[Truyện ngắn] Mưa trong đáy cốc

Phải khó khăn lắm mới tìm thấy Hạnh trong dòng đời tấp nập ấy. Vất vả chinh phục, tưởng sẽ sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng không phải, cuộc sống luôn thay đổi. Nếu ai đó nói có thể yêu một người con gái cả đời mình thì chắc chắn người đó có vấn đề. Anh đã nghĩ cả đời này sẽ không còn tơ tưởng đến ai nữa. 

Đôi ba lần anh tơ tưởng đến người con gái khác, dù biết đó là tội lỗi mà không cấm cản đừng nghĩ. “Yêu vợ thế mà cũng có lúc chán vợ, không hiểu những người phải chịu đựng sống không tình yêu với nhau sẽ khổ sở thế nào?”, anh nghĩ và cười cay đắng. Mới tháng trước thôi, anh định bỏ vợ đi đâu đó một thời gian cho bớt ngột ngạt. Không làm được. Anh đành làm trò ú tim với vợ. 

 

Ngày chủ nhật, anh leo vào cái hộc tối đen trên gác xép và nằm im, ngủ một mạch. Hạnh không thấy anh ở nhà, anh cũng không nói đi đâu. Máy cầm tay tắt ngấm, vứt đầu giường. Anh đi đâu được nhỉ? Tối Hạnh nấu cơm và ngồi đợi. Qua cái hộc nhỏ, anh có thể thấy dáng vẻ khổ sở của sự chờ đợi. Ngày nào cô cũng mong chờ, quan tâm đến anh thì chuyện đã khác. Hạnh hết ra cửa ngóng lại ngồi vào bàn, bật ti vi. Cũng chẳng buồn xem. Môi Hạnh bặm ra chua ngoa như ngày thường cô vẫn phụng phịu với anh: “Chết tiệt, đi đâu được nhỉ?”.

Anh thấy cô ngồi, rồi ngả người xuống giường, nhắm mắt. Anh chui ra khỏi cái hang nóng nực. Nếu mình đi mãi mãi thì Hạnh sẽ ra sao nhỉ? Anh thận trọng bò đến chỗ có thể nhìn thấy khuôn mặt Hạnh, hơi thở nhanh hơn. Khi thấy cánh tay Hạnh cựa quậy thì anh vội vàng bò vào chỗ nấp. Lúc này Hạnh đã ngồi dậy, vu vơ một câu gì đó anh nghe không rõ. Mãi sau Hạnh gắt: “Anh còn nằm trên đó làm gì?”. Anh vẫn ngồi yên như không nghe thấy. Hạnh đứng dậy nhìn lên gác xép: “Anh có xuống không hay để em cầm gậy lên đó?”. Lúc này anh mới chịu chui ra.

- Này anh, nếu em cứ nằm giường suốt đêm không gọi thì anh sẽ ở trên đó đến sáng mai à?

Anh đưa hai cánh tay dày nốt muỗi đốt cho Hạnh xem. 

- Đáng đời anh, tại sao anh lại lên đó làm tù binh cho lũ muỗi hả? Kìa, cả trên mặt nữa, trời ơi...

- Anh muốn xem em sẽ ra sao khi không có anh.

- Đồ ngốc, nếu anh có chết vì lũ muỗi thì cũng không trách được em đâu!

Bữa cơm khuya, Hạnh ngồi tiếp thức ăn, y như anh là khách, hoặc như một đứa con ngoan vừa qua một buổi lao động vất vả, người mẹ hiền từ ngồi chăm từng miếng cơm. Anh cảm thấy người phụ nữ quan trọng trong đời người đàn ông đến thế nào.

***

Thế nhưng, con người không thể đoán định được sự thay đổi của thời gian. Anh những tưởng sau lần đó, hai người sẽ hiểu nhau hơn, sống hạnh phúc hơn. Nào ngờ, sự no đủ song song với bộn bề công việc đã làm chai sạn cảm xúc vợ chồng. Hai người dường như không còn thời gian dành cho nhau. Đi làm về muộn, mệt, tắm giặt xong là lăn ra ngủ, có khi chẳng cần ăn cơm. Sáng ra hoặc anh đi sớm, hoặc cô đi sớm. Lệch pha. Mỗi ngày gặp nhau rất ít. Sống nhạt nhẽo quá. Có lúc anh bảo vợ: 

- Hay là em làm ít thôi, mình anh là được rồi, em phải chăm lo gia đình, chúng ta cũng cần sinh con. Hạnh gắt: “Anh chỉ biết mỗi anh có chí thôi chứ gì. Đừng khinh em, em cũng có con đường riêng. Em còn phải làm cái luận án tiến sĩ. Sau đó tha hồ thu tiền...”.

Anh quay đi, không dám nhìn vợ.

