Truyền tải điện Quốc gia lo thua lỗ, sợ ngân hàng ‘quay lưng’

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Doanh nghiệp làm ăn được thì tình hình tài chính mới vững mạnh, hệ số đánh giá tín nhiệm mới cao, và các ngân hàng, định chế tài chính mới cho vay. Ngược lại sẽ rất khó khăn trong trả nợ và huy động nguồn lực cho các dự án đầu tư”, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trao đổi với PLVN.
Mỗi năm, EVNNPT cần khoảng 800 triệu USD để đầu tư hạ tầng lưới điện quốc gia. Trong số này có những khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế.
Mỗi năm, EVNNPT cần khoảng 800 triệu USD để đầu tư hạ tầng lưới điện quốc gia. Trong số này có những khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế.

Năm 2022, EVNPT dự kiến lỗ hơn 600 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá và trong phương án giá truyền tải điện đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này. “Giữa tháng 6/2022, chúng tôi đã nhìn thấy nguy cơ lỗ và báo cáo ngay với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để có phương án điều chỉnh giá truyền tải phù hợp”, Chủ tịch EVNNPT nói.

Theo quy định, hàng năm EVNNPT phải báo cáo EVN và EVN sẽ trình phương án giá truyền tải điện của năm để Bộ Công Thương phê duyệt. Cụ thể, trước đó, EVN đã trình phương án giá truyền tải năm 2022 là 75,87 đồng/kWh, nhưng sau đó chỉ được Bộ này duyệt ở mức 75,85 đồng/KWh.

Mới đây, EVN đã trình phương án giá truyền tải điện là 79,09 đồng/kWh (tăng gần 4%) so với mức giá đã duyệt hồi tháng 5/2022. Việc này là nhằm đảm bảo để EVNNPT không bị lỗ, đồng thời giúp doanh nghiệp giữ được hệ số đánh giá tín nhiệm, đảm bảo các cam kết với các tổ chức vay vốn và tiếp tục huy động được vốn đầu tư cho các dự án truyền tải điện trong tương lai.

“Năm 2022, EVNNPT dự kiến chịu một khoản lỗ khá lớn, trong khi việc vay và trả lãi các khoản vay trong, ngoài nước thì không thể dừng... Nếu tiếp tục lỗ thì hoạt động rất khó khăn, các ngân hàng, định chế tài chính làm sao cho mình vay. Trong khi nguồn lực để đầu tư của EVNNPT thì có hạn.

Khắc phục khó khăn nói trên, chúng tôi buộc phải điều chính, hạn chế rất nhiều khoản chi như chi thường xuyên, cân nhắc các khoản sửa chữa lớn phục vụ vận hành hệ thống... Lương của anh, em công nhân cũng giảm vì những khó khăn này”, Chủ tịch EVNNPT nói thêm.

Chủ tịch EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng trao đổi với PLVN

Chủ tịch EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng trao đổi với PLVN

Được biết, nhu cầu đầu tư hàng năm của EVNNPT cho lưới truyền tải điện quốc gia lên tới 700 - 800 triệu USD. Do đó, EVNNPT đặt mục tiêu triển khai xếp hạng tín nhiệm nhằm khẳng định uy tín, tăng tính minh bạch của doanh nghiệp, từ đó có thể phát hành trái phiếu quốc tế. Xếp hạng tín nhiệm cũng giúp EVNNPT huy động vốn vay quốc tế từ các nguồn khác nhau mà không cần bảo lãnh của Chính phủ.

Trước đó, tháng tháng 4/2019, kết quả xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT do Fitch Ratings công bố là mức BB+, cao hơn mức xếp hạng của công ty mẹ - EVN và xếp hạng quốc gia của Việt Nam. Mức xếp hạng BB+ khẳng định năng lực tài chính ổn định, vững chắc của EVNNPT ở thời điểm đó.

Dự kiến, kết quả đánh giá xếp hạng EVNNPT năm 2023 sẽ được Fitch Ratings hoàn thành và công bố trong tháng 5/2023.

Trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Công Thương mới đây, EVN cho hay, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty phân phối điện và EVNNPT lỗ sản xuất, kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng, trong đó sáu tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và sáu tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.

Đọc thêm