TS. Trần Du Lịch: Bamboo Airways hiện là hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất Việt Nam

(PLVN) -TS. Trần Du Lịch cho rằng cơ hội phục hồi sau Covid-19 không dành cho tất cả các doanh nghiệp. Trong thời đại to không đồng nghĩa là khỏe, nhỏ không đồng nghĩa là yếu, thì một bộ máy tinh gọn sẽ sở hữu nhiều lợi thế hơn.
TS. Trần Du Lịch cho rằng cơ hội phục hồi sau Covid-19 không dành cho tất cả các doanh nghiệp.
Ngày 30/5 tại FLC Quy Nhơn đã diễn ra Tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế" do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Báo VnExpress phối hợp cùng Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức.
Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ
Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết cơ quan Nhà nước luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn... 
Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Ví dụ như đường bay Côn Đảo, Cục dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP.HCM. 
 Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, phát biểu tại sự kiện.
"Vào ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP.HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo. Tần suất như vậy là quá lớn chỉ trong thời gian rất ngắn, trong 4 tuần từ khi hoạt động trở lại", ông Võ Huy Cường cho biết.
Nói về thực tế của hãng, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways - cho biết hãng đã có nhiều kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam trước đó, và cơ bản được giải quyết. 
"Bộ Giao thông và Cục Hàng không đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau lệnh giãn cách xã hội. Nhìn chung, đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ ngành đều đã triển khai rất quyết liệt các chính sách dành cho ngành hàng không, vì thế khó khăn đã và đang được tháo gỡ", ông Quyết  nói. 
Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Tuy nhiên, nếu trước Covid-19, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6, chậm nhất là tháng 7. 
"Hàn thử biểu" của nền kinh tế
Bà Đoàn Thị Lộc - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - cho biết, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour. Vì vậy, các công ty thường đàm phán giá cả với nhà hàng, khu vui chơi giải trí... nhằm xây dựng những sản phẩm tốt, kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều. 
Tiếp theo, việc giảm giá vé máy bay mang tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch. Đây là những sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi người dân luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp túi tiền.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng nếu không có hàng không, kết nối quan hệ kinh tế giữa địa phương, tỉnh thành và nhà kinh doanh, các tuyến tour du lịch sẽ chậm. 
 Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways - cho biết, các kiến nghị của hãng với cơ quan chức năng cơ bản đã được giải quyết.
"Ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nếu sân bay vắng bóng người, thì là sức khỏe của nền kinh tế cũng như hoạt động chống dịch của chúng ta chưa thành công", ông Quyết khẳng định và cho biết thêm cảnh tượng còi xe, đông đúc tại lối ra - vào của khu vực nội địa của các cảng hàng không quốc tế ở Việt Nam hiện tại là một minh chứng sống động cho thành công này. 
"Bamboo Airways trẻ, khoẻ, sẽ tiến rất nhanh, rất mạnh"
TS. Trần Du Lịch cho rằng cơ hội phục hồi sau Covid-19 không dành cho tất cả các doanh nghiệp. Trong thời đại to không đồng nghĩa là khỏe, nhỏ không đồng nghĩa là yếu, thì một bộ máy tinh gọn sẽ sở hữu nhiều lợi thế hơn. 
"Những doanh nghiệp to, nhưng cồng kềnh, thì không khác gì xe ô tô 18 bánh chạy giữa phố cổ Hà Nội. Đã đi nhiều nơi trên thế giới bằng nhiều hãng hàng không, tôi đánh giá hàng không nội địa Việt Nam là số một. Và hy vọng cho Bamboo Airways, một hãng hàng không trẻ nhưng khỏe, với dịch vụ cao cấp nhất trong số này, sẽ như một chiếc ô tô con, quy mô chưa lớn, nhưng tiến rất nhanh, rất mạnh", ông so sánh.
Trước câu hỏi Bamboo Airways làm gì để tạo sức bật cho hãng, ông Đặng Tất Thắng - CEO của Bamboo Airways - cho biết, hãng đã đưa ra nhiều phương án thích ứng nhanh khi dịch mới bắt đầu. Cụ thể là dừng các đường bay quốc tế, tập trung vào thị trường nội địa nhằm tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. Trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị cũng nghiên cứu, tính toán để hết thời gian cách ly, triển khai ít nhất 50 chuyến bay một ngày trên tất cả tuyến đường.
"Chúng tôi trở lại mạnh mẽ hơn với các chuyến bay từ Hà Nội tới TP.HCM. Riêng TP.HCM, chúng tôi có 16 chuyến bay một ngày. Ngoài ra, hãng cũng tăng chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM tới các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng...", ông Thắng nói. Thời gian tới, Bamboo Airways sẽ tăng các chuyến bay từ những thành phố đông dân cư như Vinh, Quy Nhơn...
Ngoài ra, để kích cầu du lịch, bên cạnh việc tung ra gói combo hàng không - nghỉ dưỡng hấp dẫn, Bamboo Airways cũng nghiên cứu triển khai nhiều sản phẩm mới, trong đó có thẻ bay không giới hạn cho hành khách.
Qua đợt dịch, Bamboo Airways cũng đang trên tiến trình số hóa tất cả giao dịch với khách hàng, hướng đến mục tiêu dẫn đầu công nghệ số hóa, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe hành khách, vừa nâng cao hiệu quả khai thác. Ngoài ra, hãng cũng đẩy mạnh việc khai thác những chuyến bay chở hàng hoá quốc tế để giảm việc tàu bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực. 

Đọc thêm