Càng ngày, anh và vợ càng lao vào công việc nhiều hơn là chăm sóc cho một gia đình. Cả hai dường như quên mất mình đang có một tổ ấm. Anh thích chỉn chu, cô thích ăn diện. Có lúc định nóng nảy cáu gắt gì đó để vợ chồng có cớ cãi nhau, để mà nhìn mặt nhau lâu hơn, chứ không... Cái “chiêu” đó do một người bạn bày cho. Anh ta nói: “Vợ chồng cứ yên ấm quá cũng buồn, thi thoảng phải cãi nhau đầu óc nó mới khôn ra”. Kể cũng đúng. Nhưng anh không dám làm vì sợ. Kiếm cớ cãi nhau chỉ để nhìn khuôn mặt nhau lâu hơn, và chắc chắn sẽ là khuôn mặt tức giận, cau có. Nhỡ đùa hoá thật, mỗi người một nơi thì hỏng. Anh thấy mình vô dụng, đến nỗi không thể gây ra sự mâu thuẫn. Lại công việc. Gã trưởng phòng cũ đã bị điều đi nơi khác, anh là phó phòng, có cơ hội được đưa lên trưởng. Thời gian cho việc lấy lòng các sếp lớn nhiều hơn. Tâm huyết đổ vào đó lớn hơn. Rượu chè ác chiến hơn. Cuối cùng cũng thành công.

Công việc của trưởng phòng đã khác trước. Giờ phải tiếp xúc với các sếp liên miên, làm phó cho giám đốc vì chức phó đang khuyết. Là lãnh đạo thì chỉ lãnh đạo, họp hành, tiếp đón và ký giấy tờ... Nhưng anh vẫn thấy nản.

Những ngày mưa ngồi trong quán cà phê kỷ niệm, anh có cảm giác được trở lại thời thanh niên. Chính nơi này, anh đã ngỏ lời yêu Hạnh. Khi đó anh không đủ tiền để gọi đĩa hoa quả, chỉ hai cốc nước và đĩa hạt dưa. Thế mà vui. Hạnh có còn nhớ không nhỉ? Hay công việc đã lấp liếm hết cả. Cuộc sống ngày càng giết dần sự lãng mạn, chỉ còn trơ khấc những lo toan thường nhật.

Mưa. Quán mở nhạc Trịnh. “Chiều nay còn mưa sao em không lại. Nhỡ mai trong cơn đau vùi... Mưa vẫn hay mưa cho lòng biển động. Làm sao em biết bia đá không đau...”. Nao lòng quá. Ra khỏi cơ quan, sà vào quán này thôi là anh thấy đời khác hẳn. Không còn chi tiết lặt vặt, không còn bon chen ngột ngạt. Chỉ du dương lãng mạn. Lúc đó, anh bấm điện thoại cho vợ: “Em à, anh không ăn cơm ở nhà, về hơi muộn, em làm gì thì làm rồi đi ngủ trước đi. Cứ cài cửa cẩn thận, về anh gọi”. “Anh lại tiếp khách à?”. “À, ừ... gần như vậy”. Giọng Hạnh nhặng xị trong điện thoại: “Anh không nói rõ được à. Hay là đi với con nào?”. 

Anh nổi cáu, tắt máy. Không để ai gọi lại nữa. Buồn. Tự dưng có hứng gọi chai rượu ngồi uống một mình. Thì uống. Mấy khi trời mưa đẹp thế này, không khí lại mát mẻ... Chẳng bao lâu chai rượu cạn nửa. Anh chếnh choáng men. Thấy mình nhẹ bẫng. Sau vụ này, có lẽ phải củng cố lại gia đình. Bỏ vợ thì không đành vì khó khăn lắm mới có được. Làm sao đòi cô ấy phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Anh tự vạch ra kế hoạch và thấy mình có lý. Có men nghĩ ngợi nhanh hơn thì phải.

Xe tắc xi đưa về tận cổng, loạng choạng, anh đấm cửa thình thình. Hạnh cau có mở cửa. “Anh có biết mấy giờ rồi không?”. “Chưa đến hai giờ mà, lắm chuyện!” Chỉ nói được có thế trong kế hoạch, anh lao vào giường nằm bệt. Hạnh không nói thêm gì. Sáng sau: “Hôm qua em bỏ qua cho anh đấy. Uống say về còn vẽ chuyện”. “Tôi chả làm gì cả, Anh tỏ ra bất cần. Hạnh nhăn mặt: “Anh làm sao thế? Sao khuôn mặt cứ khó đăm đăm vậy!” “Tôi chả khó gì! Cô đừng lắm lời!”. 

Hạnh thực sự khó hiểu. Ngày thường anh đâu có như vậy. Cô đoán anh có chuyện buồn bực ở cơ quan và giờ trút lên đầu vợ. Hạnh hỏi có phải vì chuyện cơ quan. Không nói, vùng vằng bỏ vào nhà tắm. Anh vô lý quát: 

- Từ nay cô đừng có quan tâm đến những chuyện vặt của tôi. 

- Ô hay, cái anh này, vợ chồng không quan tâm đến nhau thì quan tâm đến ai?

- Cô muốn quan tâm đến ai cũng được, đừng có nhúng vào chuyện của tôi. 

