[Truyện ngắn] Lưa thưa đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xưa ngoài nước mưa, cả làng sống nhờ bốn cái giếng ở đầu mỗi xóm, tiện lợi cho việc lấy nước...
[Truyện ngắn] Lưa thưa đồng

1. Tôi về thì làng xôn xao chuyện đấu thầu những lô đất. Người ta lấp bốn giếng nước như bốn con mắt làng để chia lô. Xưa ngoài nước mưa, cả làng sống nhờ bốn cái giếng ở đầu mỗi xóm, tiện lợi cho việc lấy nước. Đám thanh niên vẫn chim chuột tán tỉnh nhau trên bờ giếng. Nhiều người thành vợ chồng và cũng không ít đôi ngậm ngùi không đến được với nhau. Ông Thật, anh trai tôi hỏi:

- Chú có lên sân nhà thờ Hợp Thành, đấu thầu một suất?

Tôi lắc đầu. Đó là chuyện của người ta. Đất tôi đủ rồi. Tôi về theo “lệnh” của vợ, muốn cải tạo mảnh vườn để trồng rau, thi thoảng cuối tuần mang lên thành phố ăn và chia cho các con.

Đầu tiên phải cải tạo đất. Tôi liên hệ mua và thuê người chở đất lấp lên những chỗ trũng, sau đó phủ lớp đất màu tơi xốp ở bề mặt. Trời nắng nóng. Tôi cởi trần, hùng hục, mồ hôi đầm đìa, mảnh bát, mảnh sành vỡ lẫn trong đất cứa tơ tướp các ngón tay. Hai bàn tay rớm máu. Mệt nhưng hăng và đầy khí thế như thể sau trận đánh thắng giòn giã, tiếp tục chuẩn bị một trận đánh khác. Cơi nới khéo léo cũng được một sào. Tôi lấy cánh tay lau mồ hôi trên mặt, thở gấp, nhìn lại thành quả và thấy an tâm phần nào.

Thật bảo tôi đã quên việc nhà nông. Tôi vặc lại. Rau cỏ chẳng chê tay quen cầm cuốc hay cầm bút. Thật vẫn ủng hộ và chỉ tôi chỗ mua giống. Khu vườn chia thành bảy tám ô nghiêm ngắn. Mỗi ô trồng một loại rau. Rau muống, mồng tơi, rau thơm, cải, đỗ xào… Có chỗ trồng cây dừa cạn chờ nở hoa. Nông thôn mà, dù cuộc sống còn chưa bằng ai nhưng người ta vẫn cố yêu và tìm cách tạo sắc hương.

Là con nông dân chính gốc, cả thời niên thiếu tôi gắn bó ruộng đồng. Tôi lớn lên, ao ước học hành thoát ly đồng ruộng. Học hành, làm việc trên phố, nay tìm cách quay trở lại ruộng vườn. Đôi tay hằng ngày quen cầm bút, gõ phím, thoa lên những con chữ nhỏ xíu thơm tho thì nay lại vục vào đất, phân tro và vục mặt vào nỗi vất vả.

2. Khi gieo hạt cải, khi trồng cọng rau muống xuống và tìm thêm các loại hạt giống, tôi mới biết mình không đơn độc. Đã và đang có phong trào người phố về quê trồng rau, chăn nuôi. Người làng trồng rau sạch mang ra phố cung cấp mối quen hoặc người “đại gia” khuân tiền về nhờ vả người thân quen. Người trồng đến đâu lại có người dùng điện thoại thông minh, quay lại. Tư liệu ấy được gửi đến trang của người thuê ở tít trung tâm thành phố. Cả khu đồng Cầu Đá trước cửa Ủy ban xã bạt ngàn ruộng rau, chẳng còn là những ô thửa truyền thống như năm xưa. Dường như kẻ càng có tiền càng mong manh sợ chết, lo giữ thân và tìm cách ăn sạch uống sạch. Thị trường nhan nhản cái giả nên các khu vườn, cánh đồng làng quê tạm thời trở thành nơi gửi gắm ước mong được ăn rau dư lượng phân đạm, thuốc trừ sâu thật ít mà an toàn thật nhiều. Mấy giếng làng bị nhẫn tâm lấp đi để có mặt bằng đấu thầu cũng có bàn tay của vài ông chóp bu giàu sụ. Họ muốn kiếm ít đất quê nên vung tay tuồn tiền về.

