“Truyền thông bẩn” kinh doanh thực phẩm chức năng: Cần xử phạt mạnh tay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo quy định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng nhiều gian thương đã “thổi phồng” quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc đặc trị, thậm chí là “tiên dược” có thể trị bách bệnh. Bộ Y tế vừa đưa ra cảnh báo về chiêu trò gọi điện tự xưng bác sĩ, lừa bán thực phẩm chức năng. 
“Truyền thông bẩn” kinh doanh thực phẩm chức năng: Cần xử phạt mạnh tay

Dụ dỗ người bệnh để trục lợi

Anh Tuấn Anh sống tại Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, bố anh trước đây lao động nặng nên mới qua tuổi 50 sức khỏe đã sa sút, nhất là xương khớp. Đi khám tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam được kết luận thoái hóa, khô khớp gối và kê đơn điều trị lâu dài. Sau quá trình điều trị, chân của bố anh có chiều hướng thuyên giảm, nhưng ông bỗng tin tưởng các clip quảng cáo trên youtube về các loại thực phẩm chức năng (TPCN)  trị xương khớp mà không dùng thuốc bệnh viện kê. Sau khoảng 6 tháng sử dụng TPCN, đầu gối của bố anh không những không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn, không thể tự di chuyển được. Cuối cùng anh Tuấn Anh đã phải đưa bố đến Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật thay khớp gối.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lừa gạt khi tin tưởng các “thần y, lương y” trên Youtube. 

Theo Thông tư 08/2004/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm TPCN, thì TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.  TPCN, tuỳ theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác sau: Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; sản phẩm dinh dưỡng y học…

TPCN không phải là thuốc, nhưng không ít bệnh nhân và người nhà vẫn có thể bị lừa mua phải TPCN với giá cao vì tưởng đó là thuốc. Bên cạnh nguyên nhân do các quảng cáo trên mạng xã hội thì còn có thể do một số y, bác sĩ thiếu y đức móc nối với các nhà thuốc, các hãng dược phẩm, kê TPCN vào đơn của bệnh nhân. Đáng chú ý việc kê đơn thuốc có TPCN đã bị Bộ Y tế nghiêm cấm từ lâu. 

Mạnh tay xử phạt

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền một clip hơn 5 phút, ghi lại cảnh một thanh niên tự xưng là bác sĩ 38 tuổi đang tư vấn khám bệnh cho một bệnh nhân qua điện thoại và quảng cáo, bán TPCN. 

Theo tìm hiểu, “bác sĩ” tự xưng tên là Tùng, sinh năm 1998, không có chuyên môn về y dược. Hiện người này đang làm việc tại Công ty CP Công nghệ cao GOB Quốc tế (Go Big) chuyên phân phối loại TPCN hỗ trợ sinh lý nam có tên GEN X. Đơn vị này còn có hàng trăm nhân viên khác, có độ tuổi từ 22 đến 25 tuổi, cũng chuyên làm công việc mạo danh y, bác sĩ, chuyên gia tư vấn cho bệnh nhân và bán TPCN. Điều đáng nói, khi tư vấn cho bệnh nhân, các “y, bác sĩ” này luôn gọi TPCN GEN X là thuốc, quảng cáo công dụng như thần dược, khiến nhiều bệnh nhân tin tưởng bỏ tiền mua.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cảnh báo tình trạng giả mạo, tự ý sử dụng hình ảnh bác sĩ của bệnh viện để lừa đảo, trục lợi. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông báo về hiện tượng giả mạo Bệnh viện Bạch Mai ở trang fanpage có tên “Bệnh Viện Bạch Mai - Tặng Thuốc Miễn Phí” để lừa đảo, trục lợi….

Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn chỉ đạo các cơ quan ban ngành khẩn trương vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm nạn mạo danh bác sĩ, lương y để quảng cáo sai sự thật, lừa dối người dân trục lợi. Bộ Y tế cũng đưa ra thông điệp cảnh báo chiêu trò gọi điện tự xưng bác sĩ, lừa bán TPCN. 

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại.

Ở góc độ pháp luật, hành vi mạo danh dược sĩ, bác sĩ để bán thuốc online hoàn toàn có thể xử lý được theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng và có thể truy cứu hình sự nếu thỏa mãn yếu tố cấu thành hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.