Hạnh không nhịn được nữa, cô buông những lời chua chát. Anh dọa sẽ không về nhà. Hạnh chẳng cản, còn thêm dầu vào lửa. Anh khoác vội manh áo đi thật. Coi như đã làm được một phần của kịch bản.

***

Vắt tay ngang trán, anh nghĩ. Mình đã chán vợ thật rồi, mà sao gần gũi nhau không còn cảm xúc, chỉ ứ đầy một nỗi khó giải thích trong lòng. Anh tơ tưởng đến vài ba vạt áo hồng, váy ngắn ở cơ quan vẫn ngày ngày ngang qua phòng xin chữ ký, trình công văn... Hẳn là các cô gợi mở hơn. Trước đây, anh từng nghĩ sẽ không bao giờ nhìn thấy ai đẹp hơn vợ. Giờ vẫn còn thấy yêu, nhưng hình như không còn nhiều, chỉ còn nghĩa vụ. Vậy thì sao phải cố nhỉ?

Anh trốn đến nằm nhà người bạn. Dặn kỹ anh bạn đừng gọi điện cho vợ anh. Nhưng anh ta đã làm khác. Vợ anh cũng không thèm đếm xỉa. Cô là người tự ái cao. Biết anh đi rồi sẽ về, không xa cái nhà này được. Ba ngày thì anh về. Hạnh không nói một lời, buộc lòng anh lên tiếng trước.

- Có gì ăn không? - anh hỏi cộc lốc. Hạnh vẫn chưa nói gì. Anh nhắc lại. Hạnh ngẩng cổ lên: 

- Anh hỏi ai đấy? 

- Thì ở đây còn ai nữa đâu?

- Anh đi thì cứ đi, đừng có về đây hành hạ tôi, tự dưng anh dở chứng ra chứ tôi làm gì anh nào. 

- Đừng nói nữa, tôi chán ngấy lên rồi đây!

- Tôi không thể hiểu nổi anh nữa. Anh được lên chức thì cũng thay đổi luôn tính nết. Hay là anh... 

Anh quát lên, Hạnh im bặt.

Thế là có cớ. Lần này anh xung phong vào Nam làm việc trong cơ quan đại diện. Không biết cô ấy sẽ ra sao khi không có anh ở nhà và anh sẽ sống thế nào khi thiếu cô ấy. Mình phải chuẩn bị tinh thần trước, anh nghĩ.

Anh lại đến quán cà phê Phố Cũ chiều mưa rơi nhẹ. Tự dưng thấy nao lòng một bài hát cũ. Nỗi buồn trào lên cửa miệng. Gọi chai rượu như lần trước, một mình tu một chai. Chợt nhớ lại đã ba ngày chưa về nhà.

Hạnh nhắn tin: “Em hiểu ra mọi chuyện rồi. Anh cố tình gây sự với em, để em chán, để anh có thể bỏ đi. Anh đừng thắc mắc ai đã nói cho em chuyện này mà hãy nghĩ lại anh đã làm gì với em”.

Anh không nhắn lại, cũng không gọi điện. Sau hai ly thì Hạnh lại gửi tin tới: “Em biết anh sắp vào Sài Gòn, anh đi thì cứ đi cho khuây khoả. Em biết lỗi của em rồi. Em sẽ khác, có thể là khi anh từ Sài Gòn về, sẽ thấy mọi thứ đổi thay”.

Không nhắn lại, không gọi. Anh tu rượu. Lát sau Hạnh gọi, anh đã nghe. Cô nói một hồi: “Sao anh vô tâm thế? Anh không còn quan tâm chút nào đến em sao? Chúng ta làm khổ nhau làm gì. Em đã hiểu ra mọi chuyện. Em biết anh còn ở Hà Nội. Hãy bỏ qua chuyện cũ, em vẫn cần anh yêu anh như ngày nào. Nhưng anh có hiểu cho em là đàn bà cũng có lắm cái khát vọng không? Thế thì phải hy sinh. Anh cũng từng nói với em anh không có được cái gì mà không đau...”. 

Cầm điện thoại nghe mà tay anh run lập cập. Lời nói này là lời của Hạnh ngày mới yêu nhau, đáng thương như thế. Những giọt nước âm ấm tràn ra từ khoé mắt, rơi xuống ly rượu phát thành tiếng. Hạnh tắt máy đã lâu anh vẫn còn cầm áp vào tai. Bỏ điện thoại xuống, anh mơ hồ nghĩ về một cơn mưa, cơn mưa rơi trong quán, mưa trút vào chai, vào ly cốc. Những giọt mưa xiên chéo, rơi vào chiếc ly không rượu của anh. Sực tỉnh vì có một tin nhắn mới của vợ: “Em rất cần anh”. Anh buông chai rượu xuống, lao vào cơn mưa, nhằm hướng nhà mình. Anh lao như bay, chỉ sợ sau cơn mưa này, nếu anh không kịp sẽ không bao giờ được gặp vợ nữa.

Truyện ngắn của Hoàng Mai Hương

Đọc thêm