Bất ngờ làm sao! Tự dưng rau cánh đồng Cầu Đá chết hàng loạt. Các loại rau đang được tưới tắm mơn mởn bỗng ủng gốc, cứ thế héo rũ, ngã rạp xuống. Làng tôi truyền thống làm rau. Đây là hiện tượng lạ lùng chưa bao giờ xảy ra. Có người nói rau chết do trận mưa a-xít vào giữa tuần vừa rồi, ngay sau đó trời nắng gay gắt hơn bốn mươi độ. Thành phần a-xít nhiễm trong nước mưa quá lớn nên đánh gục các thứ cây mỏng manh vốn chỉ ưa chăm bẵm. Họ đặt câu hỏi tại sao rau các khu vườn trong làng vẫn an toàn. Sao thế được? Mưa giội lên toàn vùng cơ mà. Nếu do nước mưa, sao chỗ này rau chết, chỗ kia không?

Một số khác cho rằng có người dùng thuốc hạ độc thủ. Mà ai thực hiện hành vi bẩn thỉu đó thì chả ai biết. Tất cả chỉ là những nghi vấn, nhưng dân làng được phen xôn xao. Có người đang tìm cách điều tra.

- Vườn chú vưỡn bình an - Thật bảo - Các cây rau đang phát triển rất tốt, nhất là sau trận mưa tối hôm đó. Còn đồng Cầu Đá thì…

3. Vợ tôi gọi điện nửa hỏi han nửa hối thúc.

- Làm cái gì mà lâu thế? Mau mau mà ra. Rau cỏ đến đâu rồi?

Tôi mải mê cuốn theo các thông tin điều tra về hiện tượng rau đồng Cầu Đá chết hàng loạt, tôi quên “báo cáo” tình hình.

Bà cứ làm như tôi có phép thần thông. Tôi còn phải cải tạo đất. À mà này, nhiều người còn đi trước tôi và bà. Họ đã ùn ùn về khu này trồng rau. Người thì thuê đất rồi ở lại ít ngày trồng luôn rồi nhờ họ hàng chăm sóc. Có kẻ đứng từ xa đặt hàng trồng rau, nuôi gà vịt lợn. Nhu cầu của dân tư ghê gớm lắm!

Vợ tôi thở hắt. Sự liến thoắng của bà ấy làm nóng ran điện thoại tôi. Bà ấy nói không quan tâm chuyện làng, chuyện ai trồng rau ai thuê đất. Bà ấy muốn có rau cung cấp cho gia đình riêng của hai đứa con.

Chuyện rau cỏ làm tôi và vợ căng thẳng. Vậy mà bà ấy còn nhận ủy thác của những bà bạn bự phấn cùng cơ quan, hoặc cùng câu lạc bộ khiêu vũ. Họ có căng thẳng như chúng tôi? Trong thớ não của vợ tôi, quê tôi là cái gì đó khá mù mờ, khi cần mới nhắc đến như một sự chiếu cố. Không thì quên luôn. Tôi bảo:

- Để anh lấy một ít của bác Thật gửi lên. Bác ấy trồng ăn, sạch thật.

Vợ tôi dấm dẳng:

- Gửi hay không thì tùy. Đừng cho vợ con cháu ăn thuốc sâu.

Tôi nhọc lòng tắt máy. Mãi sau vẫn thấy âm thanh lạ hoắc như kèn như trống bên tai. Tôi biết vợ chẳng mong tôi về trung tâm bởi bà ấy rổn rảng nhiều thú vui. Bà ấy mong tôi lên để buổi tối đỡ phải ở một mình trong ngôi nhà khá rộng. Đòi hỏi về những bữa cơm dư dật rau an toàn là chính đáng. Trời đâu chiều lòng người. Sự nhộm nhoạm của thị trường đã khiến các bà nội trợ mặt nhóng nhánh mỡ, thừa cân và các cặp vợ chồng trẻ hoang mang. Sự nhộm nhoạm ấy cũng xua tôi vục mặt vào đất.

Chưa hết nóng người sau cuộc điện của vợ thì Đoán đến. Nhà Đoán sau nhà tôi. Đoán dẫn theo Cân, học cùng tôi và Đoán thời trẻ trâu. Cân và Đoán ngó nghiêng vườn rau tôi mới trồng, khuôn mặt như đeo thuốc súng. Tôi hiểu Cân đang nghĩ gì. Cân thắc mắc về sự sống của rau trong vườn tôi nên dẫn người điều tra. Hẳn họ làng đang có nhiều nghi vấn. Tùy các người thôi, sẽ chẳng có kết quả gì đâu. Tôi nói luôn:

- Rau tôi không ảnh hưởng bởi mưa.

Trong làng đã có kẻ tung tin nhảm, rằng những người như tôi muốn thể hiện đẳng cấp đã thuê người tưới thuốc độc lên đồng Cầu Đá. Thử hỏi ai đủ tiền mua thứ thuốc diệt cỏ hạng nặng để diệt trừ hàng chục héc-ta rau màu?

- Tôi xin thưa trước với hai ông, có thể hai ông đến dò xét hoặc nghi ngờ những người như tôi làm trò bậy bạ đó. Tôi không rỗi hơi.

Hai ông khách ngó nghiêng, lát sau ngồi uống chưa hết chén nước chè rồi đi. Khuôn mặt Đoán có vẻ hơi ngại ngần. Xe máy họ nhả ra rất nhiều khói và kêu pành pành. Tôi thấy cay cay nơi hốc mũi. Người ta không tìm ra nguyên nhân, cũng không thể đổ vấy cho tôi. Cánh nhà giàu ơi ới gọi điện nhờ vả người dân gieo trồng lại. Khu Cầu Đá lại thành đại công trường. Các ô ruộng lớn được đánh luống thẳng tắp. Tôi ngược phố mang theo hai túi rau đầy của ông anh trai. Vợ tôi nói những cái vườn ở quê vẫn vô phúc, chưa đẻ ra rau thật. Ba ngày sau tôi về lại quê. Cơn mưa rào ào ạt đón tôi. Chuyện rau cỏ mỗi ngày thêm kịch tính.

4. Mấy ông to bà lớn đánh xe hơi về cấp tốc mua đất vườn trong làng xã. Xe hơi các loại đỗ đầy đường cái. Họ không đòi làm nông dân nữa mà quyết liệt đặt hàng cánh đàn ông đàn bà nhiều kinh nghiệm làng tôi gieo trồng. Dưới gốc cổ thụ, trong các con ngõ, người ta túm năm tụm ba bàn tán chuyện trồng rau, nuôi gia súc gia cầm. Thói chăn nuôi công nghiệp cùng toan tính thúc ép phát triển nhanh đã khiến bao thứ thực phẩm dễ dãi mất an toàn. Ngoài Cầu Đá, chẳng ít hộ được thuê đã làm lều tạm trông theo “chỉ thị” của các đại gia. Họ sợ rau sẽ lại héo rũ. Nhưng đồng rau Cầu Đá vẫn chết theo… cách của chúng. Rễ teo. Lá héo. Cả một dải đất không thể trổ xanh. Cánh nhà giàu chờ đợi nay chưng hửng. Người ta rồ dại, đau khổ, bấn loạn vì rau.

Một số người tìm số điện thoại, gọi hỏi thăm tôi cách thức. Tôi nói với họ, tôi chẳng có cách gì cao siêu. Trước đây tôi là gã nông dân và những kinh nghiệm vẫn được ủ ấm bằng mảnh đất này. Tôi cười. Họ cũng cười, nhưng có cái gì đó xa xót lắm. Để có cái ăn an toàn, nhọc nhằn đến thế sao!

5. Lâu lắm tôi mới đi bộ trên con đê làng. Đê nhỏ nhưng cỏ phủ xanh trong chiều dịu nắng. Đang thư thái thưởng thức những cơn gió mát rượi từ đồng và sông thổi ngược thì Thật dừng xe máy cạnh tôi.

- Chú về anh bảo cái này.

Tôi ngồi lên xe Thật. Xe đỗ xịch góc sân. Thật đã đặt mấy chậu đất tại đây. Tôi đứng bên anh trai. Thật nói:

- Đây là đất anh lấy từ Cầu Đá. Anh đã gieo vào đây những hạt giống tốt nhất nhưng không nảy mầm. Anh nghi là đất hỏng. Qua kinh nghiệm và nhìn vào thì thấy đất bị trúng độc thật. Do dân ta thôi. Nông dân lạm dụng phân bón hóa học và thoát ly phân hữu cơ. Việc làm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng đã làm hỏng đất. Chưa kể là do mưa nữa. Nước mưa cũng nhiễm độc. Mấy thứ độc cộng hưởng làm rau không thể sống được. Ở trong vườn, sở dĩ rau sống được là do vẫn còn bị phun ít, còn được người dân dùng trấu ủ mục phủ ra. Điều này phải nói với Ủy ban xã để người ta thông báo lên loa phát thanh xã, cho dân rút kinh nghiệm, cải tạo lại đất. Anh nghiên cứu rồi. Phải cải tạo bằng vôi bột, phân chuồng ủ mục và hạn chế thuốc hóa học. Điều này dân ta cũng am tường nhưng có thể do chủ quan hoặc cố tình làm ngơ.

Cán bộ Ủy ban xã nắm thông tin. Họ họp và mau chóng phát thông tin trên loa phát thanh. Dân quê tôi ồ ạt cải tạo đất Cầu Đá. Nhưng đất vốn lành hiền. Mất nhiều thời gian khiến đất nhiễm độc, song cũng mất nhiều thời gian để đất trị bệnh, lành hiền trở lại. Sau hơn tháng chờ đợi, rau vườn tôi có thể thu hoạch. Một bà bự phấn có xe riêng chở đến gặp ông Thật đặt hàng. Thật hỏi tôi:

- Chú hợp tác không? Tôi lắc đầu:

- Ốc không mang nổi mình ốc... Em còn sợ vợ mắng vì rau em trồng chưa đủ mang lên phố.

Thật lắc đầu theo kiểu không ưa. Ông anh tính hay thương người và thương những ông những bà giàu sụ đầu tư cả đống tiền vào đồng đất mà chưa được hưởng lợi. Tôi thu hái được hai lần rau thì dịch COVID-9 chặn lại. Nghe đâu người làng tôi lây bệnh từ một đại gia. Làng bị phong tỏa. Tôi không thể về quê mang rau lên phố. Những ô đất Cầu Đá nằm chờ thời gian cải tạo, ủ ê buồn. Vợ tôi than phiền. Đang ăn ngon thì dịch bệnh. Mệt. Những đại gia chờ rau còn mệt hơn tôi. Tiền bạc và đất đai của họ ở đó…

Tôi gọi điện cho Thật, mỗi ngày. Thật nói dịch bệnh làm người làng tôi không muốn ra đồng. Đất đồng sẽ được nghỉ dài. Biết đâu khi dịch bệnh lui, sức khỏe đất phục hồi.

- Thế còn rau của em?

- Nhiều, ăn không hết, hư hỏng, anh phá vợi đi. Chú yên tâm, anh sẽ gieo trồng lại cho chú. Không lo vợ mắng, nhé.

Tôi phì cười sau câu chốt chua chua của Thật. Làm sao vợ mắng được tôi ngoài mấy câu càu nhàu quen thuộc. Phái yếu mãi là phái yếu. Tôi cúp máy. Thành phố những ngày nóng như lửa đốt bởi thời tiết và dịch bệnh khiến ai cũng nhễ nhại sợ. Nhiều ông nhiều bà rót tiền về quê hẳn hoang mang hơn. Thi thoảng có đêm tôi mơ ú ớ. Vợ tôi bảo, toàn nghe thấy tôi nói chuyện với ông Thật, hỏi rau làng mình thế nào? Tôi toát mồ hôi. Tôi muốn nói chuyện thực. Hỏi, Thật nói:

- Vài người lưa thưa ra đồng làm đất rồi. Anh cũng gieo lại cho chú đây.

Tôi mong dịch bệnh qua mau.

Truyện ngắn của Phú Xuân