngắc, nhảy múa, ca hót, thật thích mắt. Mấy gã bạn lượn lờ đến, đánh tiếng có người thách đấu cả ba con, giá cả trăm triệu cho một cuộc. Đám bạn thân nhất của Lâm sốt sình sịch, mặt mũi nóng nhẫy, bảo chơi được. Ba người góp lại, chọn lấy ba con hay nhất để tỉ thí.

Cuộc tỉ thí diễn ra vào đúng ngày lễ Giáng sinh. Trong ba con đi thi thì có hai con của Lâm, một nữa của Thái. Họ chắc mẩm giành thắng lợi. Đấy, tiếng hót như oanh, như ngọc thế kia cơ mà. Nó sẽ làm vương, làm tướng trong số những chú chim xuất sắc ở cuộc thi.

Người tổ chức thuê trụ sở nhà văn hóa khu phố Cội làm địa điểm. Nhiều thanh niên biết tiếng xách lồng vành khuyên đến cổ vũ. Lâm đến đúng hẹn, tự tin treo lồng lên dây sau khi đã cởi bỏ vải hồng che gió. Cả ba chú chí choách liên hồi, hót vóng lên chói gắt.

Tự nhiên Lâm cảm thấy ớn lạnh. Thế rồi vào cuộc, cả ba chú cứ đờ đẫn, chậm chạp như bị rút hết sức sống và cắt mất lưỡi. Nào hót đi, ca đi. Nào nào. Vành khuyên của kẻ tỉ thí hoạt náo, làm chủ cuộc chơi. Chủ của chúng mãn nguyện cơ mặt giãn nở đẫy đà. Mặt Lâm và Thái biến sắc. Nào, hót đi! Anh vỗ mạnh tay vào lồng. Những chiếc lồng chao đảo, ba chú chim sợ hãi, miệng nín bặt, mặt dớn dác.

Thua thê thảm, Lâm mang hai chiếc lồng về treo lên chỗ quen thuộc, với một nỗi tuyệt vọng chưa từng có. Vậy là hết. Bỏ cả đống tiền cho lồng và chim để nhận được ba chú vành khuyên câm lặng, vô hồn. Giờ đặt cả ba sát nhau chúng cũng câm lặng. Tiền thua cũng đi vay…

***

Hóa ra Lâm bị lừa cuốn vào cuộc chơi, dốc tiền để được nhận những lời tâng bốc có cánh và những chú chim bình thường được tôn lên hàng siêu đẳng. Anh tìm đến rượu để giải tỏa. Sau hai trận say bã bời, anh ốm liệt giường. Lâm đã thua một canh bạc, rồi thua một canh bạc lớn hơn là gửi gắm niềm tin vào đám bạn lêu lổng. Anh chẳng hiểu gì về vành khuyên. Vả lại cách thức cho ăn dù đúng, nhưng tâm trạng không tốt nên cho ăn thứ thì thiếu, thứ lại thừa, thành ra chim thiếu chất. Không chỉ chim bị suy yếu, không thể hót mà những chậu địa lan cũng thiếu sức sống khi chủ ốm, tâm trạng anh không vui, nhất là còn bị bỏ bẵng không chăm sóc. Anh nhớ ra, ông nội từng nói địa lan hiểu người, người ốm hoa cũng ốm. Hay loài chim cũng hiểu, muốn anh tỉnh ngộ?

Mùa xuân âm thầm ủ nhựa trong mầm cây. Ba chú chim bị cấm khẩu từ hôm đó chưa phục hồi. Cụ Cân bảo: “Cháu không có duyên chơi chim. Hoa lan yêu cháu, không muốn cháu chuyển thú chơi khác”. Lâm hiểu ra. Phải rồi, chẳng có thứ gì đến một cách dễ dàng, nhất là khi người chơi nông nổi, a dua thích chiếm hữu mà không hiểu được bản chất cũng như giá trị của hương sắc cũng như lời ca tiếng hót của chim trời. Anh nói gần như khóc: “Cháu đã sai. Thực sự vì thất vọng tình duyên cháu đã bỏ rơi hoa. Cháu xin về với ông, với hoa”.

Ngôi vườn khởi sắc khi Lâm chăm sóc. Chậu lan truyền đời là biểu tượng cho gia phong, nếp ăn nết ở đẹp âm thầm mà rực rỡ. Lá cong cánh cung, uyển chuyển, vừa nhu vừa cương, nụ hoa đâm ra căng mọng tựa nhộng tằm, thơm thanh đậm đến kỳ lạ. Lâm thấy Thùy cùng mẹ đi chợ. Duyên hoa níu anh về một miền hy vọng mới, bởi hạnh phúc đang nở trong tay.

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên

Đọc